Xác định quan hệ hôn nhân và chế độ tài sản theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam

26/05/2022 16:20 | 2 năm trước

(LSVN) - Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Việc kết hôn phải thỏa mãn điều kiện cần cho một cuộc hôn nhân là sự tự nguyện của hai bên nam, nữ. Điều kiện đủ cho một cuộc hôn nhân là phải được Nhà nước thừa nhận khi xác lập quan hệ hôn nhân tuân thủ các quy định của pháp luật về các điều kiện kết hôn. Xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp, hủy việc kết hôn trái pháp luật hay không công nhận quan hệ vợ chồng có vai trò quan trọng không chỉ trong việc giải quyết chấm dứt quan hệ về nhân thân, mà còn liên quan đến giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung. Bài viết trao đổi về việc xác định quan hệ hôn nhân, thủ tục tố tụng án hay việc hôn nhân và gia đình, nguyên tắc phân chia tài sản từ góc độ so sánh giữa chế độ tài sản theo thỏa thuận, chế độ tài sản theo luật định và chế độ tài sản trong quan hệ dân sự.

Ảnh minh họa.

Khái quát về chế độ tài sản và nguyên tắc chia tài sản

Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đều quy định cho vợ chồng chế độ tài sản cụ thể. “Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về sở hữu tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, các nguyên tắc chia tài sản giữa vợ chồng theo luật định”(1). Ở một góc tiếp cận khác khái quát hơn: “Chế độ tài sản của vợ chồng là quyền sở hữu tài sản của vợ chồng, bao gồm việc xác lập quyền sở hữu tài sản của vợ chồng, quyền chiếm hữu, định đoạt tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”(2). Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, có hai chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo luật định. Chế độ tài sản theo thỏa thuận được nam, nữ lựa chọn từ trước khi kết hôn, được thỏa thuận các vấn đề cụ thể về tài sản. Tất cả các vấn đề vợ chồng thỏa thuận trong nội dung văn bản thỏa thuận đều thuộc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng khi vợ chồng không lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Tổng quan chung, chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ sở hữu của vợ chồng. Về chủ thể của quan hệ sở hữu trong chế độ tài sản này, các bên phải có quan hệ hôn nhân hợp pháp. So với quan hệ dân sự thông thường, ngoài việc đáp ứng các điều kiện về năng lực chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể trong quan hệ tài sản thuộc sự điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình phải đòi hỏi tuân thủ các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Nhằm bảo đảm quyền lợi của gia đình, trong đó có lợi ích cá nhân của vợ chồng, pháp luật quy định chế độ tài sản của vợ chồng là cơ sở tạo điều kiện để vợ chồng chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với tài sản của vợ chồng.

Căn cứ phát sinh, chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng phụ thuộc vào sự phát sinh, chấm dứt quan hệ hôn nhân. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng phải dựa vào thời kỳ hôn nhân và nguồn gốc tài sản. Chế độ này tồn tại trong thời kỳ hôn nhân(3). Như vậy, tài sản chung của vợ chồng phát sinh khi quan hệ hôn nhân được xác lập và chấm dứt khi một bên vợ, chồng chết trước hoặc vợ chồng ly hôn. Tài sản chung của vợ chồng không cần phải cả hai vợ chồng cùng trực tiếp tạo ra tài sản đó. Việc tạo dựng tài sản chung cũng không phụ thuộc và điều kiện vợ chồng ở chung hay ở riêng vì nền tảng tài sản mà vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng.

Quy chế pháp lý đặc biệt điều chỉnh chế độ tài sản tài sản của vợ chồng với các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng gắn bó mật thiết với các quy phạm đạo đức, phong tục tập quán. Các quy phạm này quy định các chủ thể khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình luôn xuất phát từ lợi ích chung của gia đình, hướng tới sự bảo đảm các quyền cơ bản của con người, bảo đảm sự bình đẳng giữa vợ chồng. Việc xác định tính chất và mục đích của quan hệ hôn nhân quyết định đến có được áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo quy chế pháp lý đặc biệt hay theo sự điều chỉnh của pháp luật dân sự khi quan hệ hôn nhân đó không được pháp luật thừa nhận hoặc khi quan hệ hôn nhân bị hủy vì kết hôn trái pháp luật. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình nói riêng, cũng như trong giải quyết nhiều vụ án dân sự nói chung, việc xác định quan hệ hôn nhân hợp pháp quyết định đến xác định chế độ tài sản, phân chia tài sản khi có tranh chấp theo đặc trưng pháp lý của từng loại sở hữu được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật hôn  nhân và gia đình - tài sản chung hợp nhất hay theo quy định về sở hữu chung theo phần của pháp luật dân sự.

Bảng so sánh chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn và chia tài sản khi không công nhận quan hệ vợ chồng, hủy việc kết hôn trái pháp luật

Tiêu chí

Chia tài sản của vợ chồng khi chấm dứt quan hệ hôn nhân

Chia tài sản khi không công nhận quan hệ vợ chồng, hủy việc kết hôn trái pháp luật

Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận

- Tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng: Nếu vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo luật định thì khi ly hôn, việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án giải quyết. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo nội dung mà vợ chồng đã thỏa thuận từ trước khi kết hôn hoặc từ các thời điểm sửa đổi, bổ sung trong thời kỳ hôn nhân. Chỉ khi thỏa thuận không đầy đủ hoặc không rõ ràng thì tòa án áp dụng quy định tương ứng như chế độ tài sản theo luật định để giải quyết.

- Tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan(4).

Trường hợp không thỏa thuận được, yêu cầu tòa án giải quyết

- Vấn đề tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật(5):

+ Nguyên tắc chia đôi, nhưng tính đến các yếu tố sau đây để xác định tài sản mà vợ chồng được chia:

(i) Hoàn cảnh gia đình và của vợ chồng;

ii) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc người chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn(6);

(iii) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập(7);

(iv) Lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ nhân thân về tài sản của vợ chồng(8).

+ Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng bằng hiện vật hoặc chia theo giá trị.

+ Nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của vợ chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung(9).

- Vấn đề tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật.

(i) Không đề cập đến hoàn cảnh gia đình và của các bên;

(ii) Chứng minh sở hữu chung theo phần, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên. Công việc nội trợ và công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập;

(iii) Ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

+ Nguyên tắc chia tài sản chung bằng hiện vật hoặc giá trị nhằm bảo đảm sự linh hoạt trong việc phân chia và bảo đảm quyền lợi của các bên khi phân chia.

+ Nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của mỗi bên.

Nhận diện về hôn nhân hợp pháp, không công nhận quan hệ vợ chồng, kết hôn trái pháp luật

Hôn nhân hợp pháp: là việc kết hôn khi hai bên nam - nữ tuân thủ các quy định của pháp luật về kết hôn tại thời điểm kết hôn và có đăng ký kết hôn. Giấy chứng nhận kết hôn là chứng cứ bằng văn bản trực tiếp chứng minh sự tồn tại của quan hệ vợ chồng. Bắt đầu từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc kết hôn của nam, nữ - hai bên có quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng đối với nhau. Giấy chứng nhận kết hôn là cơ sở để cá nhân có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Công nhận hay không công nhận quan hệ vợ chồng(10): Thực tế rất nhiều trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng có tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn. Dù họ không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, các bên nam - nữ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng, thực hiện các quyền, nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội. Mặc dù đăng ký kết hôn là thủ tục công nhận giá trị pháp lý của việc kết hôn nhưng pháp luật Việt Nam đã có sự thừa nhận “hôn nhân thực tế” (công nhận quan hệ vợ chồng) như một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử và khách quan trong những điều kiện cụ thể. Việc công nhận hôn nhân thực tế trong một số trường hợp xuất phát từ các cơ sở sau:

- Do tác động của điều kiện lịch sử trong thời gian dài đất nước có chiến tranh.

- Do ảnh hưởng của tôn giáo, phong tục, tập quán.

- Do hạn chế trong hiểu biết, nhận thức pháp luật ở một số bộ phận nhân dân.

- Do hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương chưa thực sự có hiệu quả.

- Các điều kiện cản trở khác đối với việc đăng ký kết hôn.

Việc công nhận hôn nhân thực tế nhằm ổn định các quan hệ hôn nhân gia đình trong giai đoạn lịch sử nhất định. Với giải pháp này, Nhà nước đã xây dựng các quy định pháp luật để xem xét, công nhận hay không công nhận quan hệ vợ chồng và đưa ra những hướng giải quyết phù hợp.

Về khung pháp lý, hôn nhân không có đăng ký kết hôn được ghi nhận theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 35/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Nghị quyết số 35/2000). Các văn bản hướng dẫn tiếp theo như: Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình; Nghị quyết số 02/2000 NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP); Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000 (Thông tư liên tịch số 01/2001); Công văn số 112/2001-KHXX ngày 14/9/2001 của TAND Tối cao về việc xác định thời điểm thụ lý vụ án về hôn nhân và gia đình; Chỉ thị số 02/2003/CT-BTP ngày 14/7/2003 về việc tiếp tục đăng ký kết hôn cho các trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001; Kết luận số 84a/UBTVQH11 ngày 29/4/2003 của UBTV Quốc hội về hiệu lực của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Theo nội dung quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình thì việc nam nữ chung sống như vợ chồng chỉ được coi là có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn đầy đủ các yếu tố:

Thứ nhất: Các bên đủ điều kiện kết hôn như điều kiện độ tuổi, ý chí tự nguyện của các bên khi kết hôn và không vi phạm các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Xét về bản chất, hôn nhân thực tế có nghĩa là quan hệ vợ chồng không được xác lập theo các trình tự và thủ tục pháp lý nhất định nhưng lại đã (và đang) tồn tại trên thực tế. Việc khẳng định chung sống như vợ chồng phải bảo đảm điều kiện nhất định. Cụ thể, song song với việc đang chung sống như vợ chồng thì phải cùng nhau gánh vác các nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng, cùng nhau xây dựng, duy trì được gia đình trong các mối quan hệ xã hội.

Nghị quyết số 35/2000/QH10 chia quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn thành ba loại để có căn cứ giải quyết khác nhau căn cứ vào thời điểm quan hệ vợ chồng được xác lập, tức là thời điểm bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng (ngày kết hôn thực tế). Khi xác định ngày nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng cần căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001, cụ thể: Ngày họ tổ chức lễ cưới; Ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc hai bên) chấp nhận; Ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thứ hai: Thời điểm chung sống xảy ra trước ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, tức là trước ngày 01/01/2001, bao gồm:

- Quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng xác lập trước ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực. Loại quan hệ này không bắt buộc phải đăng ký kết hôn mà chỉ khuyến khích đăng ký kết hôn. Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng vào thời điểm này dù có đăng ký kết hôn hay không có đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng vẫn được công nhận là hợp pháp và thời kỳ hôn nhân hợp pháp vẫn được xác định bắt đầu kể từ ngày được xác lập (ngày họ chung sống với nhau).

- Quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng xác lập trong thời kỳ Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 có hiệu lực (từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001). Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng ở thời điểm này pháp luật quy định một thời hạn để họ đi đăng ký kết hôn. Thời hạn đăng ký chậm được quy định là 02 năm (từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003) để dành quyền cho họ hợp pháp hóa quan hệ vợ chồng:

+  Nếu nam nữ ly hôn trong thời gian “đăng ký kết hôn chậm” thì tòa án áp dụng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết. Như vậy, trong thời hạn đăng ký kết hôn chậm mà nam nữ chưa đăng ký kết hôn nhưng còn trong thời hạn này thì hôn nhân đã tồn tại của họ được công nhận là hợp pháp kể từ thời điểm xác lập cho đến thời điểm cho ly hôn, các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được pháp luật bảo hộ giống như các quan hệ hôn nhân hợp pháp.

+ Trong “thời gian đăng ký kết hôn chậm”, đăng ký đúng hạn sẽ được tính thời kỳ hôn nhân hợp pháp từ thời điểm xác lập quan hệ vợ chồng (điểm b, khoản 3, Nghị quyết số 35/2000, Điều 7, Nghị định 77/2001/NĐ-CP).

Trường hợp đã làm thủ tục để đăng ký kết hôn đúng trong thời hạn (từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003) nhưng chưa thực hiện xong việc đăng ký cũng được công nhận về quan hệ vợ, chồng như đăng ký trong hạn (Kết luận số 84a/UBTVQH11).

+ Sau “thời gian đăng ký kết hôn chậm” (sau ngày 01/01/2003) nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mới đăng ký kết hôn. Trường hợp này, quan hệ hôn nhân hợp pháp chỉ được tính kể từ thời điểm kết hôn do nam, nữ đã tự từ bỏ khả năng công nhận thời kỳ hôn nhân hợp pháp của toàn bộ quá trình chung sống trước đó.

+ Sau ngày 01/01/2003 nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

- Quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng xác lập kể từ ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực (ngày 01/01/2001 trở đi), loại quan hệ này không được công nhận là vợ chồng hợp pháp, nếu họ đi đăng ký kết hôn thì thời kỳ hôn nhân hợp pháp chỉ được tính kể từ ngày họ đăng ký.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, những trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, mặc dù có đủ điều kiện kết hôn theo quy định và thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; (ii) Họ về chung sống với nhau được gia đình một hoặc cả hai bên chấp thuận; (iii) Họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; (iv) Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình nhưng lại không thuộc một trong trường hợp để được công nhận hôn nhân thực tế nêu trên, thì quan hệ này vẫn không được công nhận là vợ chồng. Ngoài ra, còn có các trường hợp có đăng ký kết hôn nhưng thủ tục đăng ký kết hôn không đúng thì cũng không được công nhận là vợ chồng. Cụ thể là:

- Có đăng ký kết hôn nhưng không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình tại thời điểm đăng ký kết hôn thực hiện.

- Có đăng ký kết hôn nhưng không theo đúng nghi thức quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

- Các trường hợp chung sống không có đăng ký kết hôn kể từ ngày 03/01/1987 mà sau ngày 01/01/2003 họ không đăng ký kết hôn.

- Các trường hợp chung sống không có đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 trở đi mà họ không đăng ký kết hôn.

Kết hôn trái pháp luật: là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn, cụ thể vi phạm một trong các điều kiện kết hôn tại thời điểm kết hôn.

Hủy việc kết hôn trái pháp luật, nguyên tắc chung dựa trên các căn cứ sau:

- Chưa đến tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật mà nam nữ đã kết hôn.

- Thiếu sự tự nguyện của một trong hai bên hoặc của cả hai bên nam nữ khi kết hôn.

- Người đang có vợ hoặc có chồng lại kết hôn với người khác.

- Người mất năng lực hành vi dân sự mà vẫn kết hôn.

- Những người có dòng máu về trực hệ và những người khác có họ trong phạm vi ba đời đã bị cấm kết hôn với nhau mà vẫn kết hôn với nhau.

- Những người là cha mẹ nuôi với con nuôi, những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng kết hôn với nhau.

- Hai người cùng giới tính kết hôn với nhau.

Khi nam nữ kết hôn, nếu vi phạm một trong những điều kiện kết hôn do luật định thì việc kết hôn bị coi là trái pháp luật và bị tòa án xử hủy việc kết hôn trái pháp luật. Việc hủy kết hôn trái pháp luật là một biện pháp có ý nghĩa như chế tài của Luật Hôn nhân và Gia đình, được áp dụng cho những trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do luật định. Chế tài này là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và thái độ của Nhà nước nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật hôn nhân và gia đình.

Quá trình tư vấn hay tham gia giải quyết tranh chấp, Luật sư cần lưu ý vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Lưu ý là, Thông tư này có nhiều sửa đổi so với hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP, nhất là các trường hợp có sự chuyển hóa từ hôn nhân trái pháp luật sang hôn nhân hợp pháp.

Xác định thủ tục tố tụng vụ hay việc khi giải quyết yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, hủy việc kết hôn trái pháp luật

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) về thẩm quyền theo vụ (tranh chấp về hôn nhân và gia đình) và việc (yêu cầu về hôn nhân và gia đình). Mặc dù vậy, khi quy định liệt kê thẩm quyền có những vấn đề còn bỏ ngỏ dẫn đến khó khăn trong thực tiễn thực hiện pháp luật. BLTTDS năm 2015 không liệt kê thẩm quyền án hay việc đối với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng. Vì vậy, thực tiễn xét xử tồn tại các cách tiếp cận khác nhau về việc giải quyết loại việc này theo thủ tục giải quyết việc hay thủ tục giải quyết vụ án.

Cách tiếp cận thứ nhất, không công nhận quan hệ vợ chồng là một loại yêu cầu về hôn nhân và gia đình. Dù chỉ có một bên yêu cầu, bên kia không đồng ý thì khi xem xét loại việc này, nếu có đủ căn cứ xác định đây không phải là quan hệ hôn nhân thì tòa án phải tuyên không công nhận là vợ chồng, giống như đối với yêu cầu hủy việc hôn nhân trái pháp luật, dù là một bên hay cả hai bên đều có yêu cầu, tòa án vẫn xác định hủy hôn nhân trái pháp luật là một yêu cầu về hôn nhân và gia đình theo khoản 1, Điều 29, BLTTDS năm 2015. Do vậy, tòa án sẽ thụ lý yêu cầu không công nhận quan hệ hôn nhân và giải quyết theo thủ tục giải quyết việc hôn nhân và gia đình. Nếu khi yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, đồng thời có tranh chấp về tài sản và con thì tòa án có giải quyết luôn trong việc hôn nhân và gia đình hay đương sự phải khởi kiện theo khoản 7, Điều 28, BLTTDS năm 2015 để tòa án thụ lý và giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình. Do không công nhận quan hệ hôn nhân là một yêu cầu, còn tranh chấp về tài sản và về con là loại vụ án, nên Luật sư phải hướng dẫn đương sự khởi kiện theo 02 thủ tục tố tụng: Thủ tục việc với yêu cầu về không công nhận quan hệ vợ chồng; Thủ tục án với phần tranh chấp tài sản và con.

Cách tiếp cận thứ hai cho rằng, không công nhận quan hệ vợ chồng là loại vụ án về hôn nhân và gia đình cần giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình. Nếu có tranh chấp về tài sản và con thì tòa án giải quyết luôn trong vụ án không công nhận quan hệ vợ chồng.

Tương tự vậy, đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật có tranh chấp về tài sản và con, theo quy định tại Điều 29, BLTTDS năm 2015, yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thuộc loại việc hôn nhân và gia đình. Vấn đề đặt ra là nếu trong trường hợp có tranh chấp về tài sản chung và tranh chấp về con, giao con thì hai quan hệ này có được giải quyết đồng thời trong thủ tục hủy việc kết hôn trái pháp luật mà tòa án đã thụ lý và đang giải quyết hay không?

Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng: Vì tranh chấp về tài sản chung, tranh chấp về nuôi con là một loại vụ án dân sự được quy định tại khoản 7, Điều 27, BLTTDS năm 2015 nên tòa án phải thụ lý hai quan hệ này để giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình, không thể giải quyết theo thủ tục giải quyết việc hôn nhân và gia đình. Theo cách tiếp cận này, nếu trước khi có BLTTDS năm 2004 và các lần sửa đổi tiếp theo năm 2011, BLTTDS năm 2015, tất cả các quan hệ gồm quan hệ về hôn nhân, quan hệ về tài sản, quan hệ về con được giải quyết trong một vụ án thì theo quy định của BLTTDS, những quan hệ này được giải quyết thành hai vụ, việc khác nhau:

- Đối với yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật, tòa án sẽ thụ lý theo khoản 1, Điều 29, BLTTDS năm 2015 và giải quyết theo thủ tục giải quyết việc hôn nhân và gia đình.

- Đối với tranh chấp về tài sản và con, tòa án thụ lý theo khoản 7, Điều 28, BLTTDS năm 2015 và giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự sau khi có quyết định giải quyết việc hủy kết hôn trái pháp luật.

Cách tiếp cận thứ hai cho rằng: mặc dù đây là hai loại vụ, việc khác nhau, nhưng khi tòa án đã thụ lý việc dân sự (hủy việc kết hôn trái pháp luật), nếu có tranh chấp về tài sản, con thì tòa án giải quyết luôn tranh chấp này trong việc hủy việc kết hôn trái pháp luật. Luật sư không cần phải hướng dẫn khách hàng khởi kiện thành một vụ án và một việc hôn nhân và gia đình với nhiều thủ tục phức tạp, gây khó khăn cho đương sự.

Theo tác giả, mặc dù BLTTDS năm 2015 không sửa đổi quy định xác định thẩm quyền việc hay án hôn nhân và gia đình đối với yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng, tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định so với pháp luật tố tụng trước đây là: “Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật” thuộc thẩm quyền loại việc theo thủ tục án. Với quy định mới sửa đổi bổ sung về thẩm quyền án này, để thuận lợi cho các đương sự và phù hợp với nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự, Luật sư cần tư vấn cho đương sự đề xuất yêu cầu tòa án giải quyết luôn theo thủ tục án hôn nhân và gia đình hay thủ tục việc hôn nhân và gia đình tùy thuộc vào tính chất tranh chấp hay không tranh chấp.

Pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng hay hủy việc kết hôn trái pháp luật, tức là không có sự hình thành một quan hệ hôn nhân, nên không thuộc trường hợp loại tranh chấp khác hoặc loại việc khác. Xét về bản chất, đây là việc xác nhận một sự kiện pháp lý. Chúng tôi cho rằng cần đi từ đặc trưng, tính chất của việc hôn nhân và gia đình để xác định thủ tục thụ lý vụ hay việc trong 02 trường hợp sau:

(i) Nếu người yêu cầu thỏa thuận về việc đề nghị không công nhận quan hệ vợ chồng hay hủy việc kết hôn trái pháp luật và thỏa thuận được về tài sản, con thì giải quyết đồng thời trong thủ tục việc không công nhận quan hệ vợ chồng hay hủy việc kết hôn trái pháp luật. Lưu ý là, nếu người liên quan đến việc thỏa thuận tài sản có tranh chấp với các đương sự trong thủ tục việc này thì phần tranh chấp đó không thể được giải quyết theo thủ tục việc hôn nhân và gia đình vì bản chất việc hôn nhân và gia đình là không có tranh chấp, chỉ là sự xác nhận một sự kiện pháp lý mà từ sự kiện đó làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của đương sự.

(ii) Nếu đương sự đề nghị tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng, về tài sản và con họ có tranh chấp với nhau thì cần xem xét giải quyết theo thủ tục án hôn nhân và gia đình theo quy định tại khoản 7, Điều 28, BLTTDS năm 2015.

Trong thực tế, việc bỏ ngỏ quy định liệt kê hoặc sử dụng điều khoản “quét” về các trường hợp khác trong điều luật về thẩm quyền loại việc ở cả thủ tục việc và thủ tục án về hôn nhân và gia đình như đã phân tích ở trên làm cho quá trình giải quyết các yêu cầu về hôn nhân và gia đình của các đương sự gặp không ít khó khăn. Cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là TAND Tối cao cần ban hành hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc nhằm áp dụng pháp luật thống nhất ở các tòa án, giúp giản lược các thủ tục tố tụng.

(1) TS Nguyễn Văn Cừ (2008), Chế độ tài sản của vợ chồng theo Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb Tư pháp, tr.8.

(2) PGS.TS Nguyễn Thị Lan (chủ nhiệm), Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Chế định tài sản của vợ chồng - thực tiễn thực hiện và giải pháp hoàn thiện, Đại học Luật Hà Nội, 2021, tr.12.

(3) Ngoại lệ đối với thời điểm trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực. Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”.

(4) Điều 12 “Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật”; Điều 16 “Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn” Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(5) Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(6) Điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

(7) Điểm c khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(8) Điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

(9) Khoản 3 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(10) Nguyễn Minh Hằng, Công nhận hay không công nhận quan hệ vợ chồng, Tạp chí Tòa án nhân dân số 4.2019, tr.1-6.

PGS. TS. NGUYỄN MINH HẰNG

Giảng viên cao cấp, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp

Khó khăn trong xử lý tội ‘Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản’