(LSVN) - Đất đai là một loại tài nguyên vô cùng quan trọng, nếu được sử dụng và khai thác một cách hợp lý thì nó sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn. Muốn làm cho đất đai phát huy hiệu quả thì phải có chế độ sở hữu phù hợp. Chế độ sở hữu đất đai là một trong các trụ cột của chế độ chính trị - kinh tế - xã hội, được hình thành dựa trên những điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa riêng biệt của mỗi nước. Tất cả các quốc gia trên thế giới dù xác lập đất đai theo hình thức sở hữu nào cũng đều dựa trên những cơ sở nhất định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội mang tính đặc thù của mỗi nước. Việc hình thành chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này.
Cơ sở pháp lý cho việc xây dựng chế độ hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam
Quá trình quốc hữu hóa đất đai ở Việt Nam được thực hiện qua các sự kiện chủ yếu sau đây:
Trong Luận cương chính trị năm 1930, Đảng ta xác định rõ chính sách đối với ruộng đất: “Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chánh phủ công nông". Chính cương vắn tắt của Đảng cũng khẳng định:“Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm công chia cho cho dân cày nghèo”.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân tuyên bố bãi bỏ các luật lệ về ruộng đất của chế độ cũ. Tiếp đó, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh về giảm tô, bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê.
Năm 1953, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua Luật Cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ, phong kiến, cường hào… chia cho nông dân thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Sau đó, Hiến pháp năm 1959 quy định: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân…”.
Trong những năm 1960, miền Bắc thực hiện phong tròa hợp tác hóa vậng động nông dân đóng góp ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác vào làm ăn tập thể trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. “Mặc dù Hiến pháp 1959 quy định rõ Nhàn nước bảo hộ quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất của người dân nhưng trong quá trình vận động nông dân đi vào làm ăn tập thể, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp và thực hiện cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, về cơ bản đất đai ở nước ta từng bước đã được xã hội hóa toàn bộ.”[1].
Sau khi thông nhất đất nước, Quốc hội thông qua Hiến pháp mới năm 1980, trong đó quy định:“Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa, các xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp quốc doanh; ngân hàng và tổ chức bảo hiểm; công trình phục vụ lợi ích công cộng; hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường không; đê điều và công trình thuỷ lợi quan trọng; cơ sở phục vụ quốc phòng; hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, điện ảnh; cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, cơ sở văn hoá và xã hội cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân.” và “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung, nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm. Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật. Tập thể hoặc cá nhân sử dụng đất đai đều có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ và khai thác theo chính sách và kế hoạch của Nhà nước. Đất dành cho nông nghiệp và lâm nghiệp không được dùng vào việc khác, nếu không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.” Đây là cơ sở pháp lý cao nhất xác định rõ toàn dân là chủ sở hữu đối với toàn bộ đất quốc gia.
Hiến pháp 1992 cũng tiếp tục khẳng định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân.”
Hiện nay, Hiến pháp 2013 tiếp nối tinh thần của Hiến pháp 1992 với quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."
Cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng chế độ hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam
Thứ nhất, về mặt chính trị, ở nước ta, vốn đất đai quý báu do công sức, xương máu của các thể hệ cha ông gầy dựng lên vị vậy nó phải thuộc về toàn dân. Điều này được khẳng định trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật đất đai năm 1993 của ủy ban pháp luật Quốc hội khóa IX như sau:“Vì đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là thành quả của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã tốn bao công sức và xương máu mới khai thác, bồi bổ, cải tạo và bảo vệ được vốn đất đai như ngày nay. Hơn nữa, nước ta là một nước có mật độ dân số cao, bình quân đất canh tác theo đầu người là thấp, người làm nghề nông chiếm hơn 85% dân số, vì lẽ đó, việc xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý là hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, vì lợi ích hiện tại và cho cả thế hệ mai sau của dân tộc cũng như lợi ích của mỗi người dân.” Hơn nữa, hiện nay trong điều kiện nước ta mở cửa, chủ động hội nhập từng bước vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thì việc xác lập hình thức sở hữu toàn dân về đất đai góp phần củng cố và bảo vệ nên an ninh quốc gia, độc lập dân tộc.
Thứ hai, về phương diện lịch sử, ở nước ta hình thức nhà nước sở hữu về đất đai có từ rất sớm và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Sự ra đời hình thức sở hữu này xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành và giữ nền độc lập dân tộc. Đạo lý của việc bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc chính là bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Việc xác định và tuyên bố đất đai thuộc về Nhà nước mà đại diện là nhà vua còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền quốc gia với các nước láng giềng và trên thế giới. Với nền sản xuất nông nghiệp thì việc xác lập hình thức sở hữu đất đai thuộc về nhà nước sẽ tạo điều kiện đề các nhà nước phong kiến huy động sức mạnh toàn dân vào công tác đắp đê, làm thủy lợi trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc ra đời hình thức sở hữu nhà nước về đất đai mà đại diện là nhà vua còn là một phương thức để củng cố chính quyền nhà nước nói chung và xây dựng nhà nước trung ương tập quyền nói riêng.
Thứ ba, về mặt thực tế, nước ta rất nhiều diện tích đất tự nhiên chưa được sử đụng chủ yếu là đất trống, đồi trọc. Việc xác lập đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước trong việc xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đai theo kế hoạch phát triển chung nhằm quản lý chặt chẽ và từng bước đưa diện tích đất hoang vào khai thác, sử dụng. Đồng thời trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì quốc hữu hóa đất đai cũng sẽ tạo điều kiện cho nhà nước trong việc sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Thứ tư, việc duy trì và củng cố hình thức sở hữu toàn dân về đất đai trong giai đoạn hiện nay còn căn cứ vào lý do thực tiễn. Các quan hệ về quản lý đất đai ở nước ta mang tính ổn định trong thời gian khá dài, nếu thay đổi hình thức sở hữu sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực đất đai, tăng tính phức tạp của quan hệ đất đai.
Hoàn thiện chế định sở hữu toàn dân về đất đai
Thứ nhất, tiếp tục phát triển các ưu điểm của chế định sở hữu toàn dân về đất đai - chế định sở hữu toàn dân về đất đai là sự thể chế hóa những quan điểm, đường lối chủ đạo của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề đất đai, nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Việc xác lập chế định sở hữu toàn dân về đất đai góp phần vào việc giữ ổn định quan hệ đất đai, tránh gây ra những xáo trộn không cần thiết và duy trì sự ổn định chính trị, xã hội là tiền đề rất quan trọng để phát triển đất nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Thứ hai, khắc phục một số điểm hạn chế, bất cập của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Xem xét, nghiên cứu khả năng hiến định hóa một số quy định của Luật đất đai, nhằm khẳng định nhất quán việc Nhà nước giao đất cho các tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài; minh định rõ trong Hiến pháp việc thu hồi đất chỉ giới hạn trong các trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Thứ ba, kiến nghị về tổ chức thực thi chế độ sở hữu đất đai như: Nhà nước cần phải ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cần phân định rõ vai trò của các cơ quan nhà nước trong tư cách thực hiện quyền của người đại diện chủ sở hữu và vai trò của các tổ chức, đơn vị Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất để đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thực thi quan hệ đất đai; cần phân định rõ các quyền của chủ sở hữu và các chủ thể được giao sử dụng đất trên thực tế; quy định rõ quyền và tạo cơ chế thuận lợi để cá nhân, tổ chức được giao đất, cho thuê đất thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng và hưởng lợi tùy theo loại đất...
Hoàn thiện pháp luật đất đai để bảo đảm thể chế chế định sở hữu toàn dân về đất đai
Thứ nhất, kiến nghị về phạm vi điều chỉnh của Luật đất đai và các luật khác có liên quan đến đất đai. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai phải được cụ thể hóa chủ yếu trong Luật đất đai, ngoài ra còn thể hiện trong các luật khác có liên quan, cụ thể như việc điều chỉnh phần đất ngầm dưới lớp đất mặt và khoảng không trên đất; điều chỉnh phần đất có mặt nước biển thuộc chủ quyền, thềm lục địa thuộc phần có đặc quyền kinh tế...
Thứ hai, kiến nghị về các quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai như: Quyền quyết định mục đích sử dụng đất; quyền điều tiết nguồn thu từ đất đai; quyền thu hồi địa tô về ngân sách nhà nước; định giá đất…
Thứ ba, kiến nghị về các quyền của người được Nhà nước giao quyền sử dụng đất đai. Để hưởng các điều kiện giao dịch thị trường thuận lợi, người có quyền sử dụng đất phải trả một phần hoặc toàn bộ các chi phí dịch vụ thị trường. Người sử dụng đất phải tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, được quyền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch nhưng phải nộp địa tô phát sinh do chuyển mục đích sử dụng đất cùng với các quyền quy định theo pháp luật về đất đai; bảo đảm ưu thế về quyền tiếp cận đất đai của các chủ thể trong nước, phù hợp với bản chất của chế độ sở hữu đất đai ở nước ta là đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đồng thời, để bảo vệ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai một cách hữu hiệu, cần xây dựng cơ chế hướng tới việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về đất đai chủ yếu bằng con đường Tòa án, thông qua các thủ tục tố tụng chặt chẽ.
Đất đai là một loại tài nguyên vô cùng quan trọng, nếu được sử dụng và khai thác một cách hợp lý thì nó sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn. Ngược lại, chế độ sở hữu không phù hợp sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Muốn làm cho đất đai phát huy hiệu quả thì phải có chế độ sở hữu phù hợp. Ở Việt Nam hiện nay, chế độ sở hữu đất đai là chế độ sở hữu toàn dân. Chế độ đó là phù hợp nhưng nhưng việc cụ thể hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Để hoàn thiện chế độ sở hữu đất đai thì Nhà nước cần có kế hoạch sử dụng đất đai lâu dài, cụ thể, rõ ràng, đúng đắn, công khai, minh bạch, công bằng; cần làm cho người dân nhận thức rõ lý do vì sao phải quy định mọi đất đai thuộc sở hữu toàn dân; cần quy định rõ ràng hơn các hình thức sử dụng và thời hạn sử dụng đất đai; đồng thời người dân cần thay đổi tập quán trong việc sử dụng đất đai. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, bổ sung chỉnh sửa các quy định pháp luật về đất đai đang là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.
[1] PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo – TS. Nguyễn Hữu Đạt, Một số vấn đề về sở hữu ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 176. ========================= 1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật đất đai, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2016; 2. Đảng công sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính chị quốc gia, Hà Nội, 1998 3. PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo – TS. Nguyễn Hữu Đạt, Một số vấn đề về sở hữu ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004; 4. TS. Đinh Xuân Thảo, ThS. Võ Thị Hồng Lan - Viện Nghiên cứu lập pháp, Chế định sở hữu đất đai và việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu đất đai ở Việt Nam hiện nay - những vấn đề lý luận và thực tiễn. |
VŨ CHI