Vai trò kiến tạo và phát triển
Vai trò của Nhà nước và pháp luật thể hiện trên các mặt cơ bản sau: Một là, Nhà nước cũng như pháp luật là công cụ và là phương tiện đảm đương vai trò dẫn dắt và chi phối xã hội bằng việc kiến tạo môi trường và cơ hội pháp lý như nhau để các thành viên của xã hội thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau phát huy khả năng của mình để khởi nghiệp và phát triển. Hai là, pháp luật XHCN là phương tiện có khả năng đảm bảo bình đẳng xã hội. Bởi pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN là những giá trị bình đẳng mà xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ. Ba là, pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN là phương tiện để Nhà nước điều hòa lợi ích giữa các tầng lớp xã hội, bảo đảm cho xã hội phát triển hài hòa và ổn định. Bốn là, pháp luật là phương tiện để Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, giữ gìn an ninh, an toàn xã hội cho con người. Năm là, xây dựng một Nhà nước ngoài việc để quản lý xã hội một cách có hiệu lực và hiệu quả thì khó khăn lớn nằm ở chỗ tổ chức quyền lực nhà nước sao cho bản thân Nhà nước quản lý được chính mình. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải giới hạn quyền lực nhà nước trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đến lượt mình Hiến pháp và pháp luật lại trở thành phương tiện để kiểm soát quyền lực nhà nước, buộc những người có chức vụ, quyền hạn hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Bằng cách đó pháp luật là phương tiện quan trọng hàng đầu trong việc phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước.
Xuất phát từ đòi hỏi khách quan về việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Hiến pháp năm 1992 cũng như Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật…”. Dựa vào các quy định nền tảng đó, hàng loạt các đạo luật, bộ luật mới về kinh tế - dân sự - lao động lần lượt ra đời (mà trong nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp không thể có), như Bộ luật Dân sự (năm 1995, 2005, 2015); Bộ luật Lao động (năm 1995, 2003, 2006, 2012), Luật Doanh nghiệp (năm 1999, 2003, 2006, 2014), Luật Đầu tư (2005, 2014), Luật Thương mại (năm 1997, 2005), Luật Việc làm (năm 2013)…
Cần khẳng định rằng, không có những tư duy pháp lý mới về kinh tế của Hiến pháp năm 1992 và năm 2013 làm nền tảng, không thể có sự đổi mới và hoàn thiện pháp luật về kinh tế, không thể kiến tạo được một trật tự các quan hệ kinh tế mới làm chỗ dựa vững chắc cho đổi mới các yếu tố của thượng tầng kiến trúc, giữ vững sự ổn định và phát triển xã hội. Do đó, không thể có vốn đầu tư, không thể có công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhờ có các quy định nền tảng về kinh tế của Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 mà pháp luật nói chung, pháp luật về kinh tế nói riêng đã thực sự trở thành một lực lượng vật chất góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về kinh tế nói riêng, đã có những tác động tích cực nhằm định hướng cho sự phát triển nền kinh tế thị trường của Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, có thể nói pháp luật chưa phát huy hết vai trò điều chỉnh của mình trong phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần. Pháp luật thực định cũng như pháp luật trong hành động còn tồn tại sự bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo chưa được quy định cụ thể trong pháp luật dẫn đến nguyên tắc bình đẳng của pháp luật bị vi phạm trên thực tế tổ chức và hoạt động của nền kinh tế thị trường…
Cần những đổi mới cơ bản
Để phát huy vai trò của pháp luật trong việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung và cho sự phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta nói riêng, theo tôi, cần có những đổi mới cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đổi mới quan điểm và nhận thức về bản chất và vai trò của pháp luật. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tính khách quan của pháp luật, đòi hỏi phải xem xét một cách toàn diện, đầy đủ các mối quan hệ xã hội, không chỉ nhấn mạnh một chiều vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước mà còn phải quan tâm đầy đủ đến ý chí và lợi ích của các nhóm lợi ích và tầng lớp xã hội khác nhau thuộc mọi thành phần kinh tế. Pháp luật phải thể hiện đầy đủ các giá trị mà xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ, không tuyệt đối hóa và đề cao một chiều, một giá trị nào đó.
Trong nền kinh tế thị trường, pháp luật ra đời từ đòi hỏi khách quan của các quan hệ kinh tế thị trường. Điều đó chỉ ra rằng việc Nhà nước ban hành pháp luật phải xuất phát từ nhu cầu khách quan, phù hợp với đặc điểm của các quan hệ xã hội, chứ không thể coi pháp luật đơn thuần là công cụ của Nhà nước, phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của Nhà nước… Theo đó, pháp luật trước hết là phương tiện quản lý bản thân Nhà nước và sau đó mới là phương tiện quản lý xã hội. Pháp luật không chỉ là các quy định trong các đạo luật, bộ luật… đăng tải trong các trang công báo (gọi là pháp luật “tỉnh”) mà còn là “pháp luật trong hành động”, “pháp luật trong đời sống” (gọi là pháp luật “động”). Xem xét pháp luật trong trạng thái “động” là xem xét pháp luật trong mối quan hệ với việc thực hiện, áp dụng và tuân thủ pháp luật. Chỉ có nhìn nhận pháp luật trong hành động thực tiễn thì mới thấy hết ý nghĩa và vai trò của nó. Điều đó, một mặt đòi hỏi phải kịp thời thể chế hóa các giá trị xã hội thành các quy định pháp luật và mặt khác, một đòi hỏi không thể thiếu được là phải xây dựng một cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật, làm cho pháp luật đi vào cuộc sống.
Thứ hai, để làm tốt chức năng của mình, Nhà nước về cơ bản và chủ yếu sử dụng phương tiện pháp luật. Theo đó, nội dung của pháp luật cần tập trung điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển bền vững bằng việc kết hợp chặt chẽ ba yếu tố: tăng trưởng kinh tế; tiến bộ xã hội và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường. Khắc phục sự tách rời ba mục tiêu này trong quá trình điều chỉnh bằng pháp luật.
Thứ ba, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường bằng pháp luật, khắc phục thói quen can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các biện pháp hành chính, thay vì sử dụng các công cụ can thiệp gián tiếp (chủ yếu là pháp luật) để điều tiết thị trường. Chính các công cụ can thiệp gián tiếp (như pháp luật) mới mang lại hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường. Pháp luật chính là công cụ để giải quyết sự bất cập trong quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường, khắc phục tính tự phát do “bàn tay vô hình” là thị trường dẫn dắt. Việc hoàn thiện chính sách pháp luật phải được đảm bảo bằng cả hệ thống pháp luật của Nhà nước chứ không riêng gì pháp luật về kinh tế.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy quản lý kinh tế theo nguyên tắc phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, cần mở rộng việc phân cấp, phân quyền của Chính phủ cho chính quyền địa phương. Chính phủ - nhất là Chính phủ kiến tạo hiện nay, cần tập trung vào ba nhiệm vụ cơ bản: Hoạch định thể chế, chính sách; xây dựng và ban hành thể chế, chính sách pháp luật; kiểm tra, thanh tra và có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh. Còn các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương để cho địa phương quyết định và thực hiện. Việc phân quyền, phân cấp phải đảm bảo nền hành chính quốc gia thống nhất của một nhà nước đơn nhất, nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm pháp lý toàn bộ và có thẩm quyền đầy đủ (tự quyết, tự quản đối với công việc được giao, không để một công việc giao cho nhiều cấp cùng làm và không ai chịu trách nhiệm, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở hoạt động của nhau).
Với các quan điểm và nguyên tắc nói trên cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các đạo luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước. Đặc biệt là xây dựng các định chế công phi lợi nhuận để cung cấp dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học, trợ giúp pháp lý,… Các thành phần kinh tế và Nhà nước đều có quyền đầu tư, không phân biệt ai là chủ sở hữu đều được thành lập để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng mà không thu lợi nhuận. Theo đó, Nhà nước cần sớm xây dựng và hoàn thiện pháp luật tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận. Khi đó vai trò quản lý của Nhà nước chính là kiểm tra, giám sát hoạt động mà không làm thay các tổ chức này.
GS. TS. TRẦN NGỌC ĐƯỜNG
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Phân chia quyền, nghĩa vụ giữa những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp