Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một ô tô màu xanh đậm dòng xe SantaFe đang di chuyển trên đường. Tuy nhiên phía đuôi xe gắn 2 biển số 30H-788xx và 30H-438.24. Chiếc biển số 30H-438.24 được gắn đè lên biển 30H-788xx nhưng sắp rơi khỏi đuôi xe, làm lộ ra biển số bên trong.
Sau khi hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ bức xúc và mong muốn lực lượng chức năng vào cuộc để điều tra động cơ sử dụng 2 biển kiểm soát của tài xế ô tô nói trên.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luậtcho biết, biển kiểm soát xe cơ giới được gắn liền với mỗi xe cơ giới và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp khi cá nhân, tổ chức thực hiện việc mua xe hoặc chuyển nhượng xe. Đây là cách thức, biện pháp để cơ quan Nhà nước có thể quản lý các phương tiện giao thông .
Dođó, nếu có căn cứ cho rằng việc chủ xe, người điều khiển phương tiện sử dụng biển giả để lưu thông phương tiện thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử lý hành chính
Trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều sẽ bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm.
Đối với người điều khiển vi phạm
Điểm d khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm d, điểm đ khoản 5 Điều này bị tịch thu Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng".
Đối với chủ phương tiện vi phạm
Điểm g khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi điểm h khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
g) Không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc)”.
Như vậy, người điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Biển số giả sẽ bị nhà nước tịch thu để tiêu hủy. Với chủ xe đưa xe vào lưu thông thì mức phạt là 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.
Về xử lý hình sự
Bên cạnh đó, Luật sư Bình còn nhận định rằng việc tự ý lắp, thay đổi, tẩy xóa biển số xe là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, mức phạt cao nhất đối với tội danh này là 7 năm tù đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
ÁNH MINH
Nghi vấn phi công sử dụng ma túy: Trách nhiệm của Hãng Hàng không Vietnam Airlines