/ Pháp luật bốn phương
/ Xét trước, xử sau

Xét trước, xử sau

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Toà án Hình sự quốc tế (ICC) vừa qua đã quyết định tiến hành điều tra về một trong những chính sách cầm quyền trọng tâm của Tổng thống Philipines Rodrigo Duterte từ khi lên cầm quyền ở đất nước này năm 2016 đến nay và cả ở thời kỳ ông Duterte làm Phó Thị trưởng và Thị trưởng thành phố Davao từ 2011-2016.

Một cuộc biểu tình chống chiến dịch bài trừ ma túy của Tổng thống Philippines.

Cụ thể ở đây là cuộc chiến tranh mà ông Duterte tiến hành nhằm vào những tổ chức và phần tử buôn bán ma túy ở Philipines. Cách làm của ông Duterte trong cuộc chiến tranh đặc thù này quyết liệt, bạo lực và thái quá đến mức bị dư luận bên ngoài so sánh như một kiểu đặt các tổ chức và phần tử khủng bố ở ngoài vòng pháp luật.

Ông Duterte tuyên chiến với các băng đảng và cá nhân buôn bán ma túy ở Philipines nhưng đồng thời cũng khiến dân thường bị vạ lây và thiệt mạng. Bây giờ, ICC quyết định tiến hành điều tra về cuộc chiến tranh này của ông Duterte để xác định mức độ tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh đối với dân thường ở Philipines.

ICC không phàn nàn gì về chủ trương chính sách này của ông Duterte. Chống buôn bán và sử dụng ma túy là chuyện được tán đồng và hậu thuẫn sâu rộng ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng sẽ rất tai hại về chính trị đối với ông Duterte và đối với Nhà nước Philipines nếu như ICC đi đến kết luận là ông Duterte chủ ý ngay từ đầu phát động và tiến hành cuộc chiến tranh chống ma túy bằng mọi giá, tức là không khoan nhượng với những tổ chức và phần tử buôn bán ma túy ở Philipines kể cả khi dân thường bị vạ lây. Đối với ICC, nhà nước pháp quyền và nhân quyền được đặt lên trên hết.

Philipines thuộc diện những quốc gia trên thế giới ký kết Hiệp ước thành lập ICC năm 2000. Là một thành viên sáng lập ra ICC, Philipines vốn rất ủng hộ định hướng hoạt động nói chung và những hoạt động cụ thể của ICC. Nhưng ông Duterte đã rút Philipines ra khỏi ICC năm 2019 để tránh phải hợp tác và chịu sự chế tài theo nghĩa vụ của những quốc gia tham gia ICC.

Khi ấy, phía ICC đã có chủ ý tiến hành điều tra về cuộc chiến tranh của ông Duterte chống buôn bán ma tuý ở Philipines. Chủ ý này của ICC đương nhiên vấp phải sự phản đối quyết liệt của phía Phlipines và cá nhân ông Duterte bởi động chạm đến uy danh cá nhân của ông Duterte và thể diện quốc gia của Philipin.

Vấn đề đối với ông Duterte và nhà nước Philipines là với tư cách là thành viên của ICC thì họ phải để cho ICC tiến hành điều tra. Ông Duterte rút Philipin ra khỏi ICC để có thể biện luận rằng vì Philipines không còn tham gia ICC nên ICC không có bất kỳ quyền tài phán quốc tế nào nữa đối với đất nước và công dân của Philipines. Mỹ cũng sử dụng đúng cách biện luận này và những lập luận như thế để cự tuyệt mọi hình thức và cấp độ hợp tác điều tra với ICC trong một số vụ việc liên quan.

Bây giờ cũng sẽ lại như vậy. ICC quyết định tiến hành điều tra về cuộc chiến tranh của ông Duterte chống buôn bán ma túy ở Philipines nhưng sẽ không nhận được mọi sự hợp tác từ phía Philipines, ít nhất chừng nào ông Duterte hoặc phe cánh của ông này cầm quyền ở Philipines. Sẽ chẳng có phiên toà nào được ICC tiến hành để xét xử vì không thể xét xử nổi. Nhưng chỉ riêng việc ICC quyết định tiến hành điều tra thôi cũng đã là một kiểu phán xử rồi đối với ông Duterte.

LẠN KHA/PLVN

Tòa án Mỹ 'bật đèn xanh' đối với quy định người lao động buộc phải tiêm vaccine

Lê Minh Hoàng