(LSVN) – Xuyên suốt 02 ngày trong phần tranh tụng, các Luật sư tại phiên tòa yêu cầu Viện Kiểm sát chứng minh, làm rõ nhiều tình tiết để xác định UBND xã có thực sự bị mất trộm số tiền 400.448.500 đồng trong két sắt hay không? Làm rõ nhiều chứng cứ ngoại phạm có thể minh oan cho các bị cáo nhưng Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS) không đưa vào hồ sơ vụ án.
HĐXX cùng với VKS, Luật sư tại tòa trực tiếp mở niêm phong kiểm tra nhưng không phát hiện có dấu vết nào tại mặt sau của két sắt.
Cán bộ, công chức UBND xã góp tiền khắc phục hậu quả?
Theo Kết luận điều tra ban đầu và Kết luận điều tra bổ sung của CQĐT, đêm 12, rạng sáng 13/12/2018, 09 bị cáo đã lên kế hoạch bàn bạc, thống nhất để tiến hành trộm két sắt tại UBND xã Tam Giang. Vụ trộm đã gây thiệt hại cho UBND xã số tiền 400.488.000 đồng.
Điều đáng nói, mặc dù là bị hại trong vụ án này, thế nhưng UBND xã và ông Nguyễn Lộc (Thủ quỹ) đại diện cho bên bị hại đã tự nguyện khắc phục các khoản tiền đã bị mất.
Cụ thể, ngày 06/5/2019, UBND xã Tam Giang đã nộp số tiền 38.450.000 đồng quỹ đối ứng trường THCS Trần Hưng Đạo vào ngân sách của xã tại Kho bạc huyện Krông Năng để khắc phục số tiền bị mất trộm; nộp số tiền 29.903.000 đồng tiền quỹ phòng chống thiên tai năm 2018 và tiền thu quỹ thôn Giang Phú; đối với hai khoản tiền gồm quỹ đền ơn đáp nghĩa là 59.338.000 đồng và tiền mặt quỹ ngân sách 15.831.000 đồng, cán bộ, công chức UBND xã đã cho mượn UBND xã mượn nhập vào quỹ đền ơn đáp nghĩa số tiền trên để tiếp tục hoạt động; số tiền 38.000.000 đồng gồm tiền các thôn gửi nhờ (8.000.000 đồng) và tiền riêng của ông Nguyễn Lộc (30.000.000 đồng). Ông Lộc đã trả lại số tiền 8.000.000 đồng lấy từ nguồn tiền cán bộ, công chức xã cho mượn.
Đến ngày 30/5/2019, ông Nguyễn Lộc cũng đã khắc phục trả lại cho Hội khuyến học số tiền quỹ 41.352.000 đồng bị mất trộm. Đối với khoản tiền quỹ vì người nghèo bị mất trộm là 44.600.000 đồng. Ngày 25/6/2019, ông Nguyễn Lộc đã khắc phục và trả lại cho Ban Vận động quỹ vì người nghèo số tiền trên.
Ngày 28/12/2019, UBND xã đã nộp vào Kho bạc 900.000 đồng để khắc phục hậu quả tiền lệ phí hộ tịch, chứng thực, đền ơn đáp nghĩa tháng 12/2018 đã bị mất trộm.
Ngoài ra, tổng số tiền mặt phụ cấp đã rút từ kho bạc về nhập quỹ phát cho người được thụ hưởng (tính từ tháng 9/2018 đến tháng 12/2018) là 724.846.000 đồng, UBND xã đã phát cho người được thụ hưởng là 592.174.500 đồng; số tiền còn tồn chưa phát là 132.671.500 đồng để trong két sắt bị mất như lời khai của ông Lộc. Để khắc phục, ngày 31/12/2018, UBND xã rút số tiền 150.000.000 đồng mượn từ ngân sách quỹ đền ơn đáp nghĩa để chi trả số tiền phụ cấp cho người thụ hưởng là 132.671.500 đồng.
Luật sư Nguyễn Đức Du, Đoàn Luật sư Đắk Lắk trong phần tranh tụng với VKS.
Nhiều dấu hỏi xoay quanh số tiền UBND xã bị mất trộm
Tại phần tranh tụng, Luật sư Lê Thị Minh Nhân, Đoàn Luật sư TP. HCM nhận định, căn cứ vào hồ sơ vụ án, các chứng từ thu, chi, sổ quỹ tiền mặt hàng ngày của Thủ quỹ và sổ quỹ tiền mặt của Kế toán có số dư đến 12/12/2018 là 362.448.500 đồng. Nhưng nội dung chi tiết các phiếu thu phiếu, chi thì thể hiện số tiền này không có trong két tại thời điểm mất trộm. Ngày 13/01/2021, tại tòa án khi mở niêm phong hồ sơ thì có 13 biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt. Trong đó tờ số 10, tờ số 11 thể hiện tồn quỹ âm 69 triệu so với tài liệu, sổ sách. Chưa kể, một số chứng từ thu không hợp lệ được tạo dựng, điều này đã được Luật sư Phương Văn Thêm chứng minh trước đó, nếu loại hết các phiếu thu này thì số tiền âm còn lớn hơn.
Kết quả giám định tài chính, giám định viên Phạm Thông trả lời chất vấn của các Luật sư tại tòa: "Tôi chỉ giám định được số liệu tồn quỹ trên sổ sách, chứng từ Kế toán do CQĐT cung cấp chứ không giám định được số tiền mặt trong két sắt tại thời điểm bị mất trộm".
Luật sư Minh Nhân nhấn mạnh, số tiền mất là do ông Nguyễn Lộc khai báo nhưng không có chứng cứ để chứng minh rằng đêm 12/12 trong két có 400.448.500 đồng. Cần lưu ý thêm rằng, khi mất chỉ khai báo 362.448.500 đồng, sau này mới bổ sung thêm 38 triệu là tiền cá nhân ông Lộc và các trưởng thôn gửi giữ hộ. Ông Lê Đức Lộc, ông Nguyễn Lộc, ông Phạm Ngọc Thăng (Kế toán trưởng), bà Phan Thị Hoài Thương (kế toán xã) đều tường trình mất số tiền trong két là 400.448.500 đồng. Trong khi, ông Thăng, bà Thương không phải là Thủ quỹ, không biết việc ông Lộc để 38 triệu vào két thời điểm nào mà chỉ nghe nói là hoàn toàn thiếu căn cứ, không có cơ sở xác định số tiền thực bị mất.
Chi tiết đặc biệt quan trọng đó là cả ông Lộc, ông Thăng, bà Thương đều khai mất một cuốn sổ tay ghi chép các khoản tạm ứng theo dõi bên ngoài, và theo ông Nguyễn Lộc trình bày tại tòa thì các khoản chi tạm ứng không có phiếu chi của Kế toán nên phải theo dõi ngoài. Khi Luật sư Phương Văn thêm đặt câu hỏi về số dư của cuốn sổ này tới ngày 12/12 là bao nhiêu thì ông Lộc khai không nhớ.
Các Luật sư tại phiên tòa điều cho rằng có sự bất thường trong hồ sơ thu thập của Cơ quan CSĐT tại cuốn sổ thu chi của xã, mở sổ ngày 24/5/2019, đóng sổ lại là ngày 31/12/2018? Như vậy, rõ ràng có dấu hiệu “ngụy tạo chứng cứ” làm sai lệch hồ sơ vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả điều tra và bản cáo trạng của VKS? Hay đây là vụ “ngụy tạo hiện trường giả” nhằm che giấu một hành vi phạm tội khác? Do đó, các Luật sư kiến nghị Kiểm toán tài chính độc lập để xác định UBND xã Tam Giang có thực sự mất tiền hay không?
Luật sư Nguyễn Đình Hải đối đáp với VKS.
Nhiều chứng cứ ngoại phạm không được CQĐT, VKS đưa vào hồ sơ vụ án
Cũng tại phiên tòa, ngoài việc yêu cầu CQĐT, VKS chứng minh, làm rõ các khoản tiền UBND xã bị mất trộm. Luật sư cũng đề nghị làm rõ nhiều tình tiết liên quan đến hiện trường vụ án và các chứng cứ ngoại phạm có thể gỡ tội cho các bị cáo nhưng không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Luật sư Cao Thế Luận, Đoàn Luật sư TP. HCM yêu cầu VKS làm rõ các tình tiết như: Khi xảy ra vụ án, CQĐT đã thu giữ các dụng cụ gây án như kìm cộng lực, búa đục, xà beng. Tuy nhiên, theo Kết quả giám định, không có cơ sở để xác định dấu vết cắt trên bát khóa của két sắt có phải do kìm cộng lực gây ra không nhưng CQĐT vẫn đưa vào làm tang vật vụ án? Điều đáng nói, sau khi vụ án xảy ra, CQĐT không tiến hành thu giữ, niêm phong két sắt mà vẫn để tại trụ sở của UBND xã đến tận tháng 9/2019 mới thu giữ, niêm phong. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả điều tra và tạo điều kiện cho người khác có cơ hội thay đổi hiện trường vụ án? Đáng chú ý, ngày 07/12/2018, UBND xã đã di dời trụ sở đến địa điểm mới. Trong quá trình di dời, không tiến hành niêm phong két sắt cũng như có các biện pháp kiểm soát, bảo vệ két sắt là tài sản quan trọng của UBND xã. Chi tiết này được ông Lê Đức Lộc khai tại phiên tòa.
Cũng theo lời khai của bị cáo Nhất, sau khi đột nhập vào trong phòng Văn thư - Thủ quỹ - Kế toán, các đối tượng dùng búa, xà beng đập vào mặt trước của két sắt nhưng không mở được nên đã xoay két sắt để đập vào mặt sau. Tuy nhiên, tại hiện trường, két sắt được đặt sắt vách tường và không có dấu hiệu bị xê dịch, chỉ có 1 dấu chân đạp lên tường nhưng CQĐT chưa giám định là của ai. Ở phiên tòa lần trước, HĐXX và các Luật sư đã mở và khám nghiệm trực tiếp tại phòng xử án thì không hề phát hiện dấu vết bị búa, đục hay vật nào tác động vào mặt sau của két sắt. Tại hiện trường, CQĐT cũng thu thập được 05 dấu vân tay, trong đó chỉ giám định được một dấu vân tay ở khung ngoại cửa sổ là của ông Nguyễn Lộc (Thủy quỹ), 04 dấu vân tay còn lại không xác định được của ai.
Giám định viên Sở Tài chính trả lời câu hỏi của HĐXX.
Vào ngày 12, 13/12/2018, tại thôn Giang Tân, xã Ea Púk, diễn ra đám tang của ông Lê Nguyên. Theo đó, bị cáo Trần Đình Thiện Phước và Trần Đức Kế được chọn tham gia đội âm công gồm 20 người, có mặt tại nhà ông Lê Hồng Ngữ (con trai ông Lê Nguyên) vào lúc 04h sáng ngày 13/12 để tập luyện, chuẩn bị cho lễ truy điệu. Khoảng 07h sáng ngày 13, tang lễ diễn ra và được gia đình ông Ngữ quay phim, chụp ảnh để lưu giữ. Trong các đoạn phim được quay, có mặt của Kế và Phước. Điều này đã được ông Lê Hồng Ngữ và những người trong đội âm công làm chứng trước tòa.
Thế nhưng, theo lời khai của Hoàng Thập Nhất, cả bọn sau khi gây án đã về nhà nghỉ Phương Lý gần với trụ sở UBND xã, thuê 03 phòng ngủ lại đến sáng mới về. Khoảng 06h sáng, Nhất và Kế chạy xe đến nhà Trần Anh Võ để đưa tiền cho Võ. Trần Anh Võ là Cán bộ Tư pháp, Hộ tịch của xã Tam Giang. Đêm 12/12/2018, Võ tham gia họp chi bộ Đảng tại thôn Giang Mỹ. Theo biên bản, cuộc họp kết thúc vào lúc 23h. Tuy nhiên, theo Kết luận điều tra và lời khai của Nhất, thời gian gây án là 22h(!?) Ngoài ra, Hoàng Thập Nhất khai đã liên hệ với các bị cáo khác bằng số điện thoại và ứng dụng Messenger (Facebook). Nhưng, CQĐT lại không thu thập được các tin nhắn, cuộc gọi nào chứng minh có sự liên lạc qua lại giữa các bị cáo. Trích xuất nhà mạng, cũng không xác định được nhật ký cuộc gọi giữa các bị cáo với nhau.
Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Đình Hải, Đoàn Luật sư Đắk Lắk nhận định, quá trình điều tra, CQĐT không thu thập, chứng minh được các bị cáo có tội hay không mà chỉ căn cứ vào lời khai của Hoàng Thập Nhất để buộc tội là thiếu căn cứ. Bên cạnh đó, việc CQĐT, VKS bỏ qua lời khai của những người làm chứng là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015.
LAM SƠN - HƯƠNG TRẦN
Xét xử sơ thẩm lại vụ án 'Trộm cắp tài sản' tại xã Tam Giang: Xuất hiện nhiều tình tiết mới