Bị cáo Nguyễn Xuân Đường tại tòa.
Sáng 17/11, TAND tỉnh Thái Bình xét xử Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ", 50 tuổi), Nguyễn Thị Dương (41 tuổi, vợ Đường) cùng 5 đồng phạm về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 Bộ luật Hình sự.
5 đồng phạm khác, gồm: Ninh Đức Lợi (sinh năm 1974, trú tại Tổ 8 phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình); Phạm Văn Úy (tên gọi khác là Trường, sinh năm 1989, trú tại Tổ 36 phường Quang Trung, thành phố Thái Bình); Nguyễn Khắc Nin (sinh năm 1979, trú tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình); Bùi Mạnh Tiến (sinh năm 1995, còn gọi là Tiến "trắng", con nuôi Nguyễn Xuân Đường, trú tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình); Quách Việt Cường (sinh năm 1974, trú tại Tổ 10 phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình).
Phiên tòa do thẩm phán Lương Hải Yến làm Chủ tọa, có 4 trong 25 bị hại có mặt.
Có 9 Luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó có 6 người bào chữa cho vợ chồng Đường "Nhuệ".
Tại phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Xuân Đường khẳng định mình "không cưỡng đoạt ai cả". Bị cáo cho rằng những bị hại là người làm việc cùng, là đối tác. Ban đầu, bị cáo yêu cầu hoãn phiên xét xử nếu những người này không có mặt nhưng sau đó yêu cầu HĐXX tiếp tục làm việc, tuy nhiên phải triệu tập những bị hại tới phiên tòa để đối chất. Sau đó, Đường "Nhuệ" có ý kiến, xin tòa không hoãn vì đã chờ đợi phiên xử quá lâu. Bị cáo nói: "Cả nước Việt Nam bảo nhà bị cáo ăn trên xác chết, thông tin này từ cơ quan điều tra mà ra".
Ngoài ra, bị cáo cũng cho rằng VKS đã làm sai quy trình tố tụng và yêu cầu triệu tập Kiểm sát viên tên Phong tới phiên tòa để đối chất bởi cho rằng người này đã làm sai khi không giao bản cáo trạng cho Đường, không cho bị cáo xem nội dung sao chép lời khai để biết rằng mình phạm tội gì và cũng không giải thích cho bị cáo biết vì sao lại làm như vậy.
Luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho Nguyễn Thị Dương đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập bị hại vì "có nhiều lời khai không khách quan".
Các Luật sư cũng yêu cầu hoãn phiên tòa bởi cho rằng lời khai của các bị hại còn phức tạp, bất nhất. Do đó, cần triệu tập các bị hại tới phiên tòa để đối chất.
Luật sư Hà Trọng Đại (bào chữa cho vợ chồng Đường Dương) cho biết, đã thu thập lời khai của nhiều bị hại, trong đó họ khẳng định không bị cưỡng ép, lừa dối mà tất cả đều do thỏa thuận giữa các bên. Luật sư sau đó đã giao nộp lại những chứng cứ này cho HĐXX. Luật sư cho rằng cơ quan chức năng có dấu hiệu vi phạm quy định về tố tụng khi không giao tận tay quyết định đưa vụ án ra xét xử tới các bị hại, người làm chứng cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Điều này khiến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng không được đảm bảo.
Đại diện VKSND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa sơ thẩm.
Sau khi thảo luận, HĐXX TAND tỉnh Thái Bình bác yêu cầu hoãn phiên tòa của phía bị cáo. HĐXX nhận định yêu cầu triệu tập thêm những người liên quan là không phù hợp, nhiều người trong số họ không liên quan trực tiếp tới vụ án.
Được hỏi ý kiến, Kiểm sát viên Phong cho hay đã giao cáo trạng cho Đường "Nhuệ" ký, ghi ý kiến vào biên bản giao nhận ngày 25/6. Kiểm sát viên không có nghĩa vụ phải đọc cáo trạng khi giao nên ý kiến của bị cáo không có căn cứ, đề nghị tòa tiếp tục xét xử.
Sau hội ý, chủ tọa cho rằng yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên của bị cáo Đường không có cơ sở chấp nhận. Các bị hại, nhân chứng, người liên quan vắng mặt nhưng đã có lời khai tại giai đoạn điều tra, nếu cần sẽ công bố nên HĐXX quyết định tiếp tục làm việc.
Chủ tọa nói thêm, các Luật sư được nhận thông báo mở phiên tòa qua đường "điện tử" nên vẫn đảm bảo quyền lợi. Các bị hại dù không có tên trong phần "người nhận" tại quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng quyền lợi của họ vẫn được đảm bảo.
Sau phần thông báo của HĐXX, 8 Luật sư cho rằng HĐXX vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng, không tôn trọng pháp luật nên đã bỏ ra ngoài phòng xử án, không tham gia phiên tòa. Chỉ còn Luật sư của bị cáo Úy ở lại.
PV
Xét xử vợ chồng Đường 'Nhuệ' liên quan đến hoạt động dịch vụ hỏa táng