(LSVN) - Câu chuyện về bác sĩ K. râm ran trên mạng xã hội từ đêm qua đến nay, lấy đi nước mắt của rất nhiều người. Tuy nhiên, ngay sau đó những tranh cãi đã nổ ra việc bác sĩ tự rút ống thở của người này cứu người kia có đúng? Quy trình xử lý ra sao? Sự thật câu chuyện thế nào?.
Ảnh minh họa.
Facebook được cho là của bác sĩ K. đã khóa sáng nay. Báo chí chính thống không thông tin về sự việc. Thậm chí, có nhiều người còn cho rằng hình ảnh trong tin nhắn nội bộ có sự cắt ghép từ một vụ sinh nở hồi tháng 4. Nhiều tình tiết vô lý khi xâu chuỗi các sự kiện được đưa ra.
Bài viết trên trang facebook cá nhân của một nhà báo đã được gỡ. Thay vào đó là một lời xin lỗi khi cảm xúc đi trước nghiệp vụ.
Giữa lằn ranh sự sống và cái chết có những thứ sẽ không theo một quy trình… điều đó tạo nên sự khác biệt mà người bình thường không làm được. Đó là thông điệp được chia sẻ râm ran từ đêm qua. Sự việc đó lấy đi nước mắt của nhiều người.
Lan tỏa thông điệp có ích, những tấm gương trong “mọi cuộc chiến” đều rất quan trọng. Nó khích lệ, tạo sức mạnh tinh thần giúp chúng ta đánh thắng rất nhiều kẻ thù.
Nhưng hơn tất cả, câu chuyện đó phải là câu chuyện có thật. Chỉ cần vài chi tiết trong câu chuyện không phải sự thật, được thêu dệt cường điệu sẽ dẫn đến phản ứng ngược… tạo ra sự hụt hẫng, mất niềm tin của người được tiếp nhận.
Cái dễ thứ nhất của mạng xã hội là dễ đưa tin; cái dễ thứ hai của mạng xã hội là dễ xóa bài. Chính những cái dễ đó khiến cộng đồng mạng ngơ ngác sau khi tất cả các nguồn tin này bị xóa, hoặc ẩn đi.
Sự thật có rất nhiều câu chuyện cảm động, giầu tính nhân văn đang diễn ra ở tuyến đầu chống dịch khiến bất cứ ai cũng phải rơi nước mắt khi “chạm” tới, tự thân nó đã trở nên đẹp đẽ mà không cần ngôn từ nào tô vẽ. Hãy cứ kể những câu chuyện “không nghệ thuật” bởi sự thật dù không hấp dẫn nó vẫn là sự phản ánh chân thực.
Luật sư GIANG VĂN QUYẾT
Chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19