(LSVN) - Sáng 15/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.
Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 cho thấy, Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỉ lệ 86,57% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 94,61%; án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%), vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đã triệt phá 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Toàn quốc xảy ra 33.693 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 9,75%), làm 895 người chết (tăng 3,71%), 7.473 người bị thương (giảm 1,53%), thiệt hại tài sản gần 1.330 tỉ đồng (giảm 18,38%). Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm… Đáng chú ý, đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 38,61%; 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 33,33%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, về kiểm soát tài sản, thu nhập trong kỳ đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Đến nay, có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022, có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người). Trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ năm trước). Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 309 vụ, 721 bị can.
Ngoài ra, Báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy, Tòa án các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 498 vụ với 1.235 bị cáo; đã giải quyết 382 vụ với 949 bị cáo; xét xử 285 vụ với 680 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 5 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 27 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm. Trong công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng thì tổng số việc phải thi hành là 3.846 việc với tổng số tiền là 88.604,9 tỉ đồng; trong đó số việc có điều kiện thi hành là 2.785 việc với số tiền gần 50.366,7 tỉ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 1.493 việc (đạt tỉ lệ 53,61%) với số tiền gần 10.327,73 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 20,51%).
Báo cáo công tác năm 2022 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 416 vụ với 1095 bị can (trong đó án mới 361 vụ với 913 bị can). Đã giải quyết 353 vụ với 893 bị can (trong đó truy tố 351 vụ với 891 bị can, chiếm 99,4% tổng số án đã giải quyết; đình chỉ 2 vụ với 2 bị can), hiện đang giải quyết 65 vụ với 202 bị can.
PV
Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam