/ Kinh tế - Pháp luật
/ Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19

Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19

01/12/2021 03:36 |

(LSVN) - Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên hầu như toàn bộ mọi mặt của đời sống kinh tế ở nước ta. Từ khu vực sản suất nông lâm, ngư nghiệp, thủy sản, khu vục công nghiệp, hoạt động thương mại, cung ứng dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng âm, các chỉ số về tiêu dùng và cung ứng dịch vụ đều giảm rõ rệt. Các con số đã nói lên sức khỏe của nền kinh tế và các doanh nghiệp là rất đáng lo ngại. Hệ quả tất yếu là đẩy nợ xấu gia tăng, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách.

Theo số liệu thống kê, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2019 chỉ còn 1,63% thì đến cuối tháng 9/2021 đã tăng trở lại 1,91%, trở lại mức tương đương năm 2017.

Mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo ra hành lang pháp lý để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, do Nghị quyết 42/2017/QH14 chỉ có hiệu lực thi hành đến ngày 15/8/2022, thời hạn không còn nhiều, khi hết hiệu lực sẽ để lại khoảng trống pháp lý không hề nhỏ để giải quyết.

Vì vậy, cần phải đánh gia những tồn tại khó khăn trong công tác thu hồi nợ tại các tổ chức tín dụng và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. Ngày 24/11/2021, Ủy ban Chính sách thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các ngân hàng, các chuyên gia tài tài chính ngân hàng, các Luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và xử lý nợ.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có những nhận định, chia sẻ về những thuận lợi khó khăn của công tác xử ký nợ xấu của ngành ngân hàng. Đặc biệt là khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, ngành ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Riêng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng 424,1 nghìn tỉ, đã xử lý được 364,1 nghìn tỉ đồng kể từ 15/8/2017 - 31/8/2021.

Tuy nhiên, theo ông Hùng thì vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại như thời gian trước đây.

Tại Hội thảo, đại diện Vietcombank phát biểu chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác thu hồi nợ mà đơn vị này đã triển khai trong thời gian vừa qua như: Chủ động, quyết liệt kiểm soát chất lượng tín dụng, bám sát khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ trong dịch, phân loại khách hàng để có ứng xử phù hợp, hạn chế phát sinh nợ xấu, chủ động xử lý thu hồi hạn chế thiệt hại. Đồng thời, chia sẻ những vướng mắc dẫn đến công tác thu hồi nợ xấu gặp khó như văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ, thị trường mua bán nợ hoạt động chưa hiệu quả. Tình trạng khách hàng chây ỳ không hợp tác, không có khả năng thanh toán cũng là những vướng mắc chung trong công tác thu hồi nợ của các ngân hàng.

Đại diện Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất Chính phủ đề xuất Quốc hội về việc hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nhằm tiếp tục duy trì, phát triển các chính sách tại Nghị quyết 42 để đảm bảo việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng được diễn ra thuận lợi, hiệu quả.

Hội nghị ghi nhận nhiều đóng góp tâm huyết của các chuyên gia ngân hàng, các Luật sư về việc cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ và cần luật hóa việc xử lý nợ của các tổ chức tín dụng, tháo gỡ các vướng mắc quy trình khởi kiện theo thủ tục rút gọn, thủ tục thi hành án và phát mại, bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ.

HƯNG NGUYÊN

Bỏ chứng chỉ tin học ngoại ngữ, giảm phí trước bạ từ tháng 12/2021

Lê Minh Hoàng