I. Quy định pháp luật về thi hành án đối với tài sản đang thế chấp
Tại khoản 1 Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) quy định: “Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án”.
Như vậy, Luật Thi hành án dân sự cho phép việc kê biên, xử lý đối với tài sản đang cầm cố, thế chấp khi đáp ứng đủ hai điều kiện: (i) Người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án; và (ii) Giá trị tài sản phải lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Đây được xem là hai “điều kiện tiên quyết” cần phải đáp ứng để có thể tiến hành xử lý đối với tài sản đang thế chấp.
Đồng thời, khoản 2 Điều này quy định: “Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp”. Xét thấy, pháp luật chỉ ghi nhận nghĩa vụ thông báo cho người nhận thế chấp được biết, không ghi nhận về việc phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Như vậy, việc kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp không cần phải được sự đồng ý, chấp thuận của bên nhận thế chấp.
Từ những quy định trên, có thể thấy pháp luật hoàn toàn cho phép việc xử lý tài sản đang thế chấp tại ngân hàng để thi hành án. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này trên thực tế lại phát sinh một số vấn đề, vướng mắc cần phải được điều chỉnh, hoàn thiện.
II. Thực tiễn áp dụng và một số vấn đề, vướng mắc phát sinh
1. Việc xác định “người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án” là khó khăn và mất nhiều thời gian
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên có nhiệm vụ và thẩm quyền để thực hiện các biện pháp nhằm xác minh thông tin tài sản của người phải thi hành án. Người được thi hành án, các cá nhân, tổ chức có liên quan có nghĩa vụ phối hợp trong quá trình chấp hành viên xác minh. Do đó, quá trình xác minh thông tin đối với các tài sản là bất động sản và động sản có đăng ký quyền sở hữu sẽ rõ ràng và ít tốn thời gian.
Tuy nhiên, việc xác minh thông tin đối với các tài sản là động sản không đăng ký quyền sở hữu là rất khó khăn. Bởi lẽ, việc xác định quyền sở hữu đối với động sản không đăng ký quyền sở hữu đa phần dựa trên sự chiếm hữu thực tế. Nếu người phải thi hành án cố tình giấu thông tin, không hợp tác hay thậm chí cung cấp thông tin không đúng thì chấp hành viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xác minh. Quá trình xác minh sẽ bị kéo dài và chấp hành viên cũng sẽ khó có cơ sở rõ ràng để xác định: “Người phải thi hành án không còn tài sản nào khác”.
Đồng thời, nếu trong quá trình xử lý tài sản đang thế chấp mà phát hiện người phải thi hành án còn tài sản khác thì sẽ: Tiếp tục quá trình xử lý tài sản đang thế chấp (phương án 1) hay phải huỷ bỏ việc xử lý tài sản đang thế chấp để chuyển qua việc xử lý tài sản mới phát hiện (phương án 2).
Vấn đề này pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên với quy định hiện hành, có căn cứ để cho rằng phải xử lý theo phương án 2. Bởi lẽ, ngay tại thời điểm phát hiện thông tin tài sản mới thì điều kiện tiên quyết để xử lý tài sản đang thế chấp (theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự) đã không còn.
2. Việc quy định chỉ xử lý tài sản đang thế chấp trong trường hợp không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để thi hành án là chưa đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án
Việc thế chấp tài sản tại ngân hàng nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản vay. Khi người vay vi phạm nghĩa vụ, ngân hàng có quyền tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi khoản tiền đã cho vay. Tại khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều này”. Như vậy, khi xử lý tài sản đang thế chấp thì Ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán trước, người được thi hành án được thanh toán sau. Có thể thấy, quyền lợi của ngân hàng vẫn được đảm bảo trong trường hợp này.
Tại các Điều 76, Điều 81 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc “khấu trừ tiền trong tài khoản” và “thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ” hoàn toàn không đặt ra các điều kiện tiên quyết để áp dụng các biện pháp cưỡng chế này. Về bản chất, tiền trong tài khoản ngân hàng, tiền do người thứ ba giữ hay phần giá trị tài sản lớn hơn so với khoản nợ đang được đảm bảo đều là tài sản của người phải thi hành án. Quy định pháp luật cần phải có cùng một cách thức tiếp cận, xử lý đối với cùng một vấn đề. Việc đặt ra điều kiện tiên quyết như quy định hiện nay đang vô hình trung làm hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án. Việc xử lý phần giá trị tài sản (lớn hơn so với khoản nợ đang được đảm bảo) nên được quy định sao cho đơn giản và dễ dàng áp dụng trên thực tế. Điều này sẽ góp phần đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
3. Việc xác định giá trị của tài sản trước khi kê biên, xử lý tài sản
Để có thể tiến hành xử lý tài sản đang thế chấp, cần phải xác định giá trị của tài sản. Nếu giá trị này lớn hơn khoản nợ mà nó đang đảm bảo thì mới được xử lý. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện việc định giá tài sản trong trường hợp này. Đồng thời, việc xác định giá trị tài sản sẽ do chấp hành viên tự thực hiện hay phải thông qua đơn vị có chuyên môn (như công ty thẩm định giá) cũng chưa được quy định cụ thể. Việc này gây ra tình trạng lúng túng, phát sinh nhiều cách xử lý khác nhau.
Trên thực tế, chấp hành viên thường sẽ làm việc với người được thi hành án và người phải thi hành án để xem hai bên có thể thoả thuận, thống nhất về giá trị tài sản hay không. Một trong các cơ sở mà chấp hành viên thường tham khảo là chứng thư thẩm định giá trong hồ sơ vay do ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, giá trị tài sản xác minh thông qua các cách làm này cũng chỉ mang tính chất tham khảo và cũng chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng làm căn cứ cho các cách làm này.
Một số trường hợp, chấp hành viên còn đề xuất Người được thi hành án tự thuê đơn vị thẩm định giá và gửi kết quả thẩm định lại cho chấp hành viên để làm cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, cách làm này sẽ đặt ra thêm nghĩa vụ (không theo luật định) cho người được thi hành án.
4. Trường hợp không được xử lý tài sản đang thế chấp tại ngân hàng
Tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định: “Trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp đủ điều kiện để kê biên, xử lý theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự mà người nhận cầm cố, thế chấp đang tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm thì chấp hành viên không thực hiện việc kê biên, xử lý đối với tài sản đó nhưng phải có văn bản yêu cầu người xử lý tài sản cầm cố, thế chấp thông báo ngay kết quả xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự, giữ lại số tiền còn lại (nếu có) để cơ quan thi hành án dân sự giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, ngoài việc phải đáp ứng hai điều kiện tiên quyết được nêu tại Mục I của bài viết, chấp hành viên còn phải xác minh thông tin về việc ngân hàng có đang trong quá trình xử lý để thu hồi khoản nợ hay không. Nếu ngân hàng đang trong quá trình xử lý thì chấp hành viên sẽ không thể tiến hành kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp.
Tuy nhiên, vì quy định chưa rõ ràng nên cũng phát sinh nhiều quan điểm xoay quanh việc xác định thời điểm ngân hàng chính thức “tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay”. Việc ngân hàng tiến hành gửi công văn nhắc nợ/đòi nợ có được xem là đang trong tiến trình xử lý để thu hồi nợ vay hay không, hay tiến trình xử lý chỉ bắt đầu khi ngân hàng chính thức khởi kiện tại Toà án để thu hồi nợ vay. Vấn đề này cần được pháp luật quy định rõ ràng để có thể thống nhất trong cách hiểu, cách áp dụng quy định pháp luật trên thực tế.
Trước đây, tại Điều 11 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 quy định: “Các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”.
Như vậy, Nghị quyết này xác định rõ khi khoản nợ được đảm bảo đã trở thành nợ xấu thì sẽ không được kê biên tài sản đảm bảo này để thực hiện một nghĩa vụ khác. Tuy nhiên, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024 và đến nay vẫn chưa có quy định nào tương ứng để thay thế cho vấn đề này.
III. Đề xuất - kiến nghị
Để hạn chế, khắc phục các vấn đề vừa nêu, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung như sau:
1. Đề xuất bãi bỏ quy định về điều kiện áp dụng: “Người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án”
Việc bãi bỏ quy định này sẽ giảm bớt nghĩa vụ phải xác minh toàn bộ tài sản của người phải thi hành án, giảm thiểu thời gian, công sức cũng như đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người được thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế, chấp hành viên/người được thi hành án có quyền lựa chọn/yêu cầu xử lý đối với tài sản mà họ cho rằng có khả năng thi hành án thuận lợi và mang lại lợi ích (hợp pháp) tốt nhất cho người được thi hành án.
2. Kiến nghị bổ sung một số quy định liên quan đến các vấn đề sau nhằm hoàn thiện hơn quy định pháp luật
Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thực hiện việc định giá tài sản trước khi kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp (quy trình, thẩm quyền thực hiện, cơ sở định giá, chi phí định giá,...). Cần quy định rõ thời điểm mà chấp hành viên không được tiến hành kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp (quy định rõ như thế nào là “đang tiến hành xử lý để thu hồi nợ vay”) để có thể thống nhất trong quá trình áp dụng trên thực tế.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014;
2. Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp - Tòa án Nhân dân Tối cao - Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao;
3. Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.
Luật sư LÊ HỮU NGHĨA
Đoàn Luật sư TP. HCM