/ Trao đổi - Ý kiến
/ Xử lý thế nào nếu đưa tin sai sự thật về tình hình mưa lũ?

Xử lý thế nào nếu đưa tin sai sự thật về tình hình mưa lũ?

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) - Gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng hình ảnh bão lũ, sạt lở nghiêm trọng ở một số địa phương tại Trung Quốc...

(LSVN) - Gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng hình ảnh bão lũ, sạt lở nghiêm trọng không phải ở Việt Nam nhưng lại trích dẫn rằng đó là những gì đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Điều này đã gây hoang mang cho người dân, và tạo thêm khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác khắc phục hậu quả bão và ứng phó khẩn cấp mưa lũ.

Một hình ảnh sai sự thật về mưa lũ tại miền Trung được mạng xã hội đưa tin. Nguồn: Facebook.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đã có hơn 65 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Mạng xã hội trở thành nơi mọi người sử dụng để bày tỏ ý kiến, tiếp nhận, chia sẻ thông tin... Tuy nhiên, mặt trái của nó là việc một số cá nhân lợi dụng việc sử dụng mạng xã hội để đưa tin sai sự thật nhằm câu like, câu view... Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2020, Thanh tra Sở này đã xử phạt 30 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền lên đến 467,5 triệu đồng từ những hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử và thông tin trên mạng xã hội.

Hiện nay, mạng xã hội xuất hiện một số trang cá nhân lợi dụng tình hình bão lũ tại miền Trung đã lan truyền những hình ảnh bão lũ, sạt lở nghiêm trọng không phải ở Việt Nam nhưng lại trích dẫn rằng đó là những gì đang xảy ra tại các tỉnh miền Trung. Việc làm này đã gây hoang mang trong dư luận và phần nào làm khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác khắc phục hậu quả bão và ứng phó khẩn cấp mưa lũ.

Trao đổi với Luật sư Lê Nguyên Hòa, Giám đốc Điều hành Hãng Luật LH Legal cho biết, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể hình thức xử phạt với các hành vi nêu trên. Cụ thể, Điều 10 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang cho nhân dân”.

Luật sư Lê Nguyên Hòa, Giám đốc Điều hành Hãng Luật LH Legal.

Ngoài ra, theo Luật sư Hòa, việc sử dụng hình ảnh sai sự thật về tình hình bão lũ, dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người đưa thông tin trái với quy định hoặc sử dụng trái phép thông tin nhằm thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, sẽ phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông và bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trong trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam thì có thể bị phạt tù đến 07 năm và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Từ những quy định trên đây cho thấy, pháp luật Việt Nam quy định khá chặt chẽ và nghiêm khắc với những hành vi sử dụng hình ảnh sai sự thật về tình hình bão lũ, dịch bệnh nhằm câu view, câu like gây hoang mang trong xã hội. Trước thực trạng này thì việc quản lý tốt thông tin mạng xã hội là rất cần thiết, tăng cường triển khai các giải pháp phòng chống thông tin xấu độc, tin giả trên mạng.

PHẠM HƯƠNG - PHẠM LINH

/quoc-hoi-thao-luan-hinh-thuc-xu-phat-ngung-cap-dien-nuoc.html