/ Luật sư - Bạn đọc
/ Giáo viên cổ vũ học sinh uống bia, đăng clip lên mạng xã hội: Vi phạm một lúc nhiều quy định pháp luật

Giáo viên cổ vũ học sinh uống bia, đăng clip lên mạng xã hội: Vi phạm một lúc nhiều quy định pháp luật

08/03/2021 16:11 |

(LSVN) - Luật sư nhận định, hành vi của cô giáo đã vi phạm rất nhiều quy định của pháp luật trong đó có vi phạm quy định của Luật Trẻ em, Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật An ninh mạng, thậm chí có thể thêm vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm.

Hình ảnh được cắt ra từ clip.

Thời gian vừa qua, mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip dài hơn 07 phút ghi lại hình ảnh hơn 20 học sinh cầm lon bia chúc tụng nhau và chạm cốc với cô giáo. Điều đáng ngạc nhiên là cô giáo trên không những không ngăn cản mà còn cổ vũ, kích động các em uống bia.

Sau khi xem clip, nhiều phụ huynh giật mình khi phát hiện những thiếu niên cầm lon bia đang chúc tụng nhau kia là con em mình. 

Được biết, các em xuất hiện trong clip là học sinh lớp 9, Trường THCS Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) địa điểm xảy ra là tại nhà cô giáo Nguyễn Thị Xuyến (giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6) và thời gian xảy ra sự việc là sau Tết Nguyên đán.

Đoạn clip trên do chính cô Nguyễn Thị Xuyến đăng tải lên mạng xã hội Facebook. Sau khi nhận được nhiều bình luận với thái độ phản đối, bất bình của cộng đồng mạng, cô Xuyến đã gỡ bỏ clip. Tuy nhiên, một số người đã kịp tải clip về và tiếp tục đăng tải với thái độ bất bình, phản đối khi cô giáo chủ nhiệm mặc nhiên để cho học sinh lớp 9 tổ chức uống bia tại nhà mình và còn có lời nói cổ vũ, kích động.

Làm việc với cơ quan Công an, cô Nguyễn Thị Xuyến đã thừa nhận clip trên do mình đăng tải, những học sinh uống bia trong clip đang học lớp 9A6 do cô này làm chủ nhiệm, thời gian học sinh tổ chức uống bia là chiều 21/02 và địa điểm tại phòng ở của cô Xuyến tại khu tập thể của trường. Cô Xuyến là người quay là đăng tải clip trên lên mạng xã hội Facebook.

Hiện, Công an huyện Hậu Lộc đang tiếp tục xác minh, hoàn thiện hồ sơ để xử lý cô Xuyên và những người liên quan tới sự việc.

Được biết, nhiều phụ huynh sau khi xem clip đã có những phản ứng trái chiều, cụ thể, anh L.H.T, một phụ huynh cho rằng, việc uống rượu, bia khi chưa đủ tuổi đã là điều cấm.

“Tuy nhiên, cô giáo ở đây không những không ngăn cản các em mà còn nói rằng nên mua cả “két” uống thay vì vài lon, liệu người trong clip trên có thực sự là cô giáo của các em hay không? Khi vai trò của một người làm giáo là phải luôn được đặt lên hàng đầu, người làm giáo phải là người có trách nhiệm, là một tấm gương mẫu dẫn dắt các em đi theo con đường đúng đắn để các em ngày một hoàn thiện và nên người, chứ không phải cổ vũ, khuyến khích các em như thế!”, anh T. bức xúc chia sẻ.

Chị N.T.V, một phụ huynh có con đang học tại trường THCS trên địa bàn tại Hà Nội cũng cho hay, hành động của giáo viên trong clip là hành động vô cùng phản cảm, khi mà giáo viên là người cầm cân nảy mực cho các em, chỉ dạy các em nên người nhưng lại hành động ngược lại khiến các bậc phụ huynh phải luôn lo lắng và đặt ra câu hỏi liệu có thật sư con cái mình đang được giáo dục theo một cách đúng đắn hay không? Và hành động của giáo viên trên đang cho thấy những phản ánh trái chiều trong giáo dục ngày nay.

Không chỉ các vị phu huynh trên mà rất nhiều người khác cũng ý kiến và phản ánh tiêu cực về câu chuyện này.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định: “Hành vi của cô giáo này liền một lúc vi phạm nhiều quy định của pháp luật trong đó có vi phạm quy định của Luật Trẻ em, Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật An ninh mạng, thậm chí có thể thêm vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm”.

Theo Luật sư Cường, điều dễ nhận thấy đầu tiên là hành vi của cô giáo này đã vi phạm điều cấm trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cụ thể là hành vi “Xúi giục, kích động người khác uống rượu bia, khuyến khích, cho phép người dưới 18 tuổi uống rượu bia”. Bởi vậy, hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật và có thể bị xử phạt hành chính.

Điều 5, Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia...”.

Hành vi của cô giáo đã vi phạm 2/13 nội dung cấm trong Điều 5, Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật sư nhận định.

Ngoài ra, Luật Phòng chống tác hại rượu bia cũng quy định Tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia giáo dục, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tham gia ý kiến xây dựng pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật.

Luật này cũng quy định trách nhiệm của người lớn đối với phòng chống các tác hại rượu bia là: “Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia; Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; Tham gia với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia”.

Cũng theo Luật sư Cường, điều bất ngờ ở đây là người xúi giục, kích động các cháu uống rượu bia lại là cô giáo. Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực pháp luật hơn một năm nay, nhiều người đã bị xử phạt do vi phạm về rượu bia.

Vì vậy, là một giáo viên thì cô giáo trên hoàn toàn có thể nhận thức được là các cháu chưa đủ 18 tuổi, không được phép uống rượu bia theo Luật Phòng chống tác hại rượu bia (pháp luật cũng quy định bắt buộc cô giáo này phải biết điều này) nhưng cô giáo vẫn kích động, cổ vũ, lôi kéo các cháu uống rượu bia, lại còn đăng tải công khai lên mạng xã hội như vậy thể hiện ý thức chấp hành pháp luật kém, không gương mẫu, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, lối sống, sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em, gây ra lo lắng cho các bậc phụ huynh và tạo tâm lý không tốt trong xã hội.

Điều 28, Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 thì hành vi xúi giục lôi kéo trẻ em thực hiện hành vi trái pháp luật, xúi giục trẻ em sử dụng rượu bia, chất kích kích thích là hành vi cấm quy định tại Điều 6.

Điều 6, Luật Trẻ em năm 2016 quy định về "Các hành vi bị nghiêm cấm" như sau:

1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

7. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

8. Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

10. Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

12. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

13. Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

14. Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.

15. Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.

Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, người thân trong gia đình của các em mà còn là trách nhiệm của nhà trường trong đó giáo viên là một chủ thể quan trọng.

Nếu giáo viên không mẫu mực, không hiểu biết pháp luật hoặc cố tình vi phạm pháp luật, tuyên truyền, cổ suý, kích động lối sống bê tha, trụy lạc hoặc coi nhẹ các hành vi về tệ nạn xã hội thì sẽ rất nguy hại đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em.

Sẽ không có phụ huynh nào yên tâm khi giao con mình cho những giáo viên có lối sống buông thả, dễ dãi, coi nhẹ đạo đức, lối sống, thiếu ý thức tuân thủ và cách giáo dục phản khoa học như vậy. Những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật của giáo viên mà ảnh hưởng đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em thì phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Ngoài ra, Luật An ninh mạng cũng quy định nghiêm cấm việc đưa những thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội. Bởi vậy hành vi của cô giáo còn vi phạm quy định tại Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018.

Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về "Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng" như sau:

1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:

a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;

b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống  xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.

4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.

5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích   hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng cho biết, hành vi tập trung đông người, uống rượu bia trong thời điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở một số nơi, một số địa phương, vào những thời điểm nhất định thì hành vi này cũng là hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi này cũng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như hành vi được xác định là vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù, sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực pháp luật thì chưa có Nghị định cụ thể về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống tác hại rượu bia. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm quy định về phòng chống tác hại rượu bia sẽ bị xử lý theo một số văn bản như Nghị định 100/2019/NĐ-CP để xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Khi tham gia giao thông mà có nồng độ cồn).

Ngoài ra, hành vi sử dụng rượu bia trái phép, buôn bán rượu bia trái phép cũng đã được bổ sung chế tài trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đối với hành vi đăng tải thông tin trái pháp luật lên mạng xã hội thì hành vi của cô giáo này sẽ bị xử lý hành chính về hành vi đưa tin trái pháp luật nên mạng xã hội theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.

Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì hành vi thiếu gương mẫu, không chấp hành pháp luật, vi phạm quy định về giáo dục, gây tâm lý không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh thì hội đồng kỷ luật của nhà trường sẽ tiến hành các thủ tục để áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức nhà nước vi phạm kỷ luật theo quy định của Luật viên chức và Nghị định về kỷ luật viên chức.

Đối với các chế tài cụ thể. Với hành vi xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu bia thì cô giáo này sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 30 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/11/2020) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức hình phạt có thể đến 1.000.000 đồng. Nếu hành vi là ép buộc người khác uống rượu bia thì mức phạt có thể đến 3.000.000 đồng.

Điều 30, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/11/2020) quy định về vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;

b) Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;

b) Ép buộc người khác uống rượu bia.”.

“Pháp luật quy định, cấm trẻ em, người dưới 18 tuổi uống rượu, bia. Hành vi lôi kéo, xúi giục trẻ em uống rượu bia là không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Bởi vậy hành vi đăng tải, chia sẻ, cung cấp thông tin lên mạng xã hội về việc trẻ em uống rượu bia là hành vi bị cấm”, Luật sư Cường cho hay.

Theo đó, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, với mức phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi vi phạm, làm rõ hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp hành vi là lôi kéo, xúi giục người khác uống rượu bia thì có thể phát đến 1.000.000 đồng.

Trường hợp ép buộc người khác uống rượu bia thì có thể bị phạt đến 3.000.000 đồng.

Trường hợp lôi kéo ép buộc trẻ em uống rượu bia dẫn đến ngộ độc thực phẩm hoặc gây mất an ninh trật tự thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi đăng tải các thông tin mà pháp luật cấm lên mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” chứ không đơn giản chỉ là sự phạt hành chính theo điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP nêu trên.

Điều 288, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Việc xử phạt hành chính và xử lý kỷ luật đối với cô giáo này ở mức độ như thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, dù bị xử lý như thế nào chăng nữa thì đây cũng sẽ là một bài học đắt giá cho những ai thiếu hiểu biết pháp luật hoặc bất chấp pháp luật vi phạm quyền trẻ em, vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống rượu bia, phòng chống dịch bệnh, vi phạm quy định về an ninh mạng. Việc sử dụng mạng xã hội đòi hỏi phải có nhận thức hiểu biết nhất định đồng thời phải có kĩ năng nhất định để bảo vệ bản thân và người khác”, Trưởng VPLS Chính Pháp cho biết.

LÂM HOÀNG

Bức cung, dùng nhục hình và vấn đề đạo đức trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng