Hiện nay, vấn đề sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em học sinh đang được đặt lên hàng đầu, xã hội phát triển, các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn khi chất lượng đảm bảo cho bữa ăn luôn đầy đủ và an toàn vệ sinh trong việc bán trú đang dần được cải thiện đáng kể.
Những năm gần đây, với sự phát triển của mô hình dạy học 02 buổi/ngày, số lượng học sinh cấp tiểu học và phổ thông trên các địa bàn tỉnh thành ăn bán trú tại trường ngày càng tăng.
Thông tin từ Hanoimoi thống kê, tại Hà Nội, trong năm học 2019 – 2020 vừa qua, toàn thành phố đã có hơn 700.000 học sinh tiểu học, trong đó có khoảng 90% đăng ký ăn bán trú tại trường. Tỉ lệ này ở cấp trung học cơ sở là hơn 20% trong tổng số hơn 450.000 học sinh. Ngoài ra còn có gần 550.000 trẻ mầm non được chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày tại hơn 1.100 trường và nhóm lớp. Như vậy, mỗi ngày toàn TP. Hà Nội có tới hơn 01 triệu học sinh ăn bán trú tại trường với số lượng 01-04 bữa, tùy theo độ tuổi.
Thời điểm đó, theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, về cơ bản các nhà trường đã thực hiện nghiêm túc những quy định về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm như: Có thủ tục pháp lý rõ ràng, hợp đồng đầy đủ với đơn vị cung ứng; có cơ sở vật chất tốt, trình độ và kỹ năng thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến thức ăn được kiểm soát chặt chẽ… Nơi chế biến thức ăn của các nhà trường đã được thiết kế theo nguyên tắc một chiều, có đủ dụng cụ chế biến, chia suất; có khu rửa tay và nhà vệ sinh cách biệt…
Hầu hết các nhà trường đã tuân thủ nghiêm túc chế độ kiểm thực 03 bước và lưu mẫu thức ăn hàng ngày theo quy định.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế tại nhiều trường học vào cuối tháng 04/2019 của đoàn kiểm tra liên ngành TP. Hà Nội lại cho thấy, một số nơi còn sơ suất trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm như: Để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín; khay ăn, bát ăn chưa được rửa sạch; việc lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định; nhân viên chế biến thực phẩm chưa thường xuyên sử dụng găng tay; thiếu thiết bị phòng, chống côn trùng…
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do công tác quản lý, giám sát của các trường chưa thường xuyên và thiếu chặt chẽ.
Liên tiếp những vụ việc xảy ra gần đây càng cho thấy tình trạng trên là hồi chuông cảnh báo cho việc buông lỏng quản lý, dẫn tới việc không bảo đảm được chất an toàn thực phẩm cho các em học sinh.
Ngày 27/11/2020, Phòng Y tế UBND quận Ba Đình, Hà Nội đã có báo cáo kết quả kiểm tra tại Trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục sau khi tiếp nhận phản ánh bữa ăn của học sinh trường này có giòi.
Theo kết luận, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Ba Đình xác định nhà trường đã có hành vi vi phạm hành chính. Cụ thể, thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm.
Sau khi xem hình ảnh do nhà trường cung cấp, Đoàn kiểm tra liên ngành nhận định: Trong khay đựng xuất cơm trưa của học sinh ngày 23/11/2020 có 1 con ấu trùng. Đoàn kiểm tra liên ngành đang tham mưu UBND quận Ba Đình ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm theo quy định hiện hành.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành về kết quả kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm, nhà trường xuất trình được hợp đồng ký với Công ty CP dịch vụ Quốc tế Hà Thành cung cấp suất ăn cho học sinh; thời gian kết thúc hợp đồng là ngày 31/01/2021.
Không chỉ trường hợp trên, tại các tỉnh thành khác, những vụ việc tương tự cũng đã diễn ra. Cụ thể, ngày 24/2, tại trường Tiểu học Vĩnh Thủy, Quảng Trị đã xảy ra tình trạng một số em học sinh sau khi ăn bữa trưa đầu có biểu hiện lâm sàng như mệt mỏi, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn...
25 học sinh của các lớp 3B, 4B, 5A đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh để khám, theo dõi sức khỏe. Sau khi được thăm khám, 18 học sinh phải nhập viện để theo dõi và điều trị, 07 học sinh trở về trường học bình thường.
Ngay sau đó, UBND huyện Vĩnh Linh đã thành lập Đoàn kiểm tra để xác minh, tìm nguyên nhân vụ việc.
Được biết, UBND huyện Vĩnh Linh đã thành lập đoàn kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm liên ngành cũng như ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu Trường Tiểu học Vĩnh Thủy tạm dừng hợp đồng với cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống cho trường.
Đồng thời, Huyện cũng yêu cầu cơ sở này tạm dừng hoạt động tại trường từ ngày 25/2 cho đến khi có đầy đủ hồ sơ, điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Vĩnh Thủy, Trạm y tế xã Vĩnh Thủy được yêu cầu theo dõi tình hình sức khỏe học sinh trong trường, báo cáo UBND huyện, Phòng Y tế của huyện khi có trường hợp biểu hiện bất thường để kịp thời xử lý. Trung tâm Y tế huyện có trách nhiệm lấy mẫu thực phẩm và bảo quản theo quy định để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Hiện, ngành chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc.
"Quy định về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học đã đầy đủ. Vấn đề là các bên liên quan có thực hiện đúng với quy định không mà thôi"
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết, tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2016 về công tác y tế trường học có những quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của Nhà trường trong việc bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm.
Điều 06, Thông tư quy định đối với trường học có bếp ăn nội trú, bán trú, Nhà trường phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 01, khoản 02, khoản 03, mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 05 của quy chuẩn QCVN 07:2010/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT; Bếp ăn, nhà ăn, căng tin trong trường học bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Theo Luật sư Thanh, trong trường hợp trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú, Nhà trường ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh.
“Như vậy, quy định về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học đã đầy đủ. Vấn đề là các bên liên quan có thực hiện đúng với quy định không mà thôi”, Luật sư Thanh nhận định.
Đối với trách nhiệm bồi thường, Luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự, người nào gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường. Bên cạnh đó tại điểm h, khoản 02, Điều 02 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng quy định tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
Điều 590, Bộ luật Dân sự quy định các khoản bồi thường trong trường hợp này như sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của học sinh; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người học sinh trong thời gian điều trị; Nếu học sinh cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì phải bồi thường cả khoản chi phí hợp lý cho việc chăm sóc học sinh…
Luật sư Thanh cho biết, xã hội ngày càng phát triển và những mặt trái đang xảy ra ngày càng nhiều, việc xây dựng kế hoạch cụ thể của từng năm học trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; Phối hợp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là việc làm cần thiết, bắt đầu từ nguồn cung cấp thực phẩm, quy trình chế biến và bảo quản, công tác giám sát thực hiện thường xuyên và chặt chẽ.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng nhiễm bẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nơi chế biến như: Luôn vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến, bếp nấu ăn, nhân viên nấu ăn và luôn thực hiện quy trình một chiều để đảm bảo vệ sinh.
“Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe nhân viên nấu ăn, kiểm tra khu vực nấu ăn hàng ngày trước khi thực hiện công việc; Vệ sinh khu vực nấu ăn và xung quanh thường xuyên; Công đoạn xử lý rác thải phải đảm bảo vệ sinh không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; Tuyên truyền phổ biến kiến thức nuôi con theo khoa học, cách giữ vệ sinh môi trường tới các bậc cha mẹ học sinh và có biện pháp phối hợp chặt chẽ”, Luật sư Giang Hồng Thanh cho hay.