/ Luật sư - Bạn đọc
/ Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong áp dụng pháp luật

Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong áp dụng pháp luật

05/10/2023 06:18 |

(LSVN) – Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ sẽ tạo ra những tiền lệ tốt trong việc áp dụng pháp luật trong các lĩnh vực khác. Việc xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” sẽ cùng cố niềm tin của người dân đối với pháp luật, cho thấy sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật.


Ảnh minh họa.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ ngày 30/8 đến ngày 21/9, các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Bến Tre, Đắk Lắk,...

Qua đó, các tổ công tác của Cục đã trực tiếp kiểm soát hơn 80.500 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho Công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý hơn 2.800 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 31 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 9 trường hợp vi phạm về ma túy…

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Ngoài xử lý theo quy định, lực lượng Cảnh sát giao thông còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Đáng chú ý, ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức trong lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, nhà báo, thầy giáo dạy lái xe,... Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy quyết tâm, quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn nhằm lập lại trật tự kỷ cương, xây dựng nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất những vụ tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn xảy ra.

Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Đợt ra quân lần này của lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn. Điều đáng chú ý ở lần này lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý đối với mọi đối tượng trên tinh thần "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ". Ý kiến chỉ đạo của Bộ công an là rất kịp thời, cần thiết.

Việc xử lý như vậy thể hiện nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc pháp chế trong việc áp dụng pháp luật mà Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật đã quy định (Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính,...). Đây là nguyên tắc chung trong pháp luật Việt Nam thể hiện mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý không phân biệt người vi phạm là ai, chức vụ gì, địa vị xã hội ra sao, thành phần dân tộc, tôn giáo, giới tính như thế nào. Đây là nguyên tắc xuyên suốt trong hệ thống pháp luật Việt Nam để đảm bảo quyền tự do, bình đẳng, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.

Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính không tránh khỏi những tác động, ảnh hưởng bởi người vi phạm là những người có chức vụ, quyền hạn ở địa phương. Với sự quen biết, ngại va chạm, thậm chí có sự can thiệp khiến cho lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên, những người có địa vị trong xã hội.

“Những chỉ đạo quyết liệt như thế này của Bộ công an đã tháo gỡ được những rào cản về tâm lý cho người thi hành công vụ, thúc đẩy cơ quan chức năng hoạt động một cách độc lập, xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm và nguyên tắc xử lý là "chỉ tuân theo pháp luật", trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ sẽ tạo ra những tiền lệ tốt trong việc áp dụng pháp luật trong các lĩnh vực khác. Việc xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” sẽ cùng cố niềm tin của người dân đối với pháp luật, cho thấy sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật”, Luật sư Cường nói. 

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, thông báo với chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức nơi người vi phạm giao thông làm việc về hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, đối với người vi phạm giao thông là cán bộ, đảng viên thì hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật ngoài việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Bởi vậy, khi xử lý vi phạm giao thông nói chung và vi phạm về nồng độ cồn nói riêng cơ quan chức năng thông báo về cơ quan, tổ chức nơi người vi phạm về nồng độ cồn đang công tác, làm việc là nguồn thông tin quan trọng để cơ quan, tổ chức đảng quản lý cán bộ, công chức đó xem xét về ý thức chấp hành pháp luật, để đánh giá phân loại cán bộ đảng viên và xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của đảng và kỉ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, trong đó, nghiêm cấm đảng viên làm những việc mà pháp luật không cho phép (Điều 1); khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về nghĩa vụ của công chức: "Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước". Như vậy, cán bộ, công chứcphải có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Căn cứ vào quyết định nêu trên, các cán bộ, đảng viên không chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của nhà nước sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật. Hiện nay chưa có văn bản thống nhất phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin về việc cán bộ đảng viên vi phạm hành chính về giao thông để cơ quan quản lý cán bộ xem xét xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật công chức, viên chức. Bởi vậy, trong thời gian tới cần phải có cơ chế phối hợp, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất đối với việc thông tin công khai về việc cán bộ, đảng viên không chấp hành luật lệ an toàn giao thông, vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có vi phạm nồng độ cồn.

Thời gian qua, không ít trường hợp cán bộ đảng viên vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có vi phạm nồng độ cồn dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng, việc các xe công vụ không thuộc trường hợp ưu tiên nhưng đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ xảy ra không ít. Những sự việc như vậy làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó,việc tăng cường các biện pháp quản lýquản lý để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm luật giao thông đường bộ là điều cần thiết. Cán bộ công chức viên chức phải là người chấp hành tốt pháp luật, gương mẫu để người dân làm theo phải thực hiện theo thì xã hội mới thực sự công bằng, văn minh, ổn định và phát triển.

DUY ANH

Thu thuế đối với chung cư mini: Vấn đề còn bỏ ngỏ

Bùi Thị Thanh Loan