/ Trao đổi - Ý kiến
/ Ý kiến trao đổi: 'Bàn về xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính đã hết thời hiệu khởi kiện'

Ý kiến trao đổi: 'Bàn về xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính đã hết thời hiệu khởi kiện'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Vụ án hành chính có quyết định hành chính hết thời hiệu khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại còn thời hiệu khởi kiện. Nếu người khởi kiện chỉ khởi kiện quyết định hành chính mà không khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Ảnh minh họa.

Tạp chí Luật sự Việt Nam có đăng bài: "Bàn về xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính đã hết thời hiệu khởi kiện” vào ngày 19/10/2020. Về vấn đề tác giả nêu, tôi xin được trao đổi như sau:

Tác giả cho rằng vướng mắc “Quyết định hành chính hết thời hiệu khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại còn thời hiệu khởi kiện, tuy nhiên người khởi kiện chỉ khởi kiện quyết định hành chính mà không khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp này Tòa án vẫn xem xét giải quyết hay đình chỉ vụ án do hết thời hiệu?” mà Tòa án nhân dân tối cao giải đáp tại mục 7 phần III Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 với nội dung “Tòa án vẫn xem xét mà không đình chỉ giải quyết vụ án” là chưa phù hợp quy định của Luật tố tụng hành chính về thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 116. Theo quan điểm của tác giả: Trong trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại vẫn còn thời hiệu khởi kiện nhưng người khởi kiện lại không khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà chỉ khởi kiện quyết định hành chính đã hết thời hiệu khởi kiện. Nên trong trường hợp này, Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án vì đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật tố tụng hành chính.

Qua nghiên cứu nội dung tại mục 7 phần III Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao và các quy định pháp luật có liên quan, tôi cho rằng giải đáp trên là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật. Bởi vì lý do sau: Tại điểm a khoản 3 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính có quy định:

“3. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai”.

Quy định này được hiểu là: Trường hợp đương sự thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng quy định pháp luật, tức là đương sự phải khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính… đúng thời hạn mà pháp luật cho phép được quyền khiếu nại và khiếu nại đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Nếu việc khiếu nại không thực hiện đúng quy định pháp luật thì không áp dụng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 116 Luật TTHC để tính thời hiệu khởi kiện.

Việc pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai là hoàn toàn hợp lý và đảm bảo tính công bằng về mặt mặt thời gian so với trường hợp đương sự không thực hiện quyền khiếu nại mà khởi kiện thẳng vụ án hành chính. Nghĩa là một khi có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính… mà đương sự cho rằng đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì họ có quyền lựa chọn hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án trong thời hạn 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính … Như quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính hoặc tiếp tục khiếu nại trong thời gian mà pháp luật cho phép.

Chính vì đương sự được quyền lựa chọn tiếp tục khiếu nại đến cơ quan người có thẩm quyền nên trong trường hợp đương sự có khiếu nại và phải chờ đợi kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan, người có thẩm quyền, thời hiệu khởi kiện phải là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Như vậy, suy cho cùng thời hạn khởi kiện vẫn là 01 năm, chỉ khác nhau về thời điểm bắt đầu tính thời gian khởi kiện. Và thời gian khởi kiện sẽ được bắt đầu tính khi nào là do đương sự lựa chọn và quyết định. Do đó, thời gian đương sự khiếu nại và chờ kết quả giải quyết khiếu nại sẽ không tính vào thời gian khởi kiện vụ án hành chính.

Theo quan điểm cá nhân tôi quy định như vậy là rất phù hợp. Cũng cần lưu ý rằng, quy định tại điểm a khoản 3 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính là áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính nói chung, tức là bao gồm thời hiệu khởi kiện trong trường hợp quyết định hành chính, hành vi hành chính… có khiếu nại và thời hiệu khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ thứ hai, chứ quy định này không phải áp dụng cho riêng trường hợp khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất, quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai.

Tóm lại, vụ án hành chính có quyết định hành chính hết thời hiệu khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại còn thời hiệu khởi kiện. Nếu người khởi kiện chỉ khởi kiện quyết định hành chính mà không khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Do đó, trường hợp này Tòa án vẫn xem xét giải quyết vụ án mà không được đình chỉ giải quyết vụ án.

Trên đây là ý kiến cá nhân xin trao đổi cùng bạn đọc.

DƯƠNG TẤN THANH
TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
/ban-ve-xac-dinh-thoi-hieu-khoi-kien-vu-an-hanh-chinh-doi-voi-quyet-dinh-hanh-chinh-da-het-thoi-hieu-khoi-kien.html?fbclid=IwAR2RV7Bgsp-XGDatuXJTYSoze595R1yM1qcic1DNjqcsPnyeuDHRmP4Uk-E