/ Luật sư - Bạn đọc
/ Ý nghĩa của việc khắc phục hậu quả trong giải quyết vụ án hình sự

Ý nghĩa của việc khắc phục hậu quả trong giải quyết vụ án hình sự

01/02/2024 19:11 |

(LSVN) - Thời gian qua, không ít cán bộ có chức vụ cao ở các địa phương bị phát hiện có vi phạm trong công tác quản lý, vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật, bị khởi tố về các tội phạm liên quan đến tham nhũng và chức vụ. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng và chức vụ thì hầu hết các bị cáo đều nhận thức được hành vi vi phạm của mình, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi Tòa án lượng hình.


Ảnh minh họa.

Việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thường đi liền với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Thêm vào đó, các bị can này thường sẽ có thêm các tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự nữa là gia đình có công với cách mạng và có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, làm việc. Vì vậy, khi xét xử, trường hợp xác định các bị cáo có tội thì các bị cáo này sẽ tới bốn tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó, đối với các tội phạm về chức vụ, tội phạm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì việc bồi thường khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự.

Việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả không chỉ có ý nghĩa trong việc giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, làm căn cứ để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị can, là cơ sở để cơ quan tố tụng cần nhắc áp dụng biện pháp ngăn chặn mà tình tiết này có thể làm cơ sở để chuyển khung hình phạt.

Điều 54 Bộ luật Hình sự quy định trong trường hợp có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự thì Tòa án có thể chuyển khung hình phạt sang khung khác nhẹ hơn. Thẩm quyền áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự để chuyển khung hình phạt liền kề nhẹ hơn do Hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở các quy định của pháp luật và kết quả điều tra truy tố xét xử vụ án này.

Vì vậy, những người có am hiểu về tố tụng hình sự sẽ đánh giá việc bồi thường khắc phục hậu quả của các bị can đây là hành động "khôn ngoan", một mũi tên trúng nhiều đích và sẽ có tác dụng lớn trong việc xem xét quyết định hình phạt thì tòa án lượng hình. Đây là động thái tích cực để cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá giữa công và tội, xem xét các tình tiết của vụ án, sớm làm sáng tỏ bản chất của vụ án và giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Bùi Thị Thanh Loan