/ Nghiên cứu - Trao đổi
/  Bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng từ góc độ pháp luật tại Việt Nam

 Bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng từ góc độ pháp luật tại Việt Nam

19/01/2024 06:53 |

(LSVN) - Cuộc sống đang dần thay đổi cùng với xu hướng phát triển của công nghệ, không gian sống đời thực được mở rộng lên không gian mạng. Bên cạnh đó, các thách thức về bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng cũng được đặt ra. Các vấn đề về tin giả, tin xấu độc, bảo mật dữ liệu cá nhân đã đặt ra các thách thức về an ninh con người. Bằng góc độ pháp luật, tác giả tiến hành đánh giá mức độ hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay trong việc bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, góp phần vào công cuộc bảo vệ an ninh con người trong bối cảnh chuyển đổi số.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng lần đầu tiên nhắc đến khi khai niệm an ninh con người. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định con người là mục tiêu, động lực của đổi mới và là chủ thể sáng tạo của xã hội nên vấn đề an ninh con người phải là vấn đề cốt lõi trong nhận thức và hành động thực tiễn. Kế thừa và phát huy, Nghị quyết Đại hội XIII đã tái khẳng định an ninh con người là nội dung của quản lý phát triển xã hội đồng thời cũng là một nội dung quan trọng của an ninh quốc gia gắn liền với việc thúc đẩy quyền con người.

Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng, không gian mạng đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng mang lại những thách thức mới liên quan đến an ninh và bảo vệ thông tin cá nhân. Pháp luật trở thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng.

Khái quát về an ninh con người trên không gian mạng

An ninh con người được hiểu là việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người trước những nguy cơ xâm hại, đe dọa... Nhờ việc được bảo vệ như vậy, mỗi cá nhân (nói riêng) và cộng đồng (nói chung) có được đời sống yên ổn và cơ hội phát triển. An ninh con người có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, an ninh con người mang tính chất phổ biến. Tuy ở các quốc gia có sự phát triển khác nhau (mạnh, yếu; giàu, nghèo; nước lớn hay nhỏ), có sự khác nhau về mức độ, tính chất các nguy cơ đe dọa tới an ninh con người ở nơi này, nơi khác song đó là thực tế và đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu.

Thứ hai, những yếu tố tạo thành, tác động, ảnh hưởng đến an ninh con người đều có mối tương liên, phụ thuộc, tác động chuyển hóa lẫn nhau. Con người với tư cách công dân của cộng đồng xã hội, dù sống trong không gian, thời gian nào đó nếu bị đe dọa bởi: đói nghèo, bệnh tật, ma túy, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh xung đột... thì phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, liên quan.

Thứ ba, các nguy cơ, yếu tố tác động tới an ninh con người cần phải được ngăn ngừa sớm, như là phòng hơn chống. Điều này đòi hỏi trách nhiệm và nghĩa vụ của cộng đồng, nhà nước - dân tộc, tổ chức quốc tế, khu vực và cả thế giới, thậm chí của từng gia đình, cá nhân trong việc phòng, chống nguy cơ đe dọa an ninh con người.

Thứ tư, an ninh con người đang được hầu hết các nhà nước - dân tộc xác định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực hay con người là trung tâm. An ninh thế giới, an ninh quốc gia, an ninh xã hội, an ninh cộng đồng và an ninh con người đều có quan hệ tương liên, suy cho cùng cũng là vì con người, do con người và cho con người [1]. An ninh con người và quyền con người có mối quan hệ mật thiết, tác động và hỗ trợ lẫn nhau. Về bản chất, việc bảo đảm bảy dạng an ninh con người cũng chính là bảo đảm các quyền con người tương ứng. Ngược lại, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người tương ứng cũng chính là nhằm thực hiện, bảo đảm bảy dạng an ninh con người. Thêm vào đó, cả an ninh con người và quyền con người đều hướng vào việc thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ và sự phát triển về thể chế trong các xã hội như là những điều kiện để bảo đảm an ninh và các quyền của con người một cách bền vững [2].

Cách mạng khoa học công nghệ đã đưa cuộc sống hằng ngày lên không gian mạng. Luật An ninh mạng năm 2018 đã định nghĩa “Không gian mạng” là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Không gian mạng có một số đặc điểm sau: (i) không gian mạng có phạm vi toàn cầu, không bị giới hạn về mặt không gian địa lý; (ii) khi tham gia vào không gian mạng, danh tính thực sự của người tham gia bị ẩn đi; (iii) không gian mạng còn có tính “mở” và tính tương tác cao tạo môi trường trao đổi, tiếp cận thông tin cởi mở.

Do đó, có thể định nghĩa an ninh con người trên không gian mạng là việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người trước những nguy cơ xâm hại, đe dọa trên mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu.

Thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, vấn đề an ninh con người đã được tái khẳng định và nhấn mạnh. Đặc biệt, việc bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng đang là một thách thức lớn tại Việt Nam. Tội phạm trên không gian mạng, các vấn đề về dữ liệu cá nhân và các quyền con người trên không gian mạng là những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh con người. Pháp luật Việt Nam đã cơ bản có khung pháp lý để bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng. Một số văn bản pháp luật điều chỉnh như:

Thứ nhất, Luật An ninh mạng năm 2018

Luật An ninh mạng được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, gồm 07 Chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt đọng bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật An ninh mạng năm 2018 xác định rõ các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh con người như: sử dụng mạng để thực hiện hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Luật An ninh mạng cũng yêu cầu các tổ chức và cá nhân có liên quan trong không gian mạng tuân thủ các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn và giải quyết các vụ vi phạm an ninh mạng. Đồng thời, luật này cũng quy định về việc báo cáo và xử lý các sự cố an ninh mạng.

Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 2015

Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tại mục 2 chương XXI. Trong đó, các quy định liên quan đến an ninh con người bao gồm Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288); Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290); Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291). Mức phạt cao nhất của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông là 20 năm tù (đối với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản). Bên cạnh đó, một số tội phạm khác liên quan đến an ninh con người trên không gian mạng như: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331)…

Thứ ba, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Trong bối cảnh chuyển đổi số, dữ liệu cá nhân nắm giữ một vai trò quan trọng trong thương mại điện tử, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi cá nhân khi tham gia vào không gian mạng. Sau một thời gian dài bỏ ngỏ việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định 13/2023/NĐ-CP ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định đã nêu rõ khái niệm dữ liệu cá nhân, phân loại dữ liệu cá nhân, quy trình xử lý dữ liệu, quyền, nghĩa vụ của người cung cấp và người nắm giữ, cơ quan chuyên trách.

Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định xử phạt hành chính khác nhằm bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng như Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin liên lạc điện tử.

Một xu hướng mà pháp luật Việt Nam đang thực hiện để bảo vệ an ninh con người là giới hạn một số quyền con người trên không gian mạng. Điển hình như việc giới hạn quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền tư do ngôn luận đưa các thông tin sai sự thật, xúc phạm đến danh dự, uy tín của người khác... Việc giới hạn quyền này phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và các văn kiện pháp lý quốc tế như: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948 (Điều 29), Công ước về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Điều 19)…

Bên cạnh đó, tình hình an toàn dữ liệu cá nhân trên không gian mạng cũng đáng báo động do quy định chuyên biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa mới ban hành.Theo Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an Nguyễn Minh Chính, thời gian qua, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan hành vi bán dữ liệu cá nhân, một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn tại Việt Nam đã bị đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép lớn nhất từng phát hiện lên gần 1.300 GB, với hàng tỉ dữ liệu cá nhân, trong đó nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm [3].

Vấn để bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng được quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Các quy định pháp luật dần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu từ thực tế cuộc sống. Các vấn đề về an ninh mạng, tội phạm trên không gian mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân được chú trọng.

Mức độ hoàn thiện quy định và hiệu quả thực thi pháp luật Việt Nam về bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng

Pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng. Tuy nhiên, mức độ hoàn thiện các quy định và hiệu quả áp dụng pháp luật còn một số hạn chế.

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam khả năng thích ứng chậm do công nghệ phát triển nhanh chóng và tình hình an ninh thay đổi liên tục trên mạng, các quy định pháp lý thường mất thời gian để được cập nhật và thi hành. Điều này có thể tạo ra một khoảng trống trong việc bảo vệ mạng và dữ liệu của người dùng. Điển hình như tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sử dụng phương pháp liệt kê các hành vi phạm tội tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Các hình thức phạm tội ngày càng phát triển tinh vi, xảo quyệt và khó lường. Mặt khác, để ban hành một văn bản pháp luật mới, mất rất nhiều thời gian để thực hiện theo quy trình nhất định và luật cũng không thể nào thay đổi quá nhiều trong một khoảng thời gian nhất định. Sự thay đổi của pháp luật cần phải có đủ thời gian để người dân nắm bắt luật, hiểu luật và tuân theo pháp luật. Như vậy, pháp luật mới thực hiện được sứ mệnh vốn có của mình. Do đó, việc xây dựng quy định pháp luật theo kĩ thuật liệt kê như vậy không thể theo kịp được thời đại, không liệt kê được toàn bộ hành vi phạm tội; từ đó có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, định tội danh sai, không đúng với ý chí của nhà làm luật [4].

Thứ hai, quy tắc và quy định về an ninh mạng thường được áp dụng tại cấp quốc gia tùy thuộc đặc điểm của thể chế chính trị, văn hóa, xã hội. Điều này dẫn đến sự không thống nhất và khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trái phép trên mạng. Hiện nay, việc áp dụng quy định về an ninh mạng đối với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, khả năng thực thi pháp luật vẫn còn hạn chế do sự phức tạp và đa dạng của các hành vi tấn công trên không gian mạng. Đồng thời các công nghệ mới liên tục được phát triển, khiến cho việc xác định và truy cứu những người vi phạm trở nên khó khăn.

Thứ tư, quy định về bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng chưa được chi tiết và rõ ràng. Quy định về việc giới hạn quyền để bảo đảm an ninh con người chỉ mới được ghi nhận tại Hiến pháp, chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật khác khiến việt thực hiện gặp vướng mắc, nguy cơ lạm dụng từ các cơ quan chức năng làm hạn chế quyền con người.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng

Để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng, có một số giải pháp quan trọng cần được áp dụng. Dưới đây là một số khía cạnh cần xem xét:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định rõ ràng và chi tiết liên quan đến bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng bao gồm việc ban hành các quy định về giới hạn quyền con người nhằm bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng, tăng cường tính răng đe của hình phạt hành chính, sửa đổi pháp luật hình sự để đáp ứng thực tiễn phát triển của công nghệ…

Thứ hai, nâng cao nhận thức cộng đồng về an ninh con người trên không gian mạng. Cần tổ chức các khóa học, buổi hội thảo và chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về các mối đe dọa an ninh trực tuyến và biện pháp bảo vệ cá nhân trước các hành vi xâm phạm an ninh con người trên không gian mạng.

Thứ ba, tăng cường giải pháp công nghệ, xây dựng những nền tảng mạng xã hội quốc gia để việc bảo vệ an ninh con người được thực hiện một cách tối ưu nhất, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật Việt Nam.

Thứ tư, đào tạo nhân lực chất lượng cao về an ninh mạng góp phần thực hiện hiệu quả việc phát hiện, ngăn chặn và đối phó với các cuộc tấn công mạng.

Kỷ nguyên số đã đưa con người từ môi trường truyền thống lên không gian mạng kéo theo các vấn đề về an ninh con người được đặt ra. Bài viết đã nêu ra thực trạng pháp luật của Việt Nam và xu hướng thực hiện việc bảo vệ an ninh con người trên không gian mạng, đánh giá mức độ hoàn thiện và đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng khung pháp lý vững chắc, góp phần bảo đảm an ninh con người trên không gian mạng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII./.

 

============

[1] Trần Việt Hà, An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Tr. 24-25, 2020.

[2] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, (2011), Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[3] https://lsvn.vn/phat-hien-gan-1-300-gb-voi-hang-ti-du-lieu-ca-nhan-bi-thu-thap-mua-ban-trai-phep-1686148396.html, truy cập ngày 15/10/2023.

[4] https://www.tapchitoaan.vn/lua-dao-chiem-doat-tai-san-tren-khong-gian-mang-thuc-trang-va-giai-phap9284.html, truy cập ngày 12/10/2023.

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  [1] Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.

  [2] Trần Việt Hà, An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020.

  [3] Phạm Thị Thanh, “An ninh con người - những khía cạnh pháp lý quốc tế và thực tiễn Việt Nam”, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2022.

 BÙI LÊ HIẾU

Học viện Tòa án

Nguyễn Mỹ Linh