/ Thư viện pháp luật
/ Án lệ là gì?

Án lệ là gì?

12/06/2024 15:12 |

(LSVN) - Bài viết tìm hiểu những định nghĩa khác nhau về án lệ và so sánh với định nghĩa về án lệ của Việt Nam.

Ảnh minh họa.

1. Những định nghĩa về án lệ

Khái niệm về án lệ ở nước Anh và Australia: Trải qua nhiều thế kỷ, ở nước Anh đã hình thành truyền thống quan trọng là khi xét xử, các thẩm phán phải tuân theo các quyết định của các vụ án đã xét xử, theo đó phần nhận định hay là lý do đưa ra quyết định về vụ án hay còn được gọi là nguyên tắc pháp lý trong bản án  được coi là chính thức bắt buộc đối với các vụ việc nảy sinh sau. Đây có thể coi là khái niệm về án lệ theo nghĩa hẹp(1).

Tương tự như vậy, ở Australia, một nguyên tắc luật pháp được thẩm phán đưa ra trong một vụ kiện nhất định mà sau đó có thể áp dụng cho những vụ kiện tương tự khác, được coi là “án lệ“(2).

Cũng cần nói thêm rằng ở nước Anh và Australia, chỉ “án lệ“ của Tòa án cấp cao nhất mới bắt buộc các Tòa án cấp dưới tuân theo.

Ở Pháp, GS. luật dân sự nổi tiếng G.Cornu (1926-2007) định nghĩa án lệ theo nghĩa hẹp "là một tổng thể các giải pháp được nêu trong các bản án, quyết định của tòa án trong việc thực thi pháp luật (nhất là giải thích luật trong trường hợp quy định của luật không rõ ràng) hoặc tạo ra pháp luật (trong trường hợp cần bổ sung hoặc thay thế một quy định”.

Theo như định nghĩa trên, phần nêu các căn cứ trình bày lập luận mà hội đồng xét xử đưa ra quyết định về vụ án và có thể được áp dụng trong tương lai mới được coi là án lệ. Và chỉ có án lệ của Tòa án (Tòa án cao nhất trong hệ thống Tòa án thẩm quyền chung) và của Tham chính viện (Tòa án hành chính tối cao) mới có tính ràng buộc đối với các Tòa án cấp dưới(3).

Tại Nhật Bản, theo nghĩa hẹp, ”án lệ“ là luận điểm để đưa ra phán quyết về vụ án, luận điểm này phải là mệnh đề chung có thể áp dụng cho việc giải quyết những vụ án khác. Án lệ của Tòa án Tối cao có tính ràng buộc đối với các Tòa án cấp dưới(4).

Ở Hàn Quốc, thông thường thuật ngữ “án lệ“ có nghĩa là nhận định pháp luật mang tính chung, phổ biến, được thể hiện tại phần căn cứ đưa ra phán quyết của bản án của Tòa án Tối cao(5).

Khái niệm về án lệ ở nước ta được Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định như sau: ”Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử“.

So sánh với những khái niệm về án lệ được nêu ở trên, khái niệm về án lệ ở nước ta ngoài việc chỉ ra là “những lập luận“ còn nêu những “phán quyết“. Vậy, “phán quyết“ có nghĩa là gì? Thiết nghĩ đây là khẩu ngữ để chỉ “quyết định“ trong bản án, không phải là một thuật ngữ để chỉ ra án lệ. Một vấn đề khác nữa là “những lập luận, phán quyết“ này phải được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố mới được coi là án lệ. Đây là một đặc điểm rất khác biệt của định nghĩa về án lệ của nước ta so với định nghĩa về án lệ trên thế giới. 

2. Về lập luận, nguyên tắc pháp lý là án lệ

Khi đưa ra những lập luận, những nguyên tắc pháp lý làm căn cứ cho quyết định về vụ án tạo thành án lệ, Thẩm phán cần xác định phạm vi của án lệ. Nếu lập luận rộng thì có giá trị án lệ lớn hơn, rộng hơn (bao hàm nhiều vụ án tương tự trong tương lai áp dụng). Nếu lập luận hẹp thì giá trị án lệ nhỏ hơn. Xin nêu hai ví dụ minh họa dưới đây:

Ví dụ 1: Vụ án giữa Công ty South Staffordshire Water và Sharman, nguyên đơn là người chủ và có một mảnh đất trong đó có một bể bơi, bị đơn là một công nhân được thuê để lau dọn bể bơi. Trong khi thực hiện công việc của mình, người công nhân phát hiện ra hai chiếc nhẫn có giá trị bị lẫn trong bùn ở dưới đáy bể. Không ai biết ai là người chủ của những chiếc nhẫn này và người chủ kiện người công nhân để đòi lại hai chiếc nhẫn. Một phiên tòa thuộc Tòa án Công lý Tối cao của Anh và xứ Wales đã xử nguyên đơn thắng kiện vì:

Theo pháp luật của chúng ta, nhìn chung quyền sở hữu đất đai kéo theo quyền sở hữu những tài sản gắn liền với hoặc nằm dưới đất đai, hoặc trong các trường hợp khác không có từ ngữ để diễn đạt một cách phù hợp thì cũng kéo theo quyền sở hữu những tài sản này.

Trong vụ án này, tình tiết nguyên đơn là chủ sử dụng lao động của bị đơn đã bị bỏ qua, nếu tình tiết này được xem xét thì phán quyết nguyên đơn thắng kiện có thể đã được đưa ra căn cứ trên một nguyên tắc khác, đó là người phát hiện ra tài sản là người có quyền được sở hữu tài sản đó ngoại trừ trường hợp có người chủ sở hữu thực sự của tài sản được phát hiện, một người làm thuê phát hiện ra tài sản trong quá trình làm việc cho người chủ thì tài sản đó được xem là tài sản của người chủ lao động(6).

Chúng ta thấy, nếu lập luận theo tình tiết này, thì phạm vi của án lệ sẽ hẹp hơn so với lập luận đầu.

Ví dụ 2: Vụ án đòi bồi thường tổn hại tinh thần giữa B. và C.: Cô A. sinh viên đại học năm thứ nhất, 18 tuổi (chưa thành niên theo luật của Nhật Bản), đính hôn với B. sinh viên đại học năm thứ tư, 21 tuổi. B. hiện vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ, trong tương lai gần chưa có việc làm ổn định và cũng không có cách tự kiếm sống nào khác. B. bị đánh giá thuộc mẫu đàn ông trăng hoa, bị đa số bạn học biết việc trong cùng một thời điểm đang sống chung với cô gái này nhưng lại có quan hệ thân thiết với một cô gái khác. C. là bố cô A. đã thuyết phục cô hủy bỏ hôn ước với B. và đã thành công. Vì vậy, B. đã nộp đơn khiếu nại yêu cầu C. bồi thường tổn hại tinh thần. Tòa án ở Nhật Bản đã phán quyết hành vi của C. không trái pháp luật và bác bỏ yêu cầu của B. với lập luận rằng: “Trường hợp để tránh cho con cái chưa đến tuổi thành niên kết hôn sớm, nếu cha mẹ chúng thực hiện hành vi hủy hôn với đối tượng đính hôn mà họ cho là không phù hợp với con họ thì không trái luật, không phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất đối với đối tượng đã đính hôn với con mình“(7).

Có thể thấy lập luận này là có giới hạn vừa đủ, tạo thành mệnh đề có thể áp dụng cho những vụ án tương tự về sau. Nhưng nếu đưa những tình tiết như “đang sống phụ thuộc vào bố mẹ“… để lập luận thì phạm vi quá hẹp sẽ không tạo thành được án lệ. Tuy nhiên, nếu lập luận rằng “bố mẹ có thực hiện việc hủy bỏ hôn ước của con cái đi nữa thì cũng không trái luật và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tinh thần của bên được hứa hôn“; thì phạm vi của án lệ sẽ quá rộng.

Qua hai ví dụ nêu trên, chúng ta thấy việc Thẩm phán lập luận để đưa ra quyết định của vụ án có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành án lệ cũng như xác định phạm vi của án lệ.

Về những án lệ được TAND Tối cao nước ta công bố, cho thấy phần nhận định của bản án (quyết định giám đốc thẩm) không thể hiện rõ những lập luận tạo thành án lệ. Nhưng ở mỗi án lệ được đăng tải đều có hai mục “Khái quát nội dung của án lệ“ và "Nội dung án lệ“, hai mục này đều do những người tham gia tuyển chọn và biên tập viết. Theo Công văn số 146/TANDTC-PC ngày 11/7/2017 về việc “Viện dẫn, áp dụng án lệ trong xét xử“, thì có thể hiểu mục “Khái quát nội dung của án lệ“ chính là án lệ. Công văn cũng nêu rõ, trường hợp áp dụng án lệ thì phần này phải được “viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án“; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn nguyên văn những nội dung hạt nhân của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc tương tự“. Để làm rõ hướng dẫn này, Công văn đã nêu ví dụ viện dẫn nguyên văn mục “Khái quát nội dung của án lệ“ của Án lệ số 07/2016/AL.

Như vậy, án lệ ở nước ta không được thể hiện rõ ở phần “Nhận định của Tòa án“ do Thẩm phán trực tiếp xét xử viết ra, mà lại nằm ở mục “Khái quát nội dung của án lệ“ do những người khác viết ra và được đăng tải khi công bố án lệ. Có thể thấy đây là đặc thù rất riêng biệt của án lệ của nước ta.

Chú thích :

1. Tiền lệ pháp trong hệ thống pháp luật Anh, Nxb Clarendon Press – OXFORD, tái bản lần thứ 4-2004; Án lệ và pháp luật (Báo cáo cho Đại hội lần thứ 17 của Học viện luật so sánh quốc tế), Nxb Bruylant Bruxelles, 2007.

2. Viện KHXX-TAND Tối cao – Tạp chí khoa học xét xử số 5/2003.

3. Chương trình đối tác tư pháp, TAND Tối cao –Tài liệu hội thảo về viết bản án,  Tháng 12/2013.

4. Tài liệu tọa đàm về xây dựng án lệ (phối hợp với JICA) 20/02/2004.

NGÔ CƯỜNG

Thế nào là khám, chữa bệnh đúng tuyến?

Nguyễn Hoàng Lâm