Bàn về vấn đề miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của CISG

16/10/2023 22:59 | 7 tháng trước

(LSVN) - Trong những năm vừa qua, dưới sự phát triển của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật hiện đại, thương mại quốc tế đã trở thành một lĩnh vực quan trọng, tạo điều kiện cho các nước tham gia phát triển kinh tế. Thương mại quốc tế ngày nay không chỉ mang ý nghĩa đơn giản là buôn bán mà nó còn thể hiện sự phụ thuộc của các quốc gia và sự phân công lao động quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu, trao đổi thì giữa các chủ thể còn gặp những khó khăn dẫn đến hiệu quả chưa cao và thậm chí là việc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ. Vì vậy, bài viết này sẽ cung cấp các quy định có liên quan và thực tiễn giải quyết hiện nay về vấn đề miễn trách nhiệm trong hợp đồng khi mua bán hàng hoá quốc tế.

Ảnh minh họa.

Miễn trách nhiệm hợp đồng theo Công ước Viên 1980 (CISG) được quy định tại Điều 79 như sau:

1. Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục các hậu quả của nó.

2. Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp:

a. Ðược miễn trách nhiệm chiếu theo quy định của khoản trên, và.

b. Nếu người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu các quy định của khoản trên được áp dụng cho họ.

3. Sự miễn trách được quy định tại điều này chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó.

4. Bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình thì phải báo cáo cho bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ. Nếu thông báo không tới tay bên kia trong một thời hạn hợp lý từ khi bên không thực hiện nghĩa vụ đã biết hay đáng lẽ phải biết về trở ngại đó thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do việc bên kia không nhận được thông báo.

5. Các sự quy định của điều này không cản trở từng bên được sử dụng mọi quyền khác ngoài quyền được bồi thường thiệt hại chiếu theo Công ước này.

Ngoài ra, Điều 80 CISG cũng có quy định: “Một bên không được viện dẫn một sự không thực hiện nghĩa vụ của bên kia trong chừng mực mà sự không thực hiện nghĩa vụ đó là do chính những hành vi hay sơ suất của chính họ”.

Từ các quy định trên, có thể nhận thấy được các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xảy ra khi:

Thứ nhất, miễn trách nhiệm trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng khi gặp trở ngại. 

Một sự kiện muốn thỏa mãn dấu hiệu này cần thỏa mãn ba điều kiện là phải xảy ra khách quan không phụ thuộc vào ý chí của bên vi phạm; không có lỗi của bên vi phạm gây ra trở ngại này; trở ngại phải hoàn toàn vượt khỏi phạm vi ảnh hưởng của họ hoặc phạm vi trách nhiệm của họ có thể là các hiện tượng tự nhiên như sóng thần, động đất, núi lửa hoặc có thể là những sự kiện do con người tạo ra như đình công, bạo loạn, chiến tranh. Những sự kiện này phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc bên vi phạm không thể thực hiện nghĩa vụ của mình, không thể lường trước được trong quá trình giao kết hợp đồng và không thể tránh được, khắc phục được hậu quả khi nó xảy ra.

Thứ hai, miễn trách nhiệm do lỗi của bên bị vi phạm khi nguyên nhân của việc vi phạm đó do những hành vi hay sơ suất của chính bên bị vi phạm. Nói cách khác, bên vi phạm sẽ mất quyền yêu cầu bên vi phạm chịu trách nhiệm về việc không thực hiện nghĩa vụ của mình nếu như việc không thực hiện đó xuất phát từ chính những hành vi và sơ suất của bên bị vi phạm.

Thứ ba, thoả thuận giữa các bên về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trên cơ sở tự do thể hiện ý chí, các bên có quyền thỏa thuận mọi vấn đề có liên quan đến điều kiện của hợp đồng nhằm ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên với nhau, nếu thỏa thuận đó không trái với các quy định của pháp luật, trong đó có cả vấn đề loại trừ trách nhiệm khi có sự vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ trong những trường hợp nhất định.

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp liên quan đến miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế như sau: “Tranh chấp xảy ra giữa một công ty Pháp (người bán) và một công ty Hà Lan (người mua). Người bán và người mua ký kết với nhau một số hợp đồng mua bán ống thép, trong đó không có điều khoản quy định về điều chỉnh giá. Sau khi ký kết hợp đồng và trước khi giao hàng, giá thép bất ngờ tăng lên 70%. Người bán cố gắng thương lượng một giá bán cao hơn nhưng người mua nhất quyết từ chối và yêu cầu được giao hàng với giá bán đã thống nhất theo hợp đồng được ký kết. Người bán không giao hàng, do đó người mua khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền của Bỉ. Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói trên là Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG)”.

Trải qua quá trình xét xử ở các Toà án khác nhau thì Tòa Phá án (Tòa Tối cao) cho rằng khi một bên trong hợp đồng chịu một sự thay đổi về hoàn cảnh khiến sự cân bằng vị thế giữa các bên bị đảo lộn cơ bản thì bên đó có quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng. Từ đó, Tòa Phá án nhận định giá thép tăng là sự kiện không thể lường trước, là sự thay đổi về hoàn cảnh mà trong đó việc tiếp tục thực hiện hợp đồng với điều kiện hiện tại sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người bán. Tòa ra phán quyết yêu cầu các bên đàm phán lại hợp đồng trên tinh thần thiện chí.

Từ vụ án tranh chấp nêu trên, chúng ta thấy được phán quyết của Tòa Phá án Bỉ đã thiết lập một nền tảng quan trọng cho việc áp dụng các nguyên tắc của luật thương mại quốc tế đối với những tình huống không được điều chỉnh trực tiếp bởi CISG, cụ thể là các nguyên tắc dựa trên quy định của Nguyên tắc UNIDROIT. Tuy nhiên, phán quyết này cũng chỉ mang tính chất đơn lẻ, một vụ việc tương tự sẽ được giải quyết ra sao trong thực tế phụ thuộc rất nhiều vào các tình tiết khách quan của vụ việc đó.

Đặc biệt lưu ý là trong hệ thống thông luật, học thuyết về “khó khăn kinh tế” hầu như rất kém phát triển. Ngoại trừ Hoa Kỳ đã chấp nhận học thuyết về “tính không thể thực hiện” và đưa vào Bộ luật Thương mại thống nhất tuy việc áp dụng trong thực tiễn còn rất hạn chế. Ngoài ra, hệ thống thông luật không ghi nhận việc hủy bỏ hoặc điều chỉnh hợp đồng vì lý do khó khăn khi thực hiện nên các bên cần lưu ý, dự liệu nếu có khả năng luật nội địa của một nước thông luật được áp dụng để giải quyết vấn đề này.

Vì vậy, bài học cần rút ra là các bên trong hợp đồng, nhất là bên bán, nên lưu ý xem xét thương lượng một điều khoản cho phép điều chỉnh giá bán của hợp đồng trong trường hợp có biến động đột ngột, không thể lường trước của thị trường, đồng thời quy định rõ các tiêu chí và cơ chế cụ thể để xác định điều chỉnh giá bán.

Việc quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng trong mua bán hàng hóa quốc tế ngày nay là vô cùng cần thiết và quan trọng. Chính vì vậy mà pháp luật quốc tế cụ thể là CISG quy định cụ thể để cơ quan tài phán quốc tế có cái nhìn công tâm, đưa ra phán quyết hợp lý và công bằng cho các bên khi tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa quốc tế. Pháp luật quốc tế, và luật pháp quốc gia cần phải hoàn thiện hơn nữa để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế. 

Nhìn chung, hiện nay quá trình thực hiện nghĩa vụ của các bên trong quá trình mua bán hàng hóa quốc tế đã thực hiện theo đúng quy định, song cần phải có những vụ án như trên là cơ sở tiền đề để ngày một đưa pháp luật quốc tế đến với sự hài hòa và chặt chẽ hơn nữa.

PHẠM VĂN PHƯƠNG

Toà án quân sự Quân khu 7

Một số đánh giá về việc xử lý kỷ luật lao động