/ Nghề Luật sư
/ Bạch Đằng Giang: Địa danh giáo dục truyền thống yêu nước sâu sắc

Bạch Đằng Giang: Địa danh giáo dục truyền thống yêu nước sâu sắc

29/02/2024 20:06 |

(LSVN) - Trong không khí của những ngày đầu xuân năm mới Giáp Thìn, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có chuyến thăm, chiêm bái tại Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang và Bãi cọc Cao Quỳ (TP. Hải Phòng) - những địa danh nổi tiếng với 03 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta.

Tập thể Ban lãnh đạo cùng cán bộ, nhân viên Tạp chí Luật sư Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài 03 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo trên quảng trường Chiến thắng, Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Dẫn đầu Đoàn có Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam; Nhà báo Trần Mạnh Quyết, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam và các cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Đoàn đã đến thăm, chiêm bái các địa điểm thuộc Khu Di tích Bạch Đằng Giang, gồm: Đền Bạch Đằng Giang thờ Đức Vương Ngô Quyền, Đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ Đức Vua Lê Đại Hành, Linh từ Tràng Kênh thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Chiến thắng…

Khu di tích lịch sự quốc gia Bạch Đằng Giang là một địa danh lịch sử nổi tiếng nằm trên thế đất tựa sơn, phía trước có thiên nhiên hùng vĩ là sông, biển, đồi núi, đồng bằng.

Đây là địa danh nổi tiếng với 03 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc đã lập nên những chiến thắng ngoại xâm vang dội trên dòng sông lịch sử, chính quyền và người dân đã xây dựng khu di tích Bạch Đằng Giang - một quần thể kiến trúc quy mô bề thế, khang trang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh.

Khu di tích lịch sự quốc gia Bạch Đằng Giang cũng là vùng đất lưu giữ di chỉ của người Việt cổ, nơi giao thoa văn hóa của người miền núi ở cánh cung Đông Triều với người miền biển của văn hóa Hạ Long của các bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt. Từ trước công nguyên đến thời Bắc thuộc, Núi Tràng Kênh - Sông Bạch Đằng án ngữ con đường xâm lăng duy nhất về phương Nam của các thế lực Phương Bắc. Nơi đây, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13 diễn ra 3 trận quyết chiến chiến lược, cả 03 lần đều dùng trận địa cọc, cả 03 lần đều chỉ xảy ra trong 01 ngày, 01 con nước sáng lên chiều xuống và tiêu diệt gọn quân thù, bắt sống giặc, chém chết chủ tướng, làm quân thù Nam Hán, Đại Tống, Nguyên Mông đều bạt vía kinh hồn.

Ban Lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, nhân viên thăm quan di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng).

Cùng với địa danh Bạch Đằng, bãi cọc Cao Quỳ là nơi lưu giữ hiện vật của những trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc. Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, các nhà khảo cổ cùng nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân Hải Phòng đã tổ chức khai quật, bảo quản nhiều hiện vật là các cọc gỗ, cụm gỗ, đồ gốm có giá trị lịch sử...

Thạc sĩ, Nhà báo Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam cùng tập thể cán bộ nhân viên thăm quan nhà trưng bày các hiện vật bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng).

Từ kết quả khai quật cổ học, kết quả xác định niên đại tuyệt đối mẫu cọc gỗ phát hiện được, cùng với các nguồn tư liệu lịch sử, các nhà khoa học bước đầu cho rằng di tích bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần.

Trận địa này được dùng để chặn giặc không cho chúng tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng. Toàn bộ binh thuyền của quân giặc phải theo sông Đá Bạc để tiến xuống sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa mai phục của ta ở vùng cửa sông Bạch Đằng - nơi được chọn làm trận địa quyết chiến, chặn đứng và tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy trên đường rút chạy.

Toàn cảnh buổi thăm quan của Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ 3, sau một thời gian ngắn dốc lực “đánh nhanh thắng nhanh”, đến đầu tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan không còn con đường nào khác phải rời bỏ Thăng Long chuyển quân về căn cứ phòng thủ Vạn Kiếp. Rồi từ đây, lấy danh nghĩa “bảo toàn lực lượng”, Thoát Hoan quyết định chia làm 2 đạo quân theo 2 đường thủy bộ rút về Trung Quốc. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã bố trí lực lượng quân đội phối hợp với dân binh địa phương đánh địch trên suốt đường rút lui từ Vạn Kiếp đến Bạch Đằng…

Tập thể Ban lãnh đạo cùng cán bộ, nhân viên Tạp chí Luật sư Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại di tích bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng).

Viếng thăm, chiêm bái tại Khu di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang và Bãi cọc Cao Quỳ, đã giúp cho cán bộ, nhân viên Tạp chí Luật sư Việt Nam hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Qua đó, khắc sâu đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với công lao các vị anh hùng đã đấu tranh bảo vệ non sông đất nước.

MỸ LINH – HOÀNG LÂM

15 năm hình thành và phát triển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Những kỷ niệm ấm áp trong ngôi nhà chung của đội ngũ Luật sư

Nguyễn Hoàng Lâm