Ảnh minh họa.
Ngày 21/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Một trong các vấn đề nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến là 12 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Khiển trách, xin lỗi bị hại, bồi thường thiệt hại, tham gia chương trình học tập, dạy nghề, tham gia điều trị và tư vấn tâm lý, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới, hạn chế khung giờ đi lại, cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến phạm tội mới, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, quản thúc tại gia đình, giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Đa phần các Đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng song đề nghị cân nhắc kỹ về tính khả thi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, có 03 biện pháp cần cân nhắc rất kỹ về tính khả thi như: Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới...
Đại biểu cho rằng, những biện pháp này nghe thì hợp lý nhưng thực tế để đi vào thực hiện hiệu quả thì vô cùng khó khăn.
Bởi chúng ta không thể có nhân lực để hàng ngày, hàng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu, đi vào những khung giờ nào của những người chưa thành niên.
Trong khi các biện pháp này, theo quy định của dự thảo Luật có thời gian áp dụng ít nhất là ba tháng cho tới một năm.
Để có tính khả thi và hiệu quả, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần phải quy định rất rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội.
Góp ý cùng vấn đề, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) cũng cho rằng, cần có đánh giá, làm sáng tỏ hơn tính khả thi, nguồn lực (nhân lực, kinh phí trang bị..) để thực hiện các biện pháp cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại, quản thúc tại gia đình, cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội.
Bởi theo Đại biểu, chắc chắn chúng ta không thể cử người giám sát thi hành hoặc trong trường hợp gia đình không phối hợp hoặc không có khả năng phối hợp, mà phải lắp đặt các thiết bị giám sát để theo dõi trong suốt thời gian thực hiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Ngoài ra, các Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phải quy định rõ những trường hợp áp dụng xử lý chuyển hướng là thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, bởi người chưa thành niên tâm lý còn chưa vững vàng, trong khi cộng đồng có thể là nơi đông người.
Như vậy sẽ có sự dòm ngó, tò mò, kỳ thị, thậm chí bị quay clip, chụp ảnh tung lên mạng xã hội, trong khi chúng ta không thể kiểm soát, ngăn cấm việc này. Khi đó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho tâm lý của các em (xấu hổ, tủi hờn, bức xúc...).
Trong trường hợp đó, biện pháp này không có hiệu quả răn đe, không làm cho các em hối cải, mà còn có thể gây nên những hệ quả ngược lại.
Quan tâm đến các biện pháp xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) đề nghị bổ sung nhóm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là đối tượng được áp dụng biện pháp này.
Theo đó, dự thảo Luật chỉ quy định những người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mới thuộc trường hợp được áp dụng 12 biện pháp xử lý chuyển hướng. Nếu dự thảo luật bỏ sót đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là không chặt chẽ.
Giải trình làm rõ những băn khoăn về quy định chuyển hướng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, với việc mở rộng độ tuổi đến 12-14 tuổi, Chánh án TAND Tối cao cho rằng, theo Luật Hình sự hiện hành thì 12 đến 14 tuổi là không phải tội phạm, phạm việc gì cũng không phải là tội phạm.
Theo Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, trong quy định chuyển hướng, một trong những điều kiện để thực hiện là phải tự nguyện.
Mục tiêu của xử lý chuyển hướng là các cháu phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa chứ không có ép buộc. Các cháu đứng trước 02 sự lựa chọn, một là đã tình nghi phạm tội rồi đang bị buộc tội hoặc đồng ý xử lý chuyển hướng; hai là đồng ý điều tra truy tố xét xử thông thường và ra tòa. Tôi tin cả phụ huynh, cả các cháu đều lựa chọn phương án xử lý chuyển hướng.
Việc cho phép chuyển hướng là cơ hội xã hội, luật pháp đưa ra. Nếu như các cháu không tự nguyện sửa chữa khuyết điểm thì kích hoạt quy trình điều tra truy tố xét xử thông thường.
Về việc cấm đến địa điểm và tiếp xúc với người có nguy cơ phạm tội mới, chánh án cho rằng sẽ phải làm rõ cấm như thế nào, cấm khung giờ nào, phụ thuộc vào vi phạm của các cháu.
Theo Chánh án TAND Tối cao, nếu các cháu vi phạm hay ăn cắp ở siêu thị thì cấm các cháu đến siêu thị. Nếu các cháu vi phạm xâm hại tình dục trẻ em thì cấm các cháu đến nơi có các cháu nhỏ là trẻ em. Nếu các cháu vi phạm ma túy thì cấm các cháu đến các địa điểm phức tạp về ma túy, vũ trường hay tiếp xúc với các đối tượng như vậy.
Đồng thời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, điều này phụ thuộc vào hành vi của các cháu, cho nên không thể nói được là cấm gì.
MINH TRẦN (t/h)
Dự kiến tháng 9/2024 sẽ sắp xếp 140 đơn vị hành chính huyện, xã