Ảnh minh họa.
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là trình tự, thủ tục giải quyết việc yêu bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Hành vi phạm tội xảy ra không chỉ xâm hại đến những quan hệ do pháp luật hình sự bảo vệ mà còn xâm hại đến các quan hệ dân sự nên có hai loại trách nhiệm được đặt ra khi giải quyết vụ án hình sự, đó là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có thể là: Đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt, đòi bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị hủy hoại, bị làm hư hỏng, buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng, đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản…; chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm…
Để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tại Điều 30 BLTTHS hiện hành đã quy định nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự như sau: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một vấn đề rất quan trọng trong giải quyết mọi vụ án hình sự và đã được BLTTHS hiện hành quy định cụ thể, tuy nhiên khi giải quyết vấn đề này trong thực tiễn các vụ án hình sự còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định.
1. Khó khăn, vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, về trách nhiệm thu thập chứng cứ chứng minh vấn đề dân sự trong vụ án hình sự: Trong vụ án dân sự thông thường, về nguyên tắc thì nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình thuộc trách nhiệm của đương sự, trách nhiệm của bên khởi kiện. Tuy nhiên, vấn đề dân sự phát sinh khi có hành vi phạm tội xảy ra được giải quyết trong vụ án hình sự phải tuân theo các nguyên tắc của tố tụng hình sự và áp dụng các quy định của BLTTHS hiện hành, do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án bao gồm cả việc điều tra, thu thập chứng cứ để làm rõ về phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự, đây chính là điểm khác của giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự so với giải quyết vụ án dân sự thông thường.
Trường hợp các đương sự không cung cấp được chứng cứ về vấn đề dân sự mà những vấn đề dân sự này có liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải điều tra, làm rõ, chứng minh những thiệt hại đã xảy ra, trên cơ sở đó, xác định được mức bồi thường thiệt hại. Như vậy, ngoài việc phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án. Trên thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng thường chỉ tập trung thu thập các chứng cứ, tài liệu phục vụ cho việc chứng minh tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi đó việc thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh phục vụ cho việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cũng rất quan trọng nhưng lại ít được quan tâm. Do đó, sẽ phát sinh những thiếu sót có thể kể đến như xác định năng lực bồi thường thiệt hại, căn cứ phát sinh trách nhiệm, nguồn gốc tài sản dùng để bồi thường thiệt hại,… Từ đó, có trường hợp Toà án phải trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung từ đó mới có căn cứ để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hoặc Toà phải phải tự mình xác minh, thu thập chứng cứ trong việc giải quyết vấn đề dân sự.
Một số vụ án trên thực tiễn do làm không tốt việc xác minh, thu thập đối với nguồn gốc tài sản dùng để bồi thường thiệt hại đã làm phát sinh kháng cáo, kháng nghị dẫn tới huỷ án. Trong nghiên cứu các vụ án thực tiễn, tác giả thấy rằng mặc dù pháp luật hình sự quy định việc giải quyết vấn đề dân sự phải luôn song hành cùng việc giải quyết vấn đề hình sự, tuy nhiên trong vụ án mà tại phiên toà hai bên có thoả thuận với nhau trong việc bồi thường thiệt hại và Toà án cấp sơ thẩm ghi nhận thoả thuận tự nguyện bồi thường đó, tuy nhiên bị hại sau đó phát hiện bị cáo lừa dối bị hại trong việc bồi thường thiệt hại, hứa sang nhượng cho bị hại một tài sản không có thật, bị hại đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Vậy trong trường hợp này phải giải quyết vụ án theo hướng cấp phúc thẩm huỷ phần bản án sơ thẩm này để điều tra lại về phần này với căn cứ là bị cáo tiếp tục có dấu hiệu lừa dối bị hại hay áp dụng Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành vì thỏa thuận này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; chỉ có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa… Do vậy, để giải quyết vụ án trên đúng pháp luật thì Tòa phúc thẩm không xem xét phần trách nhiệm dân sự về thỏa thuận này, mà kiến nghị cấp có thẩm quyền giám đốc thẩm để xét xử lại. Vậy, giải quyết theo hướng nào mới đảm bảo được đúng nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự?
Nếu giải quyết theo hướng thứ hai mặc dù Toà án đã công nhận sự thoả thuận của đương sự nhưng theo tác giả là chưa toàn diện vì bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật ngay tại phiên toà. Do đó, ngoài việc xem xét về phần dân sự thì cũng cần phải xem xét cả về phần hình sự đối với hành vi này, nếu như áp dụng Điều 213 BLTTDS để cấp Giám đốc thẩm chỉ xét xử lại phần dân sự là bỏ qua hành vi lừa dối của bị cáo, không xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Nếu giải quyết theo hướng huỷ phần bồi thường thiệt hại của bản án sơ thẩm để điều tra lại về phần này mà không xem xét lại trách nhiệm hình sự của bị cáo cũng là thiếu sót. Hơn nữa, trường hợp trong vụ án này nếu bị huỷ, sửa bản án có coi là lỗi của Toà án do không xác minh, thu thập các tài liệu chứng minh cho nguồn gốc tài sản, tính pháp lý của tài sản dẫn tới ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại hay không, hay nói cách khác Toà án chưa vận dụng hết quyền năng pháp lý mà pháp luật cho phép trong việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự hay không? Vậy giải quyết vụ án theo hướng nào vừa triệt để và đúng quy định vẫn là vấn đề còn khó khăn.
Thứ hai, mặc dù BLTTHS hiện hành quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải được tiến hành cùng với giải quyết vụ án hình sự nhưng pháp luật lại không quy định trình tự, thủ tục, cách thức áp dụng quy định của BLTTHS. Do đó, trên thực tiễn, tác giả thấy rằng cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng vẫn áp dụng pháp luật một cách tuỳ nghi, thiếu thống nhất giống như ví dụ được nêu ở phần trên đã xuất hiện các quan điểm khác nhau và còn rất nhiều tình huống thực tiễn khác vì trên thực tế chưa có văn bản hướng dẫn quy trình thủ tục giải quyết vấn đề này.
Thứ ba, theo Điều 30 BLTTHS hiện hành quy định chỉ được tách vấn đề dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự khi đáp ứng điều kiện “giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự”. Tuy nhiên, như thế nào là “chưa có điều kiện chứng minh” và “không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự” còn nhiều cách hiểu khác nhau đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn nên cần sớm có văn bản hướng dẫn để tránh trường hợp tách một cách tùy tiện, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.Hơn nữa, trong trường hợp tách vấn đề dân sự để giải quyết thì chủ thể nào có quyền tách, thủ tục tách như thế nào cũng chưa được BLTTHS và các văn bản hướng dẫn hiện hành quy định từ đó cũng gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ tư, trong vụ án cơ quan tiến hành tố tụng cần đặc biệt chú ý chú ý xác định đúng tư cách, đầy đủ người có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bởi vì việc xác định một người có tư cách tham gia tố tụng như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quyền và nghĩa vụ của họ, đặc biệt nội hàm của khái niệm về “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” và “nguyên đơn dân sự” cũng chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn tới nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định sai tư cách tố tụng của người tham gia tố tụng. Đây là một trong những thiếu sót vừa do chủ quan của cơ quan tố tụng và tại văn bản pháp luật từ đó rất dễ dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy, sửa án.
Thứ năm, có trường hợp tại giai đoạn điều tra thì bị hại và bị cáo có thoả thuận về sự tự nguyện bồi thường thiệt hại đã lập thành biên bản, tuy nhiên bị hại trên thực tế chưa có khả năng trả nợ, chưa trả được nợ trên thực tế , đến phiên toà một trong các bên thay đổi mức bồi thường thiệt hại mặc dù không đưa ra được chứng cứ mới nào chứng minh cho yêu cầu của mình thì Toà án phải giải quyết thế nào khi pháp luật chưa có quy định về vấn đề này.
Thứ sáu, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, có trường hợp như sau: A. là bị hại trong vụ án "Cố ý gây thương tích", A. bị B. xâm hại sức khỏe, sau đó A. đi chữa trị tại bệnh viện. Sau khi xuất viện, A. được Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ số tiền chữa trị. A. yêu cầu bị cáo B. phải bồi thường số tiền thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra cho A., trong đó có số tiền A. đã chữa trị tại Bệnh viện. Vậy, trường hợp này Toà án có chấp nhận yêu cầu của A. hay không vẫn là vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau.
2. Đề xuất, kiến nghị giải pháp
Thứ nhất, trong thời gian tới, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn thế nào là “chưa có điều kiện chứng minh” và “không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự” tại Điều 30 BLTTHS và hướng dẫn chủ thể có quyền tách phần dân sự, thủ tục tách phần dân sự để giải quyết để từ đó cơ quan cấp dưới thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cũng cần hướng dẫn về hướng giải quyết đối với trường hợp bị cáo lừa dối bị hại ngay trong thoả thuận bồi thường thiệt hại tại phiên toà sơ thẩm nhưng Toà sơ thẩm đã ghi nhận thoả thuận này mà bị hại kháng cáo thì phải giải quyết như thế nào hoặc xây dựng một án lệ trong trường hợp này để cơ quan tố tụng cấp dưới có căn cứ giải quyết vụ án.
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới cũng cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng hơn về khái niệm người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đặc biệt là khái niệm về “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”, “nguyên đơn dân sự” trong vụ án để đảm bảo xác định đúng, giải quyết được triệt để quyền lợi của các bên trong vụ án hình sự.
Thứ năm, theo tác giả trong BLTTHS cần có quy định buộc các bên phải thực hiện việc bồi thường theo biên bản tự nguyện thỏa thuận trong giai đoạn điều tra nếu không có chứng cứ nào mới dẫn đến việc thay đổi mức bồi thường từ đó tạo cơ sở pháp lý cho Toà án.
Thứ sáu, trường hợp bị hại đã được bảo hiểm y tế thanh toán viện phí bởi hành vi gây thương tích của bị cáo thì có được Toà án chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường viện phí với bị cáo nữa hay không cũng cần có hướng dẫn cụ thể.
VŨ VIỆT PHƯƠNG
Toà án Quân sự khu vực Quân khu 1
Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung