/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về khái niệm án phí trong vụ án hình sự

Bàn về khái niệm án phí trong vụ án hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) -  Theo cách hiểu chung nhất, án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án mà chủ thể có liên quan đến phán quyết của Tòa án phải nộp và tùy theo từng loại án mà nghĩa vụ chịu án phí của các chủ thể có liên quan đến phán quyết của Tòa án là khác nhau.

Giải quyết việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử trong vụ án hình sự theo  quy định của pháp luật hiện hành

Ảnh minh họa. 

Án phí trong vụ án hình sự được quy định tại các Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 (Nghị quyết số 326) ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (sau đây được viết tắt là Nghị quyết số 326). Quy định của BLTTHS năm 2015, Nghị quyết số 326 có vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn thu cho Ngân sách, hỗ trợ một phần chi phí phục vụ cho công tác giải quyết các loại án của cơ quan tiến hành tố tụng; nhắc nhở bị cáo về trách nhiệm vật chất phát sinh từ việc xử lý trách nhiệm hình sự và buộc chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự phải cân nhắc khi đưa ra yêu cầu; tác động đến quyền sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định khái niệm về án phí trong vụ án hình sự nên chưa có cách hiểu, áp dụng thống nhất như: phạm vi áp dụng, chủ thể phải chịu án phí, các quy định về miễn nộp án phí, giảm án phí mà Nghị quyết số 326 quy định có áp dụng đối với bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự hay không... Chẳng hạn, bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự có được miễn nộp án phí hình sự hay không đang có 02 quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi người bị kết án, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án, thuộc trường hợp được miễn án phí thì vẫn được xem xét miễn án phí hình sự. Bởi vì, BLTTHS năm 2015 quy định án phí hình có thể do Nhà nước chịu và khi người bị kết án rơi vào các trường hợp được miễn nộp án phí thì Nhà nước chịu án phí hình sự. Cho nên, bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự có thể được miễn nộp án phí hình sự [1].

Quan điểm thứ hai cho rằng, quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326 là quy định chung về những trường hợp được miễn án phí; còn quy định tại các Điều 23, 26, 32 Nghị quyết số 326 là những điều quy định chi tiết cho những loại án cụ thể. Khi áp dụng pháp luật cần phải áp dụng quy định riêng để giải quyết cho từng loại án. Cho nên, để xem xét bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự có được miễn án phí hình sự hay không thì cần áp dụng Điều 23 Nghị quyết số 326. Do Điều 23 Nghị quyết số 326 quy định họ phải chịu án phí nên không có cơ sở miễn án phí hình sự cho bị cáo, bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự [2]. 

Bên cạnh đó, khái niệm về án phí nói chung trong đó có án phí trong vụ án hình sự đã được các chuyên gia pháp lý đặt ra khi Ủy ban Thường vụ quốc hội xây dựng dự thảo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 [3] nhưng khi Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 được ban hành và sau đó được thay thế bằng Nghị quyết số 326 thì khái niệm án phí nói chung, án phí trong vụ án hình sự hình sự nói riêng vẫn chưa được quy định chính thức. Vì lẽ đó, pháp luật hiện hành cần quy định khái niệm án phí trong vụ án hình sự để có cách hiểu, áp dụng thống nhất.

Theo Từ điển tiếng Việt, án phí được hiểu là “các khoản chi phí về xét xử một vụ án (nói tổng quát)” [4]. Theo Từ điển Luật học, án phí là “khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan có thẩm quyền quy định. Án phí được chia làm nhiều loại như án phí hình sự, án phí dân sự, án phí kinh tế, án phí lao động, án phí hành chính…” [5]. Như vậy, theo cách hiểu chung nhất, án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án mà chủ thể có liên quan đến phán quyết của Tòa án phải nộp và tùy theo từng loại án mà nghĩa vụ chịu án phí của các chủ thể có liên quan đến phán quyết của Tòa án là khác nhau.

Đối với vụ án hình sự, khi xét xử, Tòa án giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án, bao gồm: về trách nhiệm hình sự (định tội danh, quyết định hình phạt), vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoàn trả tài sản…), biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng. Tuy nhiên, nội dung sự việc được Tòa án xét xử mà các chủ thể có liên quan phải chịu án phí thì quy định trong BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 [6] và các quy định về án phí thì chúng được chia làm 02 loại là án phí hình sự (gồm sơ thẩm, phúc thẩm) và án phí dân sự (sơ thẩm, phúc thẩm). Trong đó, việc giải quyết trách nhiệm hình sự là vấn đề quan trọng hàng đầu trong vụ án hình sự và là vấn đề thể hiện sự khác biệt của vụ án hình sự với vụ án dân sự (theo nghĩa rộng), vụ án hành chính.

Theo khoa học luật hình sự, trách nhiệm hình sự của người phạm tội được hiểu là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình. Đồng thời, trách nhiệm hình sự của người phạm tội được biểu hiện thông qua việc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt; trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải gánh chịu là trách nhiệm đối với Nhà nước chứ không phải đối với người hay tổ chức mà quyền hoặc lợi ích hợp pháp của họ bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm phạm [7]. Bên cạnh đó, đối với một số loại tội, pháp luật tố tụng hình sự quy định cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người phạm tội khi có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ [8]. Cho nên, nghĩa vụ chịu án phí hình sự chỉ thuộc về bị cáo, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và mức chi phí liên quan đến việc xử lý trách nhiệm hình sự do Nhà nước chủ động ấn định mang tính tính chất tượng trưng, không phải để cấn trừ chi phí mà Nhà nước bỏ ra giải quyết trách nhiệm hình sự của người phạm tội [9] mà thể hiện thái độ (sự phản ứng) của Nhà nước đối với người thực hiện hành vi phạm tội hoặc người cho rằng có người đã thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến họ nhưng vì lý do nào đó dẫn đến Tòa án có thẩm quyền phải tuyên bố người bị khởi tố không phạm tội hoặc họ rút lại yêu cầu, nhắc nhở người phạm tội tôn trọng pháp luật và người yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự, một loại trách nhiệm pháp lý cao nhất, đối với một ai đó phải cẩn trọng trong việc yêu cầu.

Chính vì lẽ đó, khi quy định về án phí hình sự, các BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015, Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009, Nghị quyết số 321 đều quy định dứt khoát người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và mức án phí cố định, thấp hơn rất nhiều so với các loại án phí khác, thậm chí thấp hơn cả án phí dân sự không có giá ngạch. Đồng thời, trong thực tiễn, cho dù người phạm tội thuộc diện được miễn án phí, giảm án phí thì Tòa án vẫn buộc họ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

Trong khi đó, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được hiểu tương tự việc giải quyết vụ án dân sự theo pháp luật tố tụng dân sự. Cho nên, khi quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong vụ án hình sự, Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009, Nghị quyết số 321 quy định dẫn chiếu đến quy định về nghĩa vụ chịu án trong vụ án dân sự. Hiện nay, án phí dân sự được hiểu là số tiền mà đương sự phải nộp vào ngân sách nhà nước khi vụ án dân sự được Tòa án giải quyết [10]. Bên cạnh đó, bất kỳ người tham gia tố tụng nào chịu án phí dân sự trong vụ án hình sự nhưng rơi vào các trường hợp được miễn nộp án phí, giảm án phí thì vẫn có thể được xem xét miễn nộp án phí, giảm án phí dân sự trong vụ án hình sự.

Vì vậy, khái niệm về án phí trong vụ án hình sự phải bao hàm cả án phí hình sự, án phí dân sự trong vụ án hình sự, các nhóm chủ thể phải chịu đối với từng loại án phí và phải thể hiện tính tượng trưng, không miễn gảm, sự phản ứng của Nhà nước đối với chủ thể chịu án phí hình sự.

Từ các phân tích trên, kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 135 BLTTHS năm 2015 cùng với việc bổ sung khái niệm về án phí trong vụ án hình sự như sau:

“2. Án phí trong vụ án hình sự là khoản tiền tượng trưng mà bị cáo hoặc bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại bắt buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước liên quan đến việc Tòa án xem xét trách nhiệm hình sự và khoản tiền mà bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải nộp vào ngân sách nhà nước khi Tòa án giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Án phí trong vụ án hình sự bao gồm án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm, án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự, án phí dân sự phúc thẩm dân sự trong vụ án hình sự.”


====

[1] Xem: Bùi Đức Độ, “Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn án phí hình sự không?, tại địa chỉ: https://baophapluat.vn/nguoi-thuoc-ho-ngheo-can-ngheo-duoc-mien-an-phi-hinh-su-khong-post337395.html, [cập nhật ngày 25/03/2020] và Dương Tấn thanh, “Bị cáo, bị hại là người cao tuổi được miễn án phí hình sự sơ thẩm”, tại địa chỉ: https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/bi-cao-bi-hai-la-nguoi-cao-tuoi-duoc-mien-an-phi-hinh-su-so-tham, [cập nhật ngày 18/11/2020].

[2] Xem: Đoàn Thị Tùng Linh, “Bị cáo, bị hại là người cao tuổi có được miễn án phí hình sự hay không?”, tại địa chỉ: http://vkscantho.vn/vkscantho/index.php/news/Trao-doi-nghiep-vu/Bi-cao-bi-hai-la-nguoi-cao-tuoi-co-duoc-mien-an-phi-hinh-su-hay-khong-3814/, [cập nhật ngày 14/12/2020].

[3] Xem: Nguyễn Vũ (lược ghi): “Dự án Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án cần diễn đạt cho sáng tỏ”, tại địa chỉ: https://daibieunhandan.vn/du-an-phap-lenh-an-phi--le-phi-toa-an-can-dien-dat-cho-sang-to-60066, [cập nhật ngày 06/01/2009].

[4] Xem: Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2012, tr.21.

[5] Xem: Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách Khoa – Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr.13.

[6] Đó là các Điều 81, 82 BLTTHS năm 1988; các Điều 98, 99 BLTTHS năm 2003 và các Điều 135, 136 BLTTHS năm 2015.

[7] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Phần chung, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.267-268.

[8] Xem: Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015.

[9] Bởi vì, trên thực tế, việc giải quyết một vụ án hình sự thông qua các giai đoạn tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử phải tốn một khoản chi phí rất lớn, rất khó định lượng nhưng vì cần thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của BLTTHS năm 2015 (như: bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm) mà Nhà nước phải tiến hành.

[10] Xem: Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, tr.215.

Thạc sĩ THÁI CHÍ BÌNH

Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Bàn về người đại diện của cá nhân trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng