Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về người đại diện của cá nhân
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có nhiều quy định liên quan đến người đại diện của cá nhân. Người đại diện của cá nhân có thể là người tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị buộc tội, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc cũng có thể với tư cách là người đại diện của người tham gia tố tụng khác. Người đại diện theo pháp luật của cá nhân có thể tham gia tố tụng trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân dưới 18 tuổi, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Người đại diện theo pháp luật của bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân có quyền và nghĩa vụ quy định lần lượt tại các Điều 60 (bị can), Điều 61 (bị cáo), Điều 63 (nguyên đơn dân sự), Điều 64 (bị đơn dân sự), Điều 65 (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án). Ngoài ra, trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật của bị can, bị cáo có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 457.
Thứ hai, bị hại là cá nhân dưới 18 tuổi; bị hại đã chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật hiện như quy định quyền và nghĩa vụ của bị hại tại khoản 2, khoản 4 Điều 62 (bị hại). Ngoài ra, người đại diện còn có quyền trình bày lời buộc tội tại phiên tòa (khoản 3 Điều 62).
Thứ ba, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng dưới 18 tuổi. Trong trường hợp này, khi cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động tố tụng thì phải cần có sự có mặt của người đại diện.
Một số vướng mắc
Vướng mắc trong xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hại đã chết. Để xác định và đưa vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người đại diện hợp pháp của người chết thì các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án hình sự cần phải thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan để xác định về những người thừa kế theo pháp luật của người chết. Những người thừa kế theo pháp luật của người bị hại đã chết phải được tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra. Nếu người chết có những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thứ nhất như vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi thì ngay từ giai đoạn điều tra cơ quan điều tra phải triệu tập tất cả những người này để ghi nhận ý kiến của họ về vấn đề cần giải quyết. Trường hợp chỉ có một người đến làm việc với cơ quan điều tra thì những người khác phải có giấy ủy quyền cho họ. Đối với con chưa thành niên thì người cha hoặc người mẹ là giám hộ đương nhiên không cần giấy ủy quyền.
Trong thực tế sẽ có nhiều trường hợp xảy ra:
Một là, đã có nhiều trường hợp người chết là người đã thành niên, có vợ nhưng lại chung sống với người phụ nữ khác và có con nhưng cơ quan điều tra chỉ làm việc với người vợ mà bỏ quên quyền lợi của người con mà người chết đã chung sống với người phụ nữ khác; hoặc người chết còn cha, mẹ nhưng họ cũng không được triệu tập để tham gia tố tụng. Việc xác định không đúng, không đầy đủ những người đại diện hợp pháp của bị hại đã chết không những không đảm bảo đủ quyền, lợi ích của họ mà còn gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án.
Hai là, người đại diện cho người dưới 18 tuổi đã chết. Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 và quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH thì xác định cha, mẹ đẻ, cha mẹ nuôi sẽ là đại diện cho con chưa thành niên. Quy định này trên thực tế sẽ gây ra nhiều khó khăn cho việc xác định người đại diện. Xác định cha mẹ đẻ bằng một trong các căn cứ pháp lý là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền như giấy chứng sinh, khai sinh, sổ hộ khẩu, kết luận giám định…
Tuy nhiên, nếu bị hại dưới 18 tuổi đã chết xác định được cha, mẹ của mình nhưng không có chứng cứ pháp lý chứng minh thì cha, mẹ đẻ có được tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hay không. Bên cạnh đó, trường hợp bị hại chết không còn cha mẹ đẻ nhưng có cha mẹ nuôi từ nhỏ, nhưng việc nhận con nuôi không thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật thì người nhận nuôi có được làm người đại diện hợp pháp cho bị hại không.
Vướng mắc trong hoạt động lấy lời khai của cơ quan tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Theo Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 năm 2015 và Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018 thì việc lấy lời khai người dưới 18 tuổi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ. Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp, người bị buộc tội, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng sinh sống và làm việc ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn, xa gia đình cần phải có thời gian nhất định để xác định được người đại diện hợp pháp của họ. Điều đó dẫn tới việc lấy lời khai kịp thời để giải quyết vụ án mà vẫn đảm bảo được quyền và lợi ích cho họ là rất khó khăn.
Vướng mắc trong việc tổ chức phiên tòa xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong các vụ án đồng phạm có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà cần xét xử công khai để đảm bảo tính răn đe, giáo dục của pháp luật đối với xã hội. Trường các vụ án có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm… mà mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình mà trong đó phần lớn các bị cáo là người đã thành niên và có bị cáo là người dưới 18 tuổi tham gia với vai trò giúp sức thì khi xét xử trong một vụ án tổng thể rất khó để đảm bảo được việc tổ chức phiên tòa có phòng xử án có tính chất thân thiện như quy định tại Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Kiến nghị
Từ những vướng mắc trên, tác giả đưa ra một số kiến nghị sau:
Một là, các cơ quan chức năng cần ban hành hướng dẫn chi tiết trong việc xác định tư cách đại diện cho người bị hại dưới 18 tuổi mà người đó có cả cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi và việc nhận nuôi không đăng ký theo quy định của pháp luật.
Hai là, cần bổ sung quy định về người đại diện tạm thời khi không thể trì hoãn các hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng dưới 18 tuổi để đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích của họ.
LÊ XUÂN QUANG
Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 1
Nghiên cứu xây dựng chính sách xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình mới