Vấn đề này đã được BLTTHS năm 2015 xác định cụ thể hơn BLTTHS năm 2003. Theo đó, khoản 3 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định: “Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo...”.
Có thể thấy, BLTTHS năm 2015 đã thay thế cụm từ “đại diện gia đình” thành “người đại diện”. Khái niệm người đại diện có nghĩa hẹp hơn, đó chỉ có thể là cha, mẹ hoặc người giám hộ của bị cáo.
Người đại diện của người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các Điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
Người đại diện của người dưới 18 tuổi phạm tội được xác định theo thứ tự sau đây:
- Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi;
- Người giám hộ. Người giám hộ của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người giám hộ đương nhiên hoặc người được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người dưới 18 tuổi cư trú cử hoặc Tòa án chỉ định theo quy định tại các điều 46, 47, 48, 52 và 54 Mục 4 Chương III của BLDS năm 2015.
Nếu như BLTTHS năm 2015 dùng cụm từ “người dưới 18 tuổi” để chỉ người chưa thành niên thì BLDS năm 2015 không sử dụng cụm từ “người dưới 18 tuổi” mà sử dụng cụm từ “người chưa thành niên”. Theo định nghĩa người chưa thành niên được quy định tại khoản 1 Điều 21 BLDS năm 2015 là người chưa đủ 18 tuổi. Do đó, người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi được hiểu là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên.
Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015 thì trường hợp người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ thì có người giám hộ đương nhiên.
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo quy định tại Điều 52 BLDS năm 2015 theo thứ tự sau đây:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;
- Trường hợp không có người giám hộ theo quy định nói trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;
- Trường hợp không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Việc cử người giám hộ của người chưa thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 54 BLDS năm 2015. Theo đó, người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ mà không có người giám hộ đương nhiên thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người chưa thành niên có trách nhiệm cử người giám hộ cho họ.
Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ. Trường hợp cử người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người chưa thành niên.
Về người giám hộ của người bị buộc tội dưới 18 tuổi được Tòa án chỉ định.
Theo quy định tại Điều 54 BLDS năm 2015, Tòa án chỉ định người giám hộ của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong các trường hợp sau:
- Khi có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của BLDS năm 2015 về người giám hộ.
Khi có sự tranh chấp về người giám hộ giữa những người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015 và người mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ. Đối với người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi trở lên thì khi Tòa án chỉ định người giám hộ cho họ phải xem xét nguyện vọng của người này. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015 được xác định theo thứ tự sau đây:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
- Trường hợp không có người giám hộ theo quy định nói trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
- Trường hợp không có người giám hộ như hai trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Đối với người mất năng lực hành vi dân sự không thuộc trường hợp trước khi bị mất năng lực hành vi dân sự người này đã lựa chọn người giám hộ cho mình thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
- Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
- Trường hợp người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà chưa có vợ, chồng và con hoặc đã có vợ, chồng và con nhưng họ đều không có đủ điều kiện, khả năng làm người giám hộ thì cha, mẹ có đủ điều kiện làm người giám hộ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 BLDS năm 2015, trường hợp người chưa thành niên quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự năm 2015, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
- Người do Tòa án chỉ định.
Theo khoản 3 Điều 136 BLDS năm 2015 thì trong trường hợp không xác định được người đại diện là cha mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ cho người chưa thành niên (bao gồm người giám hộ đương nhiên, người giám hộ do ủy ban nhân dân cấp xã cử hoặc do Tòa án chỉ định) thì Tòa án chỉ định người đại diện cho người chưa thành niên.
Khi có sự tranh chấp về việc cử người giám hộ giữa ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giám hộ cư trú thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLDS năm 2015, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên.
Ngoài ra, nhằm để bảo đảm quyền và lợi ích hớp pháp của người dưới 18 tuổi thì Điều 420 BLTTHS năm 2015 quy định đầy đủ hơn, rõ hơn so với Điều 306 BLTTHS năm 2003 về các quyền khi tham gia tố tụng của người đại diện gia đình, nhà trường và tổ chức khác của người dưới 18 tuổi.
Trong thực tế khi xét xử, có nhiều cách hiểu khác nhau về đại diện gia đình. Theo Điều 136 BLDS năm 2015 đã quy định rõ về người đại diện. Như vậy, theo quy định tại Điều 136 BLDS năm 2015 thì cha mẹ đương nhiên là đại diện gia đình của người dưới 18 tuổi phạm tội.
Ngoài ra, có quan điểm khác đã mở rộng hơn về người đại diện gia đình, bao gồm tất cả những người trong hộ gia đình đã thành niên như: cha, mẹ, ông, bà, cô, dì, chú, bác, anh, chị của người dưới 18 tuổi, những người này không bắt buộc phải cư trú cùng hộ gia đình mà chỉ cần có quan hệ huyết thống. Hiện nay quan điểm này đang được áp dụng từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử. Tức là, chỉ cần một người đã thành niên có quan hệ huyết thống với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì được xem như là đại diện gia đình cho người chưa thành niên phạm tội. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quan điểm cho rằng luật chỉ quy định người đại diện gia đình, và có thể hiểu người đại diện gia đình trong đó có cả người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của người dưới 18 tuổi phạm tội.
Trong thực tế, trước khi áp dụng BLTTHS năm 2015, cơ quan tiến hành tố tụng đều chấp nhận những người khác ngoài cha mẹ như anh, chị, cô, dì, chú, bác của người dưới 18 tuổi phạm tội làm người đại diện gia đình.
Người đại diện cho người dưới 18 tuổi phạm tội khi tham gia tố tụng chỉ có thể là đại diện theo pháp luật, chứ không phải là đại diện theo ủy quyền. Như vậy, việc tham gia tố tụng khi xét xử đối với người dưới 18 tuổi vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người dưới 18 tuổi phạm tội hay người do Tòa án chỉ định. Sự tham gia của người đại diện là vấn đề vướng mắc khi tiến hành hoạt động xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Tòa án. Tuy nhiên, chưa có quy định trường hợp nào Tòa án chỉ định.
Trong thực tế có những vụ án có người phạm tội là người dưới 18 tuổi mà Tòa án không triệu tập được người đại diện nào vì họ ở quá xa hoặc họ không còn ở địa chỉ đó, nhưng Tòa án chỉ gửi giấy triệu tập, giấy mời bảo đảm thông qua bưu điện và cũng chưa nhận được giấy bảo đảm về (vì không có điều kiện đi tống đạt trực tiếp). Nhưng đến ngày xử thì không có mặt đại diện gia đình người dưới 18 tuổi phạm tội, nên phải hoãn phiên tòa. Trong trường hợp này có vụ nhiều lần hoãn phiên tòa rồi mới xét xử được. Trường hợp trên Tòa án thường yêu cầu Đoàn thanh niên cử người tham gia tố tụng để đại diện cho gia đình người dưới 18 tuổi phạm tội và Tòa án tiến hành xét xử luôn. Trong trường hợp này trái với quy định của BLTTHS, vì đại diện gia đình của người dưới 18 tuổi phạm tội có nhưng triệu tập không được chứ không phải không có người đại diện gia đình như BLTTHS đã quy định.
Việc áp dụng những trường hợp trên như thế nào là tùy thuộc vào quan điểm của từng Thẩm phán, dẫn đến việc áp dụng tố tụng không thống nhất.
Vướng mắc khi xác định người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi
Trên cơ sở nghiên cứu quy định của pháp luật về người đại diện của người bị buộc tội và thực tiễn xét xử các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi của các Tòa án trong thời gian qua, tác giả nhận thấy việc xác định người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi có một số vướng mắc cần được hướng dẫn như sau:
Trường hợp người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đăng ký thường trú một nơi và đang sinh sống một nơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nào có trách nhiệm cử người giám hộ?
Theo Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 quy định về nơi thường trú, cư trú. Nơi thường trú là nơi công dân thường xuyên sinh sống, ổn định, không có thời hạn có chỗ ở ổn định và đã đăng ký thường trú tại cơ quan có thẩm quyền. Nơi tạm trú là nơi công dân đến sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú, có chỗ ở rõ ràng, có thời gian và đã đăng ký tạm trú tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đăng ký thường trú một nơi nhưng sinh sống một nơi (có đăng ký hoặc không có đăng ký tạm trú).
Như vậy, trong trường hợp này thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi người bị buộc tội dưới 18 tuổi đăng ký thường trú hay đăng ký tạm trú có trách nhiệm cử người giám hộ cho họ. Trường hợp có tranh chấp việc cử người giám hộ thì Tòa án nơi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đăng ký thường trú hay tạm trú có thẩm quyền chỉ định người giám hộ?
Trình tự, thủ tục Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào?
Theo quy định của BLDS năm 2015 thì trong trường hợp có tranh chấp về người giám hộ hoặc tranh chấp về cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên. Hoặc trong trường hợp không xác định được người đại diện là cha mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ cho người chưa thành niên thì Tòa án chỉ định người đại diện cho người chưa thành niên.
Như vậy, trình tự, thủ tục để Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi được thực hiện như thế nào? Tòa án sẽ chỉ định ai là người giám hộ hoặc ai là người đại diện cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Hoặc là khi có sự tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án trong việc chỉ định người giám hộ, chỉ định người đại diện thì trình tự, thủ tục giải quyết như thế nào?
Trong xét xử, nếu thuộc trường hợp Tòa án phải chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nhưng thời hạn xét xử đã hết thì giải quyết như thế nào?
Trường hợp trong giai đoạn xét xử, nếu thuộc trường hợp Tòa án phải chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nhưng thời hạn xét xử đã hết thì có quan điểm cho rằng Tòa án sẽ tạm đình chỉ vụ án để chờ Tòa án có thẩm quyền chỉ định người giám hộ hoặc chỉ định người đại diện cho người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tuy nhiên, đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 và khoản 1 Điều 281 của BLTTHS năm 2015 thì việc tạm đình chỉ điều tra hay tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp này là không có căn cứ.
Người nhận nuôi người bị buộc tội dưới 18 tuổi nhưng không đăng ký nhận con nuôi theo quy định pháp luật thì có được làm người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi không?
Theo quy định của BLDS năm 2015 thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định trước tiên là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi. Thực tiễn có trường hợp người bị buộc tội dưới 18 tuổi không còn cha mẹ đẻ nhưng có cha mẹ nuôi từ nhỏ. Nhưng việc nuôi con nuôi không thực hiện việc đăng ký nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật thì có được làm người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi không và họ có được làm người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi để tham gia tố tụng không? Vấn đề này hiện cũng còn quan điểm khác nhau do nhận thức khác nhau.
Có quan điểm cho rằng, trường hợp này cha mẹ nuôi thực tế có quan hệ nuôi dưỡng người bị buộc tội dưới 18 tuổi từ nhỏ nên được xác định là người giám hộ đương nhiên của người bị buộc tội dưới 18 tuổi và họ được làm người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi để tham gia tố tụng. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại. Điều này gây khó khăn trong việc xác định người đại diện của người bị buộc tội dưới 18 tuổi trong một số vụ án hình sự hiện nay.
Đề xuất, kiến nghị
Từ các phân tích như trên, tác giả đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của BLTTHS năm 2015 như sau:
Thứ nhất, BLTTHS cần có khái niệm “người dưới 18 tuổi phạm tội”, trong đó cần quy định rõ về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội danh nào, từ đó để Tòa án có căn cứ khi xét xử và áp dụng các thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi theo quy định tại Chương XXVIII của BLTTHS năm 2015.
Trên cơ sở đã phân tích về khái niệm người dưới 18 tuổi phạm tội, tác giả kiến nghị bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự với khái niệm như sau: Người dưới 18 tuổi phạm tội là người mà tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, họ là người trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, bổ sung quy định đối với những trường hợp khi người đại diện của người dưới 18 tuổi phạm tội có yêu cầu; hoặc cố tình vắng mặt hoặc từ chối tham gia.
BLTTHS năm 2015 quy định thủ tục đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi tương đối đầy đủ, chặt chẽ, từ những hành vi phạm tội đến các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và thi hành án … nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp trên thực tiễn vẫn chưa được sự điều chỉnh của BLTTHS như: Cử đại diện các cơ quan, tổ chức tham gia lấy lời khai, giám sát, bào chữa,... những trường hợp này cần thiết phải có nghị quyết hướng dẫn cụ thể để kịp thời áp dụng trong thời gian tới.
Thứ ba, bổ sung quy định đối với trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người dưới 18 tuổi phạm tội từ chối người bào chữa.
Tại Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất "những quy định chung" của BLTTHS năm 2003 thì khi có một trong hai người là người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi và bản bản thân người dưới 18 tuổi từ chối người bào chữa chỉ định thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, có sự tham gia của người bào chữa đã được cử. Nếu cả hai người đều từ chối người bào chữa chỉ định thì người bào chữa chỉ định không được tham gia phiên tòa. Nghị quyết này phù hợp với thực tế và đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý của người bào chữa chỉ định, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi. Đối với BLTTHS năm 2015 quy định ngược lại với nghị quyết này.
Điểm b khoản 5 Điều 78 BLTTHS năm 2015 quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi người bị buộc tội thuộc trường hợp được bào chữa chỉ định từ chối người bào chữa, tại điểm này của Điều luật quy định còn thiếu đại diện, người thân thích của họ. Trong trường hợp của Điều luật này bất lợi cho người dưới 18 tuổi phạm tội nhưng thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy, Nghị quyết nêu trên tiếp tục được ghi nhận trong BLTTHS năm 2015.