Ảnh minh họa.
1. Quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử của TAQS
BLTTHS năm 2015 quy định về thẩm quyền xét xử của TAQS tại Điều 272, BLTTHS năm 2015; đây cũng là quy định về thẩm quyền theo đối tượng: “1. TAQS có thẩm quyền xét xử: a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội Nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội Nhân dân; b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội Nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội Nhân dân quản lý, bảo vệ; 2. TAQS có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật”.
So với Thông tư 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã bổ sung thêm đối tượng và trường hợp phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của TAQS là “viên chức quốc phòng”, “dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện” và “công nhân được điều động hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội Nhân dân”; với đối tượng không thuộc biên chế, hoặc không chịu sự quản lý của Quân đội nhưng “phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội Nhân dân quản lý, bảo vệ” thì cũng thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS; bổ sung đối tượng xét xử của TAQS trong trường hợp đặc biệt: “TAQS có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật”.
Như vậy, với những nội dung bổ sung trong BLTTHS năm 2015 đã cơ bản khắc phục được bất cập, hạn chế về thẩm quyền xét xử đối tượng so với quy định của Thông tư 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, có tính dự báo khi xảy ra tình huống, góp phần nâng cao chất lượng công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tuy vậy, về nguyên tắc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thì Thông tư 01/2015/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 cũng hết hiệu lực. Ngoài ra, quy định của BLTTHS năm 2015 về xác định thiệt hại về uy tín, danh dự của Quân đội Nhân dân chưa được hướng dẫn, có nhiều quan điểm nhận thức, áp dụng pháp luật không thống nhất.
2. Việc thực hiện thẩm quyền xét xử của TAQS
Trong thực tế, một số hành vi xâm phạm và gây thiệt hại cho Quân đội như xuyên tạc, bịa đặt, tung những thông tin không đúng sự thật nhằm vu khống, hạ thấp danh dự, uy tín của Quân đội nếu vi phạm pháp luật hình sự thì thuộc thẩm quyền xét xử của TAND hay TAQS? Việc thực hiện chưa đúng quy định của BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền xét xử của TAQS trong trường hợp một người có hành vi gây thiệt hại đến danh dự, uy tín của Quân đội do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả chủ quan và khách quan. Nhưng nguyên nhân chính là do chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi gây thiệt hại đến danh dự, uy tín của Quân đội của các cơ quan có thẩm quyền, điều này gây nhiều khó khăn cho thực tiễn áp dụng pháp luật.
Thời gian qua, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, rất nhiều đối tượng, đặc biệt là các thế lực thù địch đã có các hành vi xuyên tạc, nói xấu, tung những thông tin sai trái, bóp méo sự thật nhằm kích động, chia rẽ nội bộ, bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của Quân đội, như trường hợp của quân nhân N.Đ.Đ. (sinh năm 2002, quê quán: Bắc Ninh) tử vong tại Trường Quân sự Quân khu 1, khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân tử vong. Ngay lập tức các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lợi dụng các diễn đàn, truyền thông, mạng xã hội để livestream, đăng tải các bài viết, hình ảnh về khám nghiệm tử thi, cảnh tang thương của gia đình Đ., kèm theo những bình luận phê phán mối đoàn kết, bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội.
Những thông tin trên là hoàn toàn xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động hận thù, gây chia rẽ mối quan hệ Quân - Dân, xuyên tạc bản chất, truyền thống Quân đội và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Trường hợp này, hành vi của các đối tượng nếu vi phạm pháp luật về các tội tương ứng trong Bộ luật Hình sự thì sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS hay TAND?, theo quan điểm của tác giả, hành vi trên của các đối tượng phải thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, vì các hành vi này đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh của đơn vị Quân đội, làm cho người dân mất niềm tin vào Quân đội, không cho con cái vào học các trường Quân đội hay tìm mọi cách để không phải tham gia nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra, còn có hành vi giả danh quân nhân thực hiện hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", như vụ L.V.N giả danh Thượng tá tại Lai Châu có hành vi sử dụng giấy chứng minh sĩ quan giả, giả mạo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để thực hiện hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Người phạm tội đã lợi dụng truyền thống tốt đẹp, hình ảnh Bộ đội cụ Hồ nhằm tạo lòng tin cho người khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hành vi đó đã bôi nhọ, làm xấu đi hình tượng tốt đẹp của người quân nhân trong Quân đội xây dựng, giữ gìn qua bao thế hệ. Mặc dù vụ án trên được các cơ quan tiến hành tố tụng của hệ thống nhân dân giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nhưng xét về bản chất, hành vi của người phạm tội là nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của đơn vị Quân đội. Cần xác định hành vi này là gây thiệt hại đến danh dự, tuy tín của Quân đội và vụ án phải thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS theo quy định BLTTHS năm 2015. Do vậy, cần có văn bản hưởng dẫn áp dụng về trường hợp này.
3. Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận, phân tích các quy định về thẩm quyền xét xử của TAQS theo pháp luật tố tụng hình sự hiện hành và thực thiện các quy định đó trên thực tế, chúng tôi đề xuất cần có văn bản hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của TAQS trong trường hợp “gây thiệt hại đến danh dự, uy tín của Quân đội Nhân dân” theo hướng sau:
“Thiệt hại về danh dự, uy tín của Quân đội là thiệt hại nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến hình ảnh, tên gọi, lịch sử… của đơn vị Quân đội; thiệt hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của những người có cấp bậc quân hàm cấp tướng hoặc có chức vụ từ cấp sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn và tương đương trở lên; những sự kiện, bài viết,… để các thế lực thù địch, lực lượng ở trong nước, nước ngoài lợi dụng chống đối Đảng, Nhà nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh của Quân đội”.
Xác định được hành vi nào là gây thiệt hại đến danh dự, uy tín của Quân đội là có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc xác định thẩm quyền xét xử của TAQS mà còn có ý nghĩa đối với việc xác định thẩm quyền ban đầu của Cơ quan điều tra, VKS của Quân đội. Việc này, đảm bảo quá trình khởi tố, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội được thực hiện theo đúng các trình tự, thủ tục tố tụng.
ĐẶNG THẾ THANH
Tòa án Quân sự Khu vực 2 Quân khu 5