/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về thời hạn xem biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự

Bàn về thời hạn xem biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Biên bản phiên tòa là văn bản tố tụng thể hiện đầy đủ toàn bộ diễn biến phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Ngoài ra, biên bản phiên tòa còn là tài liệu quan trọng giúp cho Tòa án cấp trên xem xét trong xét xử theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm đối với việc xét xử của Tòa án cấp dưới.

Ảnh minh họa.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về biên bản phiên tòa tại Điều 258, qua nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn vẫn còn tồn tại quan điểm khác nhau về thời điểm xem biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 258. Trong phạm vi bài viết, tác giả thể hiện quan điểm như sau:

1. Quy định của điều luật

Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về biên bản phiên tòa với các nội dung như sau:

"1. Biên bản phiên tòa phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa và mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa.

2. Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày và quyết định tại phiên tòa đều được ghi vào biên bản.

3. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó.

4. Sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa."

2. Thực tiễn áp dụng

Qua nghiên cứu cũng như thực tế xét xử các vụ án, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ghi biên bản phiên tòa, tác giả thấy còn tồn tại bất cập trong quy định về việc xem biên bản phiên tòa. Nội dung này đã được tác giả Thạc sĩ Lê Văn Quang (Phó Viện trưởng, VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) chỉ ra trong bài viết “Những bất cập trong việc thực hiện quyền được xem Biên bản phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự” đăng trên Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân ngày 13/10/2020. Cụ thể:

Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cụ thể, sau khi kết thúc phiên tòa trong khoảng thời gian bao lâu thì Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó không được xem biên bản phiên tòa nên đang còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, khoản 4 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa, có nghĩa là điều luật không quy định chi tiết nên sau khi kết thúc phiên tòa tức là từ thời điểm kết thúc phiên tòa cho đến một thời điểm chưa xác định được là khoảng thời gian bao lâu mới không được xem biên bản phiên tòa.

Do vậy, kể từ thời điểm kết thúc phiên tòa sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký ký vào biên bản phiên tòa thì Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được quyền xem biên bản phiên tòa bất cứ lúc nào không giới hạn về thời hạn.

Ý kiến thứ hai cũng là ý kiến của tác giả Lê Văn Quang, khoản 3 và khoản 4 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó; sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa.

Có nghĩa là, ngay sau khi kết thúc phiên tòa thì Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó nếu muốn xem biên bản phiên tòa thì ngay trong ngày kết thúc phiên tòa phải xem biên bản, nếu hết thời hạn nêu trên thì không được xem biên bản phiên tòa.

 3. Quan điểm của tác giả

Trước đây, khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về thời hạn xem biên bản phiên tòa như sau: “Sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó”.

Có thể thấy rằng, thời hạn xem biên bản phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đều không quy định thời hạn cụ thể. Điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đó là diễn đạt thêm từ “Ngay” trước cụm từ “Sau khi kết thúc phiên tòa”.

Tại mục 2, tác giả trích hai quan điểm tồn tại trên thực tiễn:

Quan điểm 1: Không giới hạn về thời hạn xem biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng.

Quan điểm 2: Thời hạn xem biên bản phiên tòa là trong ngày kết thúc phiên tòa.

Ví dụ: Ngày 04/11/2020 Tòa án nhân dân huyện X xét xử vụ án trộm cắp tài sản đối với bị cáo Y, thời gian xem biên bản là ngày kết thúc phiên tòa (ngày 04/11/2020).

Qua nghiên cứu quy định của điều luật, cũng như căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử từ khi bắt đầu cho đến kết thúc phiên tòa, tác giả không đồng tình với hai quan trên: Khoản 3 và khoản 4 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định cụ thể đó là “ngay sau khi kết thúc phiên tòa”. Thời điểm “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa” trong quy định này là thời điểm khi Hội đồng xét xử vừa tuyên án xong, đã giải thích quyền kháng cáo theo quy định và tuyên bố kết thúc phiên tòa thì Chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng Thư ký phiên tòa ký vào biên bản phiên tòa ngay.

Từ quy định tại khoản 3, việc xem biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác theo quy định tại khoản 4 Điều 258 sẽ là thời điểm liền ngay sau đó, nếu hết thời hạn nêu trên thì biên bản phiên tòa có giá trị pháp lý.

Ví dụ: Ngày 02/11/2020 Tòa án nhân dân huyện A xét xử vụ án cố ý gây thương tích, thời điểm kết thúc phiên tòa là 10 giờ 00 phút, trong thời điểm này Chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản phiên tòa và cùng Thư ký, ký vào biên bản phiên tòa. Ngay sau thời điểm đó thì Kiểm sát viên và những người quy định tại khoản 4 Điều 258 thực hiện quyền xem biên bản phiên tòa của mình. Trong thời hạn trên Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng không xem biên bản phiên tòa thì biên bản phiên tòa có giá trị pháp lý.

Bởi vì, Kiểm sát viên với chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa thì sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên sẽ thực hiện kiểm tra biên bản phiên tòa xem Thư ký ghi biên bản phiên tòa có phản ánh đúng diễn biến phiên tòa hay không? Chính vì vậy, hiểu theo quan điểm không giới hạn thời hạn xem biên bản phiên tòa hoặc thời hạn xem biên bản phiên tòa là trong ngày kết thúc phiên tòa như tác giả trích trong mục “2” là chưa phù hợp.

Ngoài ra, trước đây khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định “Sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó”. Với quy định này có thể hiểu điều luật không giới hạn thời hạn xem biên bản phiên tòa như quan điểm 1 tại mục “2” của bài viết. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung thêm từ “Ngay” vào thành quy định hoàn chỉnh và cụ thể hơn đó là “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa” như tác giả đã trình bày ở trên thì có thể hiểu là ngay tại thời điểm đó. Theo tác giả, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung như vậy chính là để quy định rõ hơn về thời hạn xem biên bản phiên tòa, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

4. Những hạn chế, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, nếu hiểu theo ý kiến cho rằng “không giới hạn thời gian xem biên bản phiên tòa”  như tác giả Lê Văn Quang phân tích theo quan điểm thứ nhất nêu tại mục “2” sẽ dẫn đến nhiều trường hợp bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó sau một thời gian dài kể từ khi kết thúc phiên tòa mới đến Tòa án yêu cầu Thẩm phán chủ tọa phiên hoặc Thư ký cho xem biên phiên tòa, nếu Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc thư ký không cho xem biên bản phiên tòa thì dẫn đến khiếu nại. Đồng thời chủ tọa phiên tòa và Thư ký phiên tòa còn nhiều công việc khác phải làm không thể lúc nào cũng đáp ứng được những yêu cầu đối với bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện muốn xem biên bản phiên tòa lúc nào cũng được.

Thứ hai, hiểu theo tinh thần của điều luật, tác giả có quan điểm như phân tích ở trên. Tuy nhiên, quyền xem biên bản phiên tòa tại thời điểm ngay sau khi kết thúc phiên tòa như tác giả thể hiện, qua thực tiễn cũng đã bộc lộ  hạn chế, bất cập đó là trong một số trường hợp đặc biệt, khi vừa kết thúc phiên tòa, bị cáo hoặc đương sự khác do sức khỏe phải cấp cứu tại bệnh viện và họ không thực hiện được quyền xem biên bản của mình thì theo quy định về thời hạn trên họ sẽ bị mất đi quyền xem biên bản phiên tòa. Hơn nữa, với những vụ án phức tạp nhiều thành phần tham gia tố tụng, việc xét xử kéo dài và kết thúc muộn thì việc hoàn thiện biên bản cũng như thời gian xem biên bản của người tham gia tố tụng sẽ không được bảo đảm.

Chính vì vậy, về thời hạn xem biên bản phiên tòa trong thời gian tới cần có sửa đổi, bổ sung về thời hạn cụ thể xem biên bản phiên tòa theo quy định tại Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự. 

PHÙNG VĂN HOÀNG
Tòa án quân sự khu vực, Quân khu 1
/cum-thi-dua-linh-vuc-phap-luat-va-ton-giao-to-chuc-hoi-nghi-tong-ket-thi-dua-nam-2020-va-phat-dong-giao-ket-thi-dua-nam-2021.html