/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự

Bàn về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có ý nghĩa giúp cho Cơ quan tiến hành tố tụng cần khẩn trương truy tìm, điều tra tội phạm và người phạm tội, đồng thời áp dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo đảm nguyên tắc mọi tội phạm đều phải được phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trong phạm vi bài viết, tác giả nghiên cứu và đưa ra những điểm còn chưa hợp lý trong quy định này.

Ảnh minh họa.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự 

Điều 27  Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Thực tiễn xét xử còn có những trường hợp phức tạp hơn trong việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội như: Căn cứ khoản 2 Điều 170 BLHS về việc nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra thì “Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”. Theo quy định này, có thể thấy không phải vụ án nào cũng có thể tách để xử lý riêng.

Vậy, đặt giả thiết trong vụ án có nhiều người tham gia, khi vụ án xảy ra có người phạm tội bị bắt ngay có người phạm tội bỏ trốn Cơ quan điều tra phải ra lệnh truy nã, do không thể làm rõ xác định được hành vi phạm tội của những người khác trong cùng vụ án và không tách được hành vi phạm tội của người bỏ trốn để xử lý riêng nên Cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, đến khi bắt được người phạm tội bỏ trốn thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không bỏ trốn đã hết. Vậy, vấn đề xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không bỏ trốn như thế nào?  Hơn nữa Điều 229 Bộ luật TTHS về tạm đình chỉ điều tra cũng chưa đề cập đến vấn đề thời hạn tạm đình chỉ điều tra có được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Cụ thể, điều luật quy định:

 1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;

b) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra;

c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

2. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

3. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ.

Đối với bất cập nêu trên, theo quan điểm của tác giả, do BLHS chưa quy định cụ thể về thời hạn tạm đình chỉ vụ án có được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội hay không?

Do vậy, trong vụ án có nhiều người tham gia, khi vụ án xảy ra có người phạm tội bị bắt ngay có người phạm tội bỏ trốn nên Cơ quan điều tra phải ra lệnh truy nã, do không tách được hành vi phạm tội của người bỏ trốn để xử lý riêng nên Cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, đến khi bắt được người phạm tội bỏ trốn thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không bỏ trốn đã hết. Trường hợp này, người phạm tội không bỏ trốn được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 27 là có căn cứ.

Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 28 BLHS quy định:

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:

1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;

2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;

3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Theo quan điểm của tác giả, ngoài các tội trên cần quy định thêm tội "Giết người"theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS cũng thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả do tội giết người gây ra vô cùng nặng nề, không những gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sống của con người đã được quy định trong Hiến pháp “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đó là “nghiêm trị nhưng vẫn có sự khoan hồng”, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, điển hình đó chính hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác cần có biện pháp nghiêm khắc hơn. 

Qua nghiên cứu quy định trên, tác giả thấy rằng, trong thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn tạm đình chỉ có được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Để xác định đúng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; ngoài ra, có thể quy định thêm một số tội đặc biệt nghiêm trọng khác thuộc trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như tội giết người (khoản 1 Điều 123 BLHS) nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.

PHÙNG VĂN HOÀNG
Tòa án quân sự khu vực, Quân khu 1
/trach-nhiem-quan-ly-va-giam-sat-cua-bo-y-te-khi-de-xay-ra-hang-loat-sai-pham-tai-benh-vien-bach-mai.html