Ảnh minh họa.
Trong thực tiễn khái niệm người đang thi hành công vụ có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định nhưng trong thực tiễn liên quan đến tình tiết này vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau thể hiện qua ví dụ sau đây:
Quân nhân Trần Văn O. và Hoàng Văn T. là chiến sỹ, đại đội 5, Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 8, trong quá trình sinh hoạt giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn, ngày 12/01/2021 Hoàng Văn T. bị một số chiến sỹ trong đơn vị đánh phía sau nhà bếp. Khoảng 23 giờ ngày 18/01/2021 Trần Văn O. đang thực hiện nhiệm vụ trực gác tại cổng đơn vị, sau đó đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày Hoàng Văn T. ăn mặc tác phong đến thay ca gác nhìn thấy Trần Văn O. đang ở trong vọng gác ngủ gục xuống bàn đeo súng AK 47 trước ngực, do bực tức chuyện bị đánh trước đây, nghi ngờ O. là chủ mưu nên T. về phòng lấy dao bầu dài khoảng 14cm, đầu nhọn và có cán gỗ, khi đi đến vọng gác T. dùng dao đâm O. vào vùng lưng 02 nhát, sau đó nghĩ O. đã chết nên T. bỏ chạy ra ngoài và vứt con dao vào bụi cây. Hoàng Văn T. sau đó bị bắt và bị khởi tố theo quy định tại điểm d, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự tội “Giết người”:
"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình…
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
…
n) Có tính chất côn đồ”.
Liên quan đến hành vi phạm tội của T. nhất là việc áp dụng tình tiết giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của Hoàng Văn T. thỏa mãn tình tiết định khung giết người đang thi hành công vụ, vì theo quy định tại mục 2 chương 2 Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985: “Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội, thực hiện chức năng, nghiệp vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nghiệp vụ (như: tuần tra, canh gác…) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội”.
Trong trường hợp này Trần Văn O. là chiến sỹ đang chấp hành nhiệm vụ gác của đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đơn vị nên O. xác định là người đang thi hành công vụ như vậy việc xét xử T. theo điểm d, n khoản 1 Điều 123 là đúng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc hành vi của Hoàng Văn T. không thỏa mãn tình tiết định khung giết người đang thi hành công vụ, tôi đồng tình với quan điểm này, vì:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải thích từ ngữ: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”.
Như vậy, Hoàng Văn T. trong trường hợp này là người đang thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và trách nhiệm của T. chỉ dừng lại trong khuôn viên doanh trại mà thuật ngữ người thi hành công vụ tồn tại trên 03 lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, tố tụng và thi hành án, nên không thể xác định T. là người đang thi hành công vụ.
Thứ hai, thuật ngữ người thi hành công vụ ở đây thỏa mãn hai yếu tố: Yếu tố thứ nhất là “đang thi hành” và yếu tố thứ hai là “công vụ”, thuật ngữ đang thi hành ở đây được hiểu là đang thực hiện tức là có các hành động của con người liên quan đến công vụ mình đang thực hiện, trong trường hợp nêu trên Trần Văn O. đang nằm ngủ tức là không có hoạt động nào liên quan đến công vụ.
Từ những sự phân tích nêu trên thì hành vi của Hoàng Văn T. không thỏa mãn yếu tố tội “Giết người” với tình tiết định khung đang thi hành công vụ là hoàn toàn phù hợp.
Trong thực tiễn quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn tồn tại bất cập, nếu trong trường hợp nêu trên nếu áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì đối với quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ canh gác không phải là trường hợp đang thi hành công vụ mà rõ ràng so sánh trách nhiệm với các chủ thể khác đang thi hành công vụ thì thực hiện nhiệm vụ canh gác chính là đang bảo vệ quyền và lợi ích cho Nhà nước giống như chủ thể đang thi hành công vụ, vì vậy kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 123 Bộ luật Hình sự tội “Giết người”:
"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình…
d) Giết người đang thi hành công vụ, đang thực hiện nhiệm vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.
Việc bổ sung này sẽ tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm nâng cao hơn nữa chất lượng đấu tranh phòng chống tội phạm.
TRẦN VĂN HÙNG
Thẩm phán Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4
Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ cổ đông thiểu số theo quy định pháp luật hiện hành