Ảnh minh họa.
Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Vi phạm chế độ một vợ, một chồng" như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng 1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. |
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn áp dụng, các thuật ngữ “kết hôn” “người đang có vợ hoặc chồng” hoặc “người chưa có vợ hoặc chồng” được hiểu như sau:
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn [1].
Người đang có vợ hoặc có chồng mà có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác
Đang có vợ hoặc có chồng được hiểu là người đã kết hôn (có đăng ký kết hôn hoặc hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận) và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng một quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án (về công nhận thuận tình ly hôn, xử cho ly hôn hay tiêu hôn vì vi phạm điều kiện kết hôn do luật định) hoặc một bên chết, mất tích đã bị Toà án tuyên bố mất tích… [2].
Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn [3]. Chính vì vậy, người chưa có vợ, có chồng là người chưa từng kết hôn hoặc đã kết hôn nhưng đã chấm dứt hôn nhân. Chỉ khi người chưa có vợ, có chồng biết được người mình chung sống là người đang có vợ, có chồng thì mới được xem là hành vi khách quan của tội phạm này.
Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng [4].
Tại thông tư Liên tịch Số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định [5]: "Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó".
Đối với các yếu tố cấu thành tội phạm này đã thể hiện rõ trong điều luật nên tác giả không phân tích thêm. Về mặt khách quan, tội phạm được xem là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn áp dụng
Thứ nhất, về khung hình phạt được áp dụng: Theo quy định tại khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, phạm tội thuộc một trong các trường hợp: (1) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; (2) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tình tiết định khung hình phạt tại điểm a khoản 2 Điều 182 “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát” là một bổ sung mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng, quy định của pháp luật đã cụ thể, rõ ràng, trong quá trình áp dụng không có vướng mắc. Tuy nhiên, đối với tình tiết định khung hình phạt “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát”, điều luật quy định hình phạt cao nhất là 03 năm tù là còn nhẹ, chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm, hậu quả của tội phạm. Xuất phát từ nguyên tắc “tính mạng, sức khỏe con người là bất khả xâm phạm” đã được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự và một số văn bản luật khác, hành vi này cần được xử lý nghiêm khắc hơn.
Hơn nữa, đối với loại tội phạm này, đặt giả thiết trong một vụ việc cụ thể, nếu người chồng có hành vi phạm tội chế độ một vợ, một chồng theo quy định Điều 182 Bộ luật Hình sự dẫn đến người vợ tự sát, hậu quả để lại là những đứa con còn nhỏ không có người mẹ chăm sóc, giáo dục, gia đình có bố mẹ già mất đi trụ cột lao động chính, nuôi dưỡng... Hoặc cũng với ví dụ trên nếu dẫn đến đứa con mới chỉ 13, 14 tuổi tự sát thì có thể nhận thấy hậu quả nghiêm trọng của hành vi phạm tội gây ra.
Chính vì vậy, đối với tình tiết phạm tội như trình bày ở trên, theo quan điểm của tác giả, trong thời gian tới cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hai phương án hoặc có thể tăng hình phạt ở mức cao hơn 03 năm tù hoặc điều luật có thể quy định thêm hình phạt bổ sung là hình phạt tiền nhằm bảo đảm răn đe, phòng ngừa tội phạm. Một trong những nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người phạm tội đó là hạn chế thấp nhất áp dụng hình phạt tù, khuyến khích áp dụng các hình phạt khác nhằm giúp đỡ người phạm tội sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội, chính vì vậy, trong giả thiết tác giả nêu trên điều luật có thể quy định hình phạt bổ sung là hình phạt tiền.
Thứ hai, khó khăn khi xác định hành vi “chung sống như vợ chồng”.
Hành vi khách quan của tội "Vi phạm chế độ một vợ, một chồng" là hành vi của người đang có vợ, có chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ. Tuy nhiên, việc hiểu và áp dụng quy định “chung sống như vợ chồng” làm căn cứ đển truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số vụ án cụ thể trong thời gian qua đã có những cách hiểu và quan điểm khác nhau.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Vì vậy, khi áp dụng tinh thần Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” trong Bộ luật Hình sự năm 1999, việc chung sống như vợ chồng được quy định “chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”[6].
Với quy định trên có hai cách hiểu như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Xác định hành vi “sống chung như vợ chồng” phải chứng minh đầy đủ ba yếu tố như Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC đã quy định bao gồm: Thứ nhất, có con chung; Thứ hai, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng; Thứ ba, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Nếu thiếu một trong ba dấu hiệu như đã nêu thì dù họ có sống chung gây ra hậu quả nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự cũng không cấu thành tội phạm.
Quan điểm thứ hai xác định hành vi “sống chung như vợ chồng” để truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ cần chứng minh và thỏa mãn một trong các yếu tố hoặc có con chung hoặc được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng hoặc có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.
Qua nghiên cứu, tác giả cho rằng, các điều kiện về kết hôn, ly hôn, bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình đã được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn áp dụng. Hành vi của một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ thuộc một trong các hành vi bị cấm theo pháp luật về hôn nhân gia đình [7]. Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có quy định “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Vì vậy, thỏa mãn quy định chung sống như vợ chồng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ cần là quan hệ cùng chung sống giữa người nam và người nữ như các cặp vợ chồng bình thường, điểm khác biệt duy nhất là quan hệ giữa họ mang tính bất hợp pháp, không có đăng ký kết hôn và cả người nam, nữ đều biết rõ tình trạng hôn nhân của nhau, đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó… Quan hệ chung sống bất hợp pháp giữa người nam và người nữ nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 182 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Từ phân tích trên cho thấy, Thông tư Liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương "Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” trong Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ cần bỏ quy định “Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung ” và giữ nguyên quy định “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó” sẽ bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Qua đó, giải quyết, khắc phục được vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng như tác giả trích dẫn ở trên.
Tuy nhiên, để có cơ sở áp dụng pháp luật, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể hơn về hành vi “chung sống như vợ chồng” làm căn cứ pháp lý xác định có hành vi phạm tội hay không phạm tội? Bởi vì, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”, đối với quy định như thế nào là “chung sống như vợ chồng” đã cụ thể, rõ ràng, vấn đề đặt ra trong thực tiễn đó là hiểu và xác định như thế nào về quy định “coi nhau như vợ chồng”. Thực tế có rất nhiều trường hợp họ công khai chung sống bất hợp pháp nhưng họ không coi nhau như vợ chồng, dù hành vi của họ gây ra có nghiêm trọng cũng sẽ không phạm tội "Vi phạm chế độ một vợ, một chồng" theo quy định, thực trạng này dẫn đến nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, quy định của pháp luật không được áp dụng thống nhất.
================== [1] Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. [2] Khoản 4 Điều 2 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. [3] Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. [4] Khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. [5] Thông tư Liên tịch này đã hết hiệu lực thi hành, hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có văn bản mới hướng dẫn áp dụng nên có thể áp dụng tinh thần TTLT số 01/2001. [6] “Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng dưới khía cạnh xã hội – Pháp lý và những vấn đề đặt ra”, Nguyễn Thị Lan, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 31, Số 1 (2015). trang web: https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/976/1/document.pdf [7] Điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. |
PHÙNG VĂN HOÀNG
Tòa án quân sự Quân khu 1
Đề xuất bổ sung hình thức cung cấp sản phẩm đo đạc, bản đồ dạng trực tuyến