/ Luật sư - Bạn đọc
/ Bàn về trách nhiệm cứu người của cán bộ, chiến sĩ Công an

Bàn về trách nhiệm cứu người của cán bộ, chiến sĩ Công an

18/05/2021 08:17 |

(LSVN) - Cứu giúp người bị hại trong tình huống gặp nguy hiểm không chỉ là đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý. Pháp luật quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có điều kiện giúp đỡ nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì người không cứu giúp trong tình huống này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ảnh cắt từ clip.

Liên quan đến vụ việc xảy ra vào khoảng 16 giờ 20 phút ngày 16/5, khi người dân chạy xe trên đường Cienco 5, khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) thì bất ngờ nghe tiếng hô cướp của một tài xế taxi. Lúc này, tài xế taxi bị tên cướp đâm vào vùng ngực nhưng vẫn dũng cảm chống trả, giằng co khống chế tên cướp. Sau đó, người dân và công an đến bắt giữ tên cướp. 

Tối cùng ngày, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại thời điểm nam tài xế taxi khống chế tên cướp. Theo clip dài 1 phút 30 giây, có thể thấy nam tài xế taxi mặc áo màu trắng dính đầy máu đang cố vật lộn, ghì đè tên cướp và liên tục hô: "Giúp em với". 

Đáng chú ý, trong clip còn xuất hiện một người đàn ông mặc quần màu xanh giống cảnh phục Công an nhưng người này chỉ đi qua đi lại, tay có hành động giống như đang bấm điện thoại, không thấy sự can thiệp quyết liệt nào để khống chế kẻ cướp.

Liên quan đến vụ cán bộ công an thờ ơ, thiếu trách nhiệm khi xử lý vụ việc tài xế taxi bị đâm này, Công an TP. Hà Nội cho biết, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.

Kết quả xác định vị cán bộ công an trong đoạn clip là Đại uý Nguyễn Văn Lâm, cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Trưởng Công an huyện Thanh Oai đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển Đại uý Lâm về  Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện.

Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, chuyện người dân bắt cướp, còn cảnh sát đứng nhìn, dửng dưng coi như không có chuyện gì xảy ra là chuyện chưa từng xảy ra. Bởi vậy, việc dư luận xã hội bức xúc là điều dễ hiểu.

"Về nguyên tắc là hành vi vi phạm của cán bộ, công chức thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, thủ tục kỷ luật nhanh chóng mà mức độ kỷ luật chỉ là cảnh cáo thì tôi cho rằng như vậy là chưa phù hợp", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Pháp luật quy định cho phép mọi công dân đều được bắt người phạm tội quả tang. Trong vụ việc trên đối tượng sử dụng hung khí là dao nhọn đâm người lái xe, chảy máu nhưng anh này vẫn cố gượng dậy, vật lộn với tên cướp để bắt giữ. Tuy nhiên, thái độ ứng xử của một số người xung quanh và người mặc quần cảnh sát này làm người xem clip khá bất ngờ và bức xúc. Người đàn ông này mặc cảnh phục này lại dửng dưng, thản nhiên đứng nhắn tin điện thoại rất lâu, cùng với một số người khác thấy thế cũng đứng nhìn như không có chuyện gì xảy ra... Hành vi này là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và còn không phù hợp với pháp luật. 

Theo Luật sư, đây là việc hết sức phản cảm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật chứ không đơn giản chỉ là vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức xã hội.

Về mặt đạo đức xã hội, giúp đỡ người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, giúp người hoạn nạn là trách nhiệm của công dân, là đạo đức làm người. Bất cứ ai khi thấy người khác đang gặp hiểm nguy, khó khăn, hoạn nạn thì cũng động lòng thương cảm, lo lắng và sẵn sàng ra tay giúp đỡ dù không quen biết gì với nạn nhân. Trong tình huống trên, người lái xe taxi rất cần có sự hỗ trợ của người khác để khống chế bắt giữ tên cướp tránh việc tên cướp có thể tiếp tục gây thương tích. Tuy nhiên, những người xung quanh trong đó có cả người mặc cảnh phục cảnh sát lại đứng xem như không phải chuyện của mình. 

Cứu giúp người bị hại trong tình huống gặp nguy hiểm không chỉ là đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý. Pháp luật quy định người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bản thân có điều kiện giúp đỡ nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân thiệt mạng thì người không cứu giúp trong tình huống này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" với hình phạt đến 2 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

"Có thể nói rằng hành vi của những người vô cảm với đồng loại của mình là đáng trách, đáng xấu hổ. Với người có khả năng, điều kiện, có nghiệp vụ, thậm chí có trách nhiệm nghề nghiệp là phải cứu giúp người khác nhưng không cứu giúp thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi vô cảm, thiếu trách nhiệm như thế này cần phải xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Nếu người vi phạm là cán bộ, đảng viên thì ngoài việc xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì cán bộ đảng viên còn phải chịu kỷ luật đảng và kỉ luật về chính quyền", Luật sư Cường bày tỏ rõ quan điểm.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Hình thức kỷ luật cảnh cáo chưa hợp lý, chưa tương xứng với tính chất của sự việc

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì người mặc cảnh phục trong clip là Đại uý Công an và đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo. Luật sư Cường cho rằng, hình thức kỷ luật cảnh cáo là vội vàng và chưa tương xứng với tính chất của sự việc. Cần phải xem xét một cách thấu đáo, khách quan, toàn diện, đánh giá đúng tính chất mức độ vi phạm, hậu quả của sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ công chức, kỷ luật Công an nhân dân.

Có thể nói, đại đa số cán bộ, chiến sĩ Công an đều có đạo đức tốt và có kỹ năng xử lý tình huống với tội phạm tốt, sẵn sàng cứu giúp nhân dân mà không quản hi sinh, như 6 lời dạy của bác Hồ: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”; “đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”... Thái độ của cán bộ Công an này thể hiện quá trình tu dưỡng, rèn luyện kém, không có kỹ năng đối phó với tội phạm. 

HỒNG HẠNH

Không dạy học online cho trẻ cấp mầm non

Lê Minh Hoàng