Ảnh minh họa.
Khái niệm phạm tội 02 lần trở lên
Phạm tội 02 lần trở lên là thực hiện một tội phạm mà trước đó chủ thể đã phạm tội đó ít nhất là một lần và chưa bị xét xử. Đây là trường hợp một người đã phạm ít nhất hai lần về cùng một tội phạm (cùng một tội danh) và cả hai lần đó đều chưa bị xét xử. Các lần phạm tội đó có thể có cùng đối tượng hoặc khác đối tượng, có thể thuộc cùng khung hình phạt hoặc thuộc các khung hình phạt khác nhau. Cần phân biệt phạm tội 02 lần trở lên với trường hợp tội liên tục. Trong trường hợp tội liên tục, các hành vị phạm tội được thực hiện chỉ là một phần và đều thuộc một hành vi phạm tội thống nhất. Còn trong trường hợp phạm tội 02 lần trở lên, các hành vi phạm tội và hậu quả của các hành vi đó có tính độc lập với nhau.
Phạm tội 02 lần trở lên là tình tiết có thể được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng ở một số tội phạm hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ở các tội còn lại. Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, phạm tội 02 lần trở lên được quy định tại Điều 52 là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cùng nhóm với tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, tình tiết phạm tội 02 lần trở lên cũng được quy định là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng của nhiều tội danh khác nhau.
Tội phạm do một điều hoặc một khoản của điều tương ứng trong phần các tội phạm BLHS quy định. Đây là một đặc điểm đặc trưng của tình tiết phạm tội nhiều lần và dùng để phân biệt với tình tiết phạm nhiều tội. Người phạm tội thực hiện từ hai lần hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, mỗi lần thực hiện hành vi có đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm độc lập và tội phạm đó do cùng một điều hoặc cùng một khoản tương ứng quy định trong BLHS.
Tội phạm này vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội phải bị đưa ra xét xử cùng một lần. Đặc điểm “người phạm tội phải bị đưa ra xét xử cùng một lần” có nghĩa là các hành vi phạm tội trước đó chưa bị đưa ra xét xử lần nào. Đây là một đặc điểm để phân biệt giữa tình tiết phạm tội nhiều lần và tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp
Theo mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 thì phạm tội có tính chất chuyên nghiệp được hiểu chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
(i) Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;
(ii) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
(i) Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội 02 lần trở lên”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
(ii) Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định Điều 52 BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 52 của BLHS.
Vướng mắc áp dụng
Mặc dù có hướng dẫn cơ bản đầy đủ tuy nhiên khi áp dụng vẫn còn có những vướng mắc nhất định. Ví dụ, do không có việc làm, không có thu nhập và để có tiền chi tiêu cá nhân và mua ma túy sử dụng trong thời gian từ ngày 08/8/2021 đến ngày 24/8/2021, Nguyễn Văn T. đã 11 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là các dây tiếp địa tại 11 trạm phát sóng của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone trên địa bàn huyện VY, tỉnh YB. T. đã 11 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”; chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trong vụ án này T. là người không có nghề nghiệp, lấy kết quả của việc trộm cắp làm nguồn sống chính. T. đã 11 lần trộm cắp hành vi của T. cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 173 của BLHS. Trong vụ án này có 02 quan điểm về áp dụng pháp luật:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Khi bị cáo T. đã bị áp dụng tình tiết định khung "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" thì không được áp dụng thêm tình tiết tăng nặng "phạm tội 02 lần trở lên" tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS nữa. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS, các tình tiết đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Cũng theo hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP, tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định Điều 52 BLHS. Bị các đã bị áp dụng tình tiết định khung "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" tại điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS là thực hiện hành vi chiếm đoạt nhiều lần (nhiều hơn 02 lần trở lên) và lấy đó là nguồn sinh sống chính, cho nên không áp dụng thêm tình tiết tăng nặng "phạm tội 02 lần trở lên".
Quan điểm thứ hai cho rằng và cũng là quan điểm của người viết, khi T. đã bị áp dụng tình tiết định khung "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" thì vẫn phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS, bởi lẽ Nguyễn Văn T. đã 11 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”; chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS.
Mặt khác, cũng theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/9/2019 có hướng dẫn tại mục 4: "Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS.
Việc áp dụng khung hình phạt tăng nặng trong trường hợp này là căn cứ vào trị giá tài sản chiếm đoạt, còn việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” là căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội, nên hoàn toàn không trái với quy định tại khoản 2 Điều 52 của BLHS (các tình tiết đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng). Hơn nữa, việc áp dụng pháp luật như trên còn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 3 của BLHS), bảo đảm sự phân hóa tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc xem xét cho hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng như các chế định nhân đạo khác đối với người phạm tội.
Ví dụ, một người trộm cắp 02 lần mỗi lần 2.000.000 đồng. Do thuộc trường hợp “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS nên theo quy định tại Điều 65 của BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì họ không được hưởng án treo. Tuy nhiên, giả sử hai lần trộm cắp đó có tổng trị giá tài sản là 50.000.000 đồng, nếu Tòa án chỉ căn cứ vào trị giá tài sản để áp dụng tình tiết định khung “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”, mà không căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội để áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” thì họ vẫn có thể được hưởng án treo. Việc áp dụng như vậy sẽ không bảo đảm nguyên tắc công bằng và phù hợp trong việc xử lý.
NGUYỄN TỨ
Tòa án quân sự Quân khu 2
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực