/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về việc áp dụng tội danh ‘Mua bán trái phép chất ma túy’ theo quy định hiện hành

Bàn về việc áp dụng tội danh ‘Mua bán trái phép chất ma túy’ theo quy định hiện hành

06/01/2022 15:44 |

(LSVN) - Hiện nay, việc xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội về ma túy được áp dụng theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015), tại Chương XX, từ Điều 247 đến Điều 259. Tuy nhiên, việc xác định tội danh đối với một số tội phạm liên quan đến ma túy trên thực tế nhiều lúc gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc xác định tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Ảnh minh họa.

Điều 251 BLHS 2015 quy định về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” như sau: “1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm...”. Việc xác định tội “Mua bán trái phép chất ma túy” được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Thông tư 17) (được sửa đổi bằng Thông tư liên tịch 08 ngày 14/11/2015 ). Tại mục 3.3 của Thông tư 17 nói trên đã hướng dẫn: Hành vi mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác là hành vi bị xử lý về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Trong phạm vi bài viết này, người viết trao đổi về việc định tội danh “Mua bán trái phép chất túy” được quy định tại Điều 251 BLHS 2015 trong một vụ án cụ thể đã được xét xử trong địa bàn tỉnh: Vào khoảng 18h25’ ngày 19/01/2021, Lương Văn Khoa - cư trú tại xã Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An, đã bị bắt quả tang khi thực hiện hành vi tàng trữ trái phép heroin. Tại các giai đoạn tố tụng, Lương Văn Khoa đều khai nhận số ma túy này có được là do mình mua của một người đàn ông lạ mặt không quen biết nhằm mục đích để sử dụng và bán kiếm lời. Vì vậy, Lương Văn Khoa đã bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 1 Điều 251 BLHS.

Từ nội dung vụ án, chúng ta thấy, sau khi bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, Lương Văn Khoa đã tự khai nhận về việc mình đã mua ma túy, rồi tàng trữ để vừa sử dụng cá nhân vừa bán kiếm lời. Khoa chưa thực hiện việc bán ma túy cho bất kỳ ai. Việc bán lại ma túy để kiếm lời chỉ đang còn là dự định, chưa thực hiện bằng hành vi. Trong trường hợp này, trên thực tế có thể xảy ra các khả năng: Lúc đầu thì Khoa có dự định sẽ bán, nhưng sau lại thay đổi ý định, không bán nữa, hoặc là vẫn giữ ý định sẽ bán nhưng vì đã sử dụng hết số ma túy này nên không thực hiện hành vi bán.

Trong tình huống cụ thể này, cơ quan điều tra đã căn cứ vào lời khai của người có ma túy để xác định động cơ, mục đích phạm tội để xác định tội danh. Thực tiễn xét xử, trên cơ sở kết quả điều tra và căn cứ vào mục 3.3 của Thông tư 17 thì Tòa án xác định hành vi mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác là phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Như vậy, động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội là căn cứ để phân biệt tội “Mua bán trái phép chất chất ma túy” với tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người tàng trữ trái phép chất ma túy có nhằm mục đích bán để xác định tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”. Các tài liệu chứng minh về mục đích thực hiện hành vi phạm tội như: Lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng, vật chứng... mà thuận lợi nhất chính là lời khai của bị can và đồng phạm. Khi có nhiều nguồn chứng cứ thì việc đánh giá mục đích tội phạm là dễ dàng và chính xác, chúng ta không cần phải bàn luận. Vậy nhưng, trong vụ án nói trên, thì duy nhất chỉ có người thực hiện hành vi phạm tội biết và tự khai ra mục đích mua ma túy là để bán, vì không có bất kỳ người nào khác biết được mục đích này. Chính vì vậy, lời khai của người phạm tội trở thành chứng cứ duy nhất để cơ quan tiến hành tố tụng xác định tội danh - đây là vấn đề mà người viết muốn đưa ra bàn luận.

Bám sát vào các quy định về tố tụng hình sự, Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Điều 87 BLTTHS quy định rõ lời khai, lời trình bày là một nguồn thu thập, xác định chứng cứ. Điều 98 BLHS quy định lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Tuy nhiên, trong vụ án nói trên, mục đích tàng trữ ma túy để bán chỉ thể hiện duy nhất qua lời thừa nhận của người tàng trữ trái phép chất ma túy khai, thì sẽ gây khó khăn trong việc đánh giá động cơ, mục đích của bị can, bị cáo, bởi nó phụ thuộc vào ý chí của người thực thi pháp luật và chính bản thân người có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Vậy, khi không có “chứng cứ khác” để đối chiếu với lời khai, lời nhận tội của bị can, bị cáo thì làm sao cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở vững chắc và thuyết phục khi chứng minh lời nhận tội của bị can, bị cáo phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án để khẳng định rằng lời nhận tội của bị can, bị cáo có thể được coi là chứng cứ?

Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, khi các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có duy nhất lời khai, lời nhận tội của bị can, bị cáo mà vẫn lấy đó để làm căn cứ định tội thì có vi phạm quy định: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội” tại Điều 98 BLTTHS hay không?

Theo người viết, nếu căn cứ theo cơ sở lý luận là có vi phạm Điều 98 BLTTHS. Sau đây là một số đánh giá, phân tích về vi phạm pháp luật và cấu thành tội phạm để làm rõ quan điểm này:

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Vi phạm pháp luật bao gồm 4 yếu tố cấu thành là mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể. Như vậy, trước hết, vi phạm pháp luật phải là hành vi xác định của con người, tức là xử sự thực tế, cụ thể của cá nhân hoặc tổ chức nhất định, bởi vì pháp luật được ban hành để điều chỉnh hành vi của các chủ thể mà không điều chỉnh suy nghĩ của họ. Vì vậy, phải căn cứ vào hành vi thực tế của các chủ thể mới có thể xác định được là họ thực hiện pháp luật hay vi phạm pháp luật. Tiếp đến, vi phạm pháp luật phải là hành vi có lỗi của chủ thể, tức là khi thực hiện hành vi trái pháp luật, chủ thể có thể nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó, đồng thời điều khiển được hành vi của mình.

Ở vụ án nói trên, việc “bán” ma túy chưa trở thành hành vi, mà chỉ đang ở trạng thái là ý định, là suy nghĩ. Như vậy, khi chưa có hành vi (hành vi là biểu hiện mặt khách quan của vi phạm pháp luật), thì làm sao chúng ta lại được xét đến hành vi có lỗi hay hành vi không có lỗi? “Lỗi” ở đây là mặt chủ quan của cấu thành tội phạm, nó là trạng thái tâm lý hay thái độ của chủ thể đối với hành vi của mình và đối với hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội được thể hiện dưới hai hình thức: cố ý hoặc vô ý. Lại một lần nữa, chúng ta thấy, khi chưa thực hiện hành vi bán ma túy thì chúng ta không thể xác định được trạng thái tâm lý hay thái độ của chủ thể đối với hành vi “bán” được. Có thể liên hệ với tội "Giết người", nếu anh A. khai rằng anh A. muốn giết anh B. nhưng lại chưa thực hiện bất cứ hành vi gì đe dọa, xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe của anh B. thì chúng ta không thể chỉ căn cứ vào suy nghĩ hay lời nới của A mà định tội danh “Giết người” cho anh A. được. 

Theo quan điểm của người viết, trong một vụ án, nếu như Công an bắt quả tang người nào đó đang có hành vi tàng trữ ma túy và họ tự khai số ma túy này là do họ mua về để sử dụng và bán kiếm lời. Trên thực tế là họ chưa bán cho bất kỳ người nào khác, cũng không có chứng cứ nào khác ngoài lời khai của họ thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có căn cứ để xử lý về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo Điều 249 BLHS, chứ không đủ căn cứ để xử lý về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 BLHS để tránh vi phạm Điều 98 BLTTHS như phân tích ở trên.

Vẫn biết rằng, ma túy là hiểm họa của nhân loại, nó không chỉ tác động xấu đến sức khỏe, tính mạng con người, mà còn làm xói mòn các giá trị văn hoá, đạo đức và là nguyên nhân dẫn đến nhiều tội ác, kéo lùi sự phát triển của xã hội và văn minh của nhân loại. Vấn đề phòng, chống ma túy luôn được các quốc gia và toàn thế giới đồng lòng chung sức thực hiện một cách bền bỉ và mạnh mẽ, khắt khe. Tuy vậy, nếu nhìn ở góc độ lý luận thì chúng ta cần tiếp tục cân nhắc hơn nữa đối với việc áp dụng các quy định về các tội phạm về ma túy, đặc biệt là đối với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” như trong vụ án mà tác giả đề cập trong bài viết này để đảm bảo áp dụng đúng pháp luật trong xử lý hành vi phạm tội.

Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ

Lê Minh Hoàng