/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bàn về việc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"

Bàn về việc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"

06/02/2025 07:09 |3 tháng trước

(LSVN) - Tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" là loại tội phạm phổ biến, thường xuyên xảy ra, hơn nữa còn trực tiếp xâm hại đến tính mạng và sức khỏe của con người. Tuy nhiên, việc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này chưa đạt hiệu quả cao.

Một số khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, bị hại không hợp tác đi giám định thương tích gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan tiến hành tố tụng (THTT). Tại điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) quy định về biện pháp dẫn giải có thể áp dụng đối với: “Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.

Đây là một biện pháp cưỡng chế hoàn toàn mới so với BLTTHS năm 2003, quy định này nhằm khắc phục những trường hợp mà người bị hại từ chối việc giám định gây khó khăn trong quá trình giải quyết án hình sự cũng như hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quy định mới này cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, việc bị hại là cá nhân từ chối trưng cầu giám định có được xem là quyền của công dân hay không? Nếu đã là quyền thì dẫn giải họ liệu có hợp lý hay không?

Ví dụ như vụ án sau: Vào khoảng 12 giờ ngày 05/11/2015, do có mâu thuẫn tại tiệm game bắn cá của anh Nguyễn Văn H. ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nên Nguyễn Duy C. lấy con dao bấm cất giấu trong người đâm vào lưng anh Mai Văn Đ. gây thương tích rồi bỏ chạy. Căn cứ Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do Bộ Y tế ban hành thì vết thương lưng, tràn máu màng phổi trái phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 25%. Như vậy, hành vi của Nguyễn Duy C. có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) với tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm” và không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Ngày 09/12/2015, Cơ quan điều tra (CQĐT) có quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật nhưng anh Đ. đã làm đơn từ chối giám định và không chịu hợp tác để đi giám định nên CQĐT không thể khởi tố, xử lý đối với Nguyễn Duy C.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, kết luận giám định không rõ ràng hoặc có mâu thuẫn mà khiến cho việc giải quyết vụ án kéo dài. Đặc biệt, có những trường hợp trong cùng một vụ án có nhiều kết luận giám định khác nhau khiến cho việc giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn rất dễ bị kháng cáo, kháng nghị hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Theo đó, việc giám định tổn thương cơ thể ở những thời điểm khác nhau có thể cho kết quả khác nhau. Hiện nay, luật chỉ quy định căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích nhưng không quy định rõ là tỷ lệ tổn thương tạm thời hay vĩnh viễn việc giám định phải được tiến hành dựa trên thương tích ngay sau khi vụ án xảy ra hay sau khi nạn nhân đã điều trị ổn định.

Theo quan điểm của tác giả cần dựa vào tổn thương cơ thể tạm thời để định tội danh và khung hình phạt vì nó phản ánh hậu quả trực tiếp của hành vi phạm tội còn tỷ lệ vĩnh viễn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như điều kiện chữa trị của nạn nhân, quá trình chữa trị, phương pháp điều trị,... Mặt khác, khi có nhiều kết luận giám định trong cùng một vụ án thì sử dụng kết luận giám định trước hay sau, kết luận của cơ quan giám định cấp tỉnh hay Trung ương có giá trị hơn? Theo quy định của pháp luật, kết quả giám định của cơ quan cấp cao hơn không thể phủ quyết kết quả của cơ quan giám định cấp dưới, việc căn cứ vào bản kết luận giám định nào để xử lý phụ thuộc vào nhận định và sự lựa chọn của người THTT. Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất cần phải có văn bản hướng dẫn chính thức về những vấn đề này.

Giải pháp hoàn thiện

Từ các vướng mắc, bất cập trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, cần có hướng dẫn tỷ lệ tổn thương cơ thể dùng để truy cứu trách nhiệm hình sự là tỷ lệ tạm thời hay vĩnh viễn, trong trường hợp có nhiều kết luận giám định thì áp dụng kết luận nào; đồng thời quy định trách nhiệm của bị hại trong việc đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tỷ lệ tổn thương cơ thể dùng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" có thể là tỷ lệ tổn thương cơ thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tổn thương cơ thể tạm thời có thể nặng lên, thuyên giảm hoặc khỏi hẳn nếu được điều trị tốt còn tổn thương vĩnh viễn thì bị hại phải mang suốt đời. Theo các chuyên gia giám định pháp y thì những thương tích trên cơ thể con người sẽ có sự chuyển biến và di chứng chứ chưa mang tính ổn định được ngay. Do đó, khi được trưng cầu giám định thì các nhà chuyên môn chỉ có thể đưa ra kết luận về thương tích tạm thời, muốn giám định thương tật vĩnh viễn thì phải được tiến hành sau thời gian hai năm.

Tác giả cũng cho rằng để có căn cứ xử lý người phạm tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" thì chỉ cần dựa vào tỷ lệ tổn thương tạm thời là đủ vì tỷ lệ tổn thương tạm thời đã phản ánh được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can dựa trên tỷ lệ tổn thương tạm thời sẽ đảm bảo tính kịp thời trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ hai, theo khoản 2 Điều 12 Luật Giám định tư pháp hiện hành, các tổ chức có thẩm quyền giám định tư pháp về pháp y bao gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Pháp y cấp tỉnh, Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng và Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an. Thực tiễn cho thấy một số vụ án có nhiều kết luận giám định của các cơ quan khác nhau cho kết quả khác nhau. Vậy trong những trường hợp trên, cơ quan THTT sẽ dùng kết luận giám định nào? Giám định pháp y là một lĩnh vực rất đặc biệt, không phải tổ chức nào giám định sau cùng thì sẽ cho kết quả chính xác nhất, cũng không phải cơ quan nào cao hơn thì sẽ giám định chính xác hơn.

Hiện nay, Luật Giám định tư pháp chưa có quy định cũng như chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này. Do đó, việc sử dụng bản kết luận nào sẽ do mỗi người THTT tự đánh giá, cân nhắc. Chính điều này đã dẫn đến mâu thuẫn trong việc giải quyết các vụ án cố ý gây thương tích.

Vì vậy, tác giả cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc đánh giá và sử dụng kết luận giám định pháp y trong trường hợp có sự khác nhau về tỷ lệ tổn thương cơ thể một cách thật cụ thể, rõ ràng.

Thứ ba, thực trạng bị hại từ chối giám định đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan THTT trong việc xử lý tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của bị hại mà còn nhằm bảo đảm an toàn trật tự cho xã hội. Do đó, tác giả cho rằng BLTTHS nên bổ sung quy định về nghĩa vụ của bị hại phải đi giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền nếu bị hại từ chối giám định nếu không có lý do chính đáng phải được xem là hành vi cản trở hoạt động của TTHS.

Tác giả đề xuất bổ sung khoản 13 vào Điều 466 BLTTHS 2015:

“Điều 466. Xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng…

13. Bị hại từ chối giám định thương tích theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.

Sau khi có kết luận giám định nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS thì sẽ khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Còn việc giám định qua hồ sơ như chúng ta đã biết các tổn thương trên cơ thể con người sẽ có sự thay đổi, nếu kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định mà lại căn cứ vào các triệu chứng được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án là không phù hợp và thiếu chính xác.

Hơn nữa, các hồ sơ bệnh án thường được ghi chung chung sẽ gây khó khăn cho việc giám định nếu không có mặt bị hại, đôi khi các bệnh án ghi không chính xác sẽ dẫn đến kết luận giám định sai lầm. Chính vì vậy, tác giả cho rằng việc giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể qua hồ sơ chỉ nên được áp dụng trong những trường hợp thật đặc biệt, ví dụ như trường hợp bị hại chưa kịp giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể thì đã mất tích hoặc chết vì một lý do khác như tai nạn, thiên tai,...

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021;

3. Luật Giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020;

4. Nguyễn Chí Cường, “Thực trạng, nguyên nhân và các gải pháp, kiến nghị phòng chống tội phạm Cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Nhơn Trạch”, http://vksdongnai.gov.vn/pages/noi-dung-tin.aspx?NewsID=910, truy cập ngày 05/01/2025.

5. Dương Hằng, “Giám định khi thế này, lúc thế khác”, http://plo.vn/phap-luat/giam-dinh-khi-the-nay-luc-the-khac-543280.html, truy cập ngày 05/01/2025.

6. Nguyễn Tất Trình, “Khó khăn, vướng mắc trong giải quyết vụ án “cố ý gây thương tích” và đề xuất, kiến nghị”, https://www.tapchitoaan.vn/kho-khan-vuong-mac-trong-giai-quyet-vu-an-co-y-gay-thuong-tich-va-de-xuat-kien-nghi, truy cập ngày 05/01/2025.

HUỲNH HẢI DUY
Tòa án quân sự Quân khu 9

Các tin khác