/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Bàn về xung đột lợi ích trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Bàn về xung đột lợi ích trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

06/02/2023 10:53 |

(LSVN) - Xung đột lợi ích là nội dung quan trọng trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam và được đa số Luật sư quan tâm. Quá trình soạn thảo Bộ Quy tắc, Ban soạn thảo đã tiếp thu các kiến đóng góp, soạn thảo phù hợp với thực tiễn hành nghề Luật sư.

Ảnh minh họa.

Quy tắc 15.1 Bộ Quy tắc được thể hiện trong Quy tắc 15 là loại quy phạm định nghĩa và giải thích rõ về xung đột lợi ích, đảm bảo tính khái quát về xung đột lợi ích. Quy tắc 15.1: “Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi Luật sư, nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống Luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng”.

Khái niệm “Xung đột về lợi ích” được quy định trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Theo đó xung đột về lợi ích là sự đối lập về quyền lợi vật chất, tinh thần giữa hai hay nhiều khách hàng, đó có thể là khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, khách hàng mới hoặc cũng có thế bên thứ ba bất kỳ mặc dù không phải là khách hàng của Luật sư nhưng có liên quan đến Luật sư. Khi lợi ích của các chủ thể này có xung đột, nếu Luật sư thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho họ thì Luật sư không thể hành động để bảo vệ tốt nhất lợi ích của họ. 

Mặt khác “Xung đột về lợi ích” có thể xảy ra giữa Luật sư và khách hàng, điều này sẽ ngăn cản Luật sư bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của khách hàng.

Nguyên tắc xung đột về lợi ích làm rõ ranh giới giữa việc Luật sư được nhận, thực hiện vụ việc hay không được nhận, thực hiện vụ việc của khách hàng. Nhận diện và giải quyết được vấn đề “Xung đột về lợi ích” giữa các bên giúp đảm bảo thực hiện nguyên tắc độc lập trong hành nghề và thực hiện được nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.

Qua thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, quan hệ giữa Luật sư với khách hàng, giữa khách hàng với nhau và bên thứ ba có sự giao thoa thậm chí đối lập về lợi ích của các bên. Việc xác định trường hợp đó có xung đột về lợi ích hay không và nếu có thì trường hợp đó cần được giải quyết như thế nào cũng là việc làm tương đối khó.

Về nguyên tắc, khi có xung đột về lợi ích Luật sư không được tiếp nhận và thực hiện vụ việc. Trường hợp đã tiếp nhận và đã thực hiện vụ việc mới phát hiện ra cần phải chấm dứt việc thực hiện. Nhưng để đảm bảo tôn trọng tối đa sự lựa chọn của khách hàng, Quy tắc 15.3. Bộ Quy tắc quy định một số trường hợp xung đột về lợi ích nhưng nếu khách hàng đã được Luật sư giải thích về xung đột và khách hàng vẫn tự nguyện chấp thuận và đề nghị Luật sư thực hiện (bằng văn bản), Luật sư vẫn được thực hiện dịch vụ cho khách hàng trong trường hợp đó. Quy tắc quy định sự chấp thuận đó không được trái với pháp luật và Đạo đức nghề nghiệp hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi ích của bên thứ ba đặc biệt là lợi ích, trật tự công. 

Luật sư HOÀNG THANH BÌNH 

Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc

Phó Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan trong hoạt động hành nghề Luật sư

Bùi Thị Thanh Loan