Từ vấn đề căn cốt đó để thấy rằng báo chí “sống được”, “sống khỏe” là do thông tin và cách đưa thông tin. Cách đưa thông tin ngoài quy tắc trung thực, khách quan cần thiết ra thì cần đến sự hấp dẫn của câu chữ, ngôn từ và đặc biệt là thái độ của tờ báo đối với thông tin đó. Vì thế, một người làm báo hoặc viết báo phải có “tâm” và “tầm”, nói cách khác là đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn. Nhà báo khác với các “nhà” khác là sự nhạy bén chính trị, am hiểu thời cuộc, biết rộng các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội nhưng phải hiểu sâu trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Cùng một cái tin có nhiều tờ báo đưa nhưng có bài thì hấp dẫn người đọc, có bài thì lãng xẹt một cách hời hợt, điều đó phụ thuộc vào trình độ người viết, người biên tập, người duyệt bài.
Hiện tại, đất nước chúng ta có quá nhiều cơ quan báo chí và truyền thông, điều này không nói gì được về sự lớn mạnh của báo chí mà ngược lại, nó làm “loãng” đặc quyền báo chí, biến món ăn đặc sản thành bình dân. Cách để bộ máy báo chí tinh gọn và tinh nhuệ cũng chẳng khó khăn gì với cơ quan quản lý báo chí. Tờ báo nào có lượng phát hành thấp, ít người truy cập hoặc kênh truyền hình nào không mấy ai xem thì đóng cửa, đó cũng là một cách chống lãng phí thiết thực. Để kiểm tra và có số liệu chính xác chẳng khó khăn gì với công nghệ hiện đại, có thể đếm được một bài báo có bao người người đọc. Đã có Luật tiếp cận thông tin thì phải theo luật đó, che giấu thông tin thì rất có thể cái thông tin đó trở thành độc hại, bị xuyên tạc và vô hình trung nhường “lãnh địa” cho mạng xã hội. Cũng vì tờ báo sống lay lắt, ít tác dụng, thiếu người đọc nên đẻ ra những phóng viên (có trường hợp cả Ban Biên tập) chuyên đi dọa dẫm, thậm chí tống tiền làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của báo chí trong con mắt người dân.
Mối lo mạng xã hội soán ngôi báo chí là có thật. Song, báo chí chính thống tạo ra sự khác biệt bằng sự chính thống sang trọng, đáng tin cậy và luôn giữ thế thượng phong. Chỉ khác đi khi báo chí đuổi theo (thậm chí ăn theo) mạng xã hội, tự đánh mất mình. Ngược lại, chính mạng xã hội mới phải dẫn các đường link của báo chí chính thống vì tính xác và độ tin cậy. Tiếc rằng, nhiều tờ báo dùng những cái “tit” ngớ ngẩn, sai cú pháp, mang tính kỳ thị hoặc thiên vị một cách rõ ràng mà mạng xã hội dẫn ra để chê bai, đàm tiếu. Nhà báo, muốn nói gì thì nói, được đào tạo cơ bản và sự trau dồi kiến thức của riêng mình thì phải “ăn đứt” mấy anh “chủ tus” nghệp dư chứ. Vấn đề là tâm và tầm!
Mạng xã hội so với báo chí thì chẳng khác gì món thức ăn nhanh trên đường phố với các nhà hàng sang trọng, có địa chỉ cố định và thương hiệu. Thức ăn nhanh đã trở thành chuỗi cung ứng dich vụ toàn cầu nhưng cũng không vì thế mà nhà hàng tên tuổi giảm doanh thu. Vấn đề là giữ được thương hiệu của mình với các đầu bếp trứ danh. Nhà hàng sang trọng không thể ra đường phố để cạnh tranh kinh doanh và tăng thu nhập với thức ăn nhanh bình dân được!
Muốn báo chí xứng tầm, chuyển mình vào kỷ nguyên vững mạnh của dân tộc không có gì khác là phải thay đổi cách quản lý báo chí (thay vì lượng, chú trọng chất) và mỗi tờ báo phải thay đổi chính mình, trước hết là nhà báo phải là nhà báo!