Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty Hải Hằng có trụ sở tại xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ gửi đơn đến các cơ quan báo chí đề nghị "giải oan" cho ông trong việc bị chính báo chí quy chụp là đơn vị thi công của ông "rút ruột" công trình. Công ty này đang thi công một con đường bê tông dài hơn 1km tại xã này.
Khi một tờ báo điện tử đăng bài phát hiện một "bom" trộn bê tông làm đường phải có 8 bao xi măng nhưng thực tế chỉ trộn có 5 bao, chiều dày mặt đường 18cm nhưng chỉ đo được 13cm. Và, như vậy dấu hiệu "rút ruột" công trình đã rõ ràng, bài báo đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư ở đây khiến vị Giám đốc này không biết phải phân trần thế nào cho mọi người hiểu được mình là doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thực tế, khi "giám sát" phát hiện ra điều này, thì trước đó, vào tháng 5 do phát hiện có sự nhầm lẫn về dung tích của "bom" trộn bê tông nên đã điều chỉnh xuống mỗi "bom" chỉ có 6 bao (do đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công, ban giám sát cộng đồng cùng thống nhất định lượng lại). Còn bề dày đo được chỉ 13cm là do thời điểm cuối ngày, "bom" trộn cuối cùng, công nhân đổ dàn ra và được khắc phục ngay sau đó.
Do có bài báo này mà ngay ngày làm việc đầu tiên của tuần, ngày 05/7/2021, đại diện của tất cả đơn vị đầu tư, giám sát, thi công, giám sát cộng đồng,... đã tập trung tại hiện trường khoan lấy mẫu độ dày bê tông ở các điểm khác nhau. Tại 5 điểm khoan bê tông, chỉ có 1 điểm 16cm, còn lại 2 điểm trên 18cm, 2 điểm trên 19cm, điều này có nghĩa là không có chỗ nào 13cm cả và chứng tỏ đơn vị thi công không hề gian dối, rút ruột công trình. Vấn đề còn lại là yêu cầu đơn vị thi công kiểm tra cường độ bê tông, kết luận của các thành phần giám sát là như vậy.
Ông Hải cho biết, công trình này do xã đầu tư, ông trúng thầu và bỏ vốn chứ chưa có kinh phí, chỉ hơn 1km đường và mới thi công được một đoạn mà ông đã phải tiếp đến 4 đoàn nhà báo đến "giám sát" hỏi thăm và đã có một bài báo như nói trên.
Chúng ta đã quá biết những con đường giao thông nông thôn bị thi công ẩu, kém chất lượng và nhanh xuống cấp như thế nào. Tình trạng này phổ biến đến nỗi người dân luôn nghi ngờ nhưng đơn vị thi công "rút ruột" và có sự "ăn chia" nên họ có chỉ ra sự "rút ruột" đó cũng chẳng làm được gì. Song, cái thời gian dối ấy đã qua rồi, trình độ dân trí cao hơn, sự giám sát cộng đồng có trách nhiệm hơn và đặc biệt những mánh khóe gian dối đã bị phơi bày và không ít doanh nghiệp và cán bộ phụ trách việc này phải trả giá. Vậy nên, sự quan tâm của báo chí là để đơn vị thi công làm đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng chứ không phải liên tục "hỏi thăm" để buộc họ phải có thái độ "ứng xử phù hợp".
Báo chí, truyền thông luôn luôn có những đóng góp không nhỏ trong việc phát hiện sai phạm làm thất thoát, lãng phí tài sản hoặc "rút ruột" công trình trong các dự án xây dựng đã và đang thi công. Nhưng, thông tin chính xác, trung thực, cẩn trọng, chọn lọc mới là sức mạnh thực sự của truyền thông, mang lại tác dụng tích cực cho cộng đồng và xã hội.
BÌNH SƠN