/ Trao đổi - Ý kiến
/ Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ theo Nghị định 21/2021/NĐ-CP

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ theo Nghị định 21/2021/NĐ-CP

09/05/2021 16:15 |

(LSVN) - Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Nghị định 21/2021/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 15/5/2021) là một giải pháp mà các doanh nghiệp mong chờ từ rất lâu, giải quyết được bài toán mà khi thi hành các văn bản pháp luật liên quan trước đó chưa thể thực hiện đó là việc định giá và xử lý tài sản bảo đảm là sản phẩm sở hữu trí tuệ.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Quyền sở hữu trí tuệ là một tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015. Quyền này có thể được sử dụng để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam hiện chưa có trường hợp nào quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc nghị định mới này có hiệu lực là một giải pháp mà các doanh nghiệp mong chờ từ rất lâu, giải quyết được bài toán mà khi thi hành các văn bản pháp luật liên quan trước đó chưa thể thực hiện đó là việc định giá và xử lý tài sản bảo đảm là sản phẩm sở hữu trí tuệ. Thực tế, khi trước đây các tổ chức tín dụng áp dụng Nghị định 163/2006/CP-NĐ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định 163/2006/CP-NĐ đã xảy ra trường hợp cá nhân, tổ chức bỏ ra hàng tỉ đồng để nghiên cứu sáng chế, sau đó, dùng sáng chế này để vay vốn ngân hàng, phát triển sáng chế đó lên mức cao hơn, có giá trị hơn nhưng đều bị các ngân hàng từ chối. Điều này gây khó khăn và tổn thất rất lớn đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện cũng như gây thất thoát nguồn tài sản có trong xã hội do quy định pháp luật chưa có hướng dẫn, phương pháp định giá loại tài sản đặc biệt này.

Trước thực trạng đó, Nghị định 21/2021/NĐ-CP đã đưa ra phương án tháo gỡ cho vấn đề trên. Tại Nghị định này đã chỉ rõ quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ là một loại tài sản bảo đảm. Theo đó, chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 17 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ).

Đồng thời, Nghị định này cũng quy định cụ thể về cơ chế pháp lý xác định, mô tả tài sản bảo đảm; cơ chế pháp lý giải quyết việc đầu tư vào tài sản bảo đảm và cơ chế pháp lý giải quyết biến động về tài sản bảo đảm. Đây được coi là hành lang pháp lý cực kỳ quan trọng đối với tài sản bảo đảm nói chung và tài sản là quyền sở hữu trí tuệ nói riêng. Một bước tiến mới “tháo gông” cho tài sản bảo đảm là sản phẩm sở hữu trí tuệ, giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng xác định và quy đổi được giá trị của tài sản này và không gây thất thoát nguồn lực của xã hội.

Tuy nhiên, cũng theo Luật sư Tuấn, để quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng như tài sản đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng thì yêu cầu đầu tiên là tài sản trí tuệ đó phải được định giá một cách cụ thể. Khi nghĩa vụ không được thực hiện đúng và đủ thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đã được đảm bảo. Quá trình này phụ thuộc rất lớn vào việc định giá quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, y tế… quyền sở hữu trí tuệ là tài sản chính và có giá trị nhất mà các cá nhân, tổ chức này có được. Bởi lẽ, đối với các cá nhân, tổ chức này giá trị tài sản hữu hình và bất động sản là rất nhỏ. Chính vì lẽ đó, việc sử dụng tài sản trí tuệ như là một tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng là nhu cầu tất yếu khách quan.

Trên cơ sở phân tích nêu trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng tài sản trí tuệ như tài sản bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ như: Thiết lập trung tâm định giá tài sản trí tuệ; Thiết lập trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản trí tuệ; Tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ,…

PHƯƠNG THẢO 

Khi nào nghi phạm bị còng tay?

Lê Minh Hoàng