Khi nào nghi phạm bị còng tay?

02/05/2021 23:57 | 3 năm trước

(LSVN) - Trên thực tế, rất nhiều trường hợp nghi phạm bị còng tay còn một số khác thì không. Vậy tôi muốn hỏi, theo quy định của pháp luật, trường hợp nào nghi phạm bị còng tay? Bạn đọc H.T. (Bắc Giang) có hỏi.

  Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Các trường hợp được sử dụng còng tay

Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định những trường hợp được sử dụng còng tay, cụ thể như sau: 

-  Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; 

- Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; 

- Ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy; 

- Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật 

- Các trường hợp được quy định tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 như: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng...

Các trường hợp không được sử dụng còng tay

Khi lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ, việc sử dụng còng tay cũng như các công cụ hỗ trợ khác như súng, lựu đạn, bình xịt hơi cay… phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng còng tay thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng. 

Đặc biệt, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ không được sử dụng còng tay khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ khi những đối tượng này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc của người khác. 

Đồng thời, chỉ sử dụng còng tay khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo bằng mệnh lệnh qua lời nói nhưng đối tượng không tuân theo. 

Có thể thấy, pháp luật hiện hành đã có những quy định rất cụ thể về việc khi nào lực lượng chức năng được còng tay, tránh trường hợp thực thi pháp luật không đúng, lạm quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. 

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH

Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Xử lý 1.145 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày 01/5