/ Nghề Luật sư
/ Bảo vệ sự trong sáng và hình ảnh nghề luật sư

Bảo vệ sự trong sáng và hình ảnh nghề luật sư

08/10/2024 13:52 |

(LSVN) - Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, song song với việc hoàn thiện bộ máy nhà nước, thì hệ thống pháp luật nói chung và nghề luật sư nói riêng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới chú trọng và dành sự quan tâm đặc biệt. Từ năm 1945 đến nay, trải qua 79 năm xây dựng và trưởng thành, nghề luật sư ở Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đội ngũ Luật sư trên cả nước qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước được tôi luyện và phát triển, không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Để đạt được những thành quả đó là nhờ có công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước, có sự đóng góp của các thế hệ Luật sư cha anh đi trước. Vì vậy, thế hệ Luật sư hôm nay hãy không ngừng rèn luyện, trau dồi nhằm bảo vệ uy tín, danh dự của nghề luật sư.

Ảnh minh họa.

Ngày nay, nghề luật sư phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, hội nhập quốc tế, phương thức và thói quen tìm kiếm Luật sư của người dân cũng có sự thay đổi, hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý tới người dân của các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư cũng đa dạng hơn: Có thể tại văn phòng, qua điện thoại, trên không gian mạng qua các ứng dụng mạng xã hội... Các Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã đưa công nghệ ứng dụng vào thực tiễn công việc, trợ giúp đắc lực cho công việc, giúp dịch vụ pháp lý được cung cấp nhanh hơn, đa dạng hơn, chuyên nghiệp hơn. Song, bên cạnh những tác động tích cực đạt được,việc phát triển mạnh mẽ của nền tảng công nghệ cũng đưa đến nhiều hệ lụy. Đó là “thực trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao” trên không gian mạng lợi dụng hình ảnh Luật sư, lợi dụng uy tín nghề luật sư để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Có thể kể ra một số hình thức giả mạo Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể: Sau khi lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản của người dân trên không gian mạng, nắm bắt được tâm lý bị mất tiền, tài sản thì người dân sẽ tìm cách (tìm kiếm cơ hội) tư vấn các Luật sư để thu hồi được số tiền bị lừa này, vì thế các đối tượng đã tạo các tài khoản mạng xã hội giả mạo, các trang fanpage giả mạo, các hội nhóm trên mạng xã hội giả mạo, các website giả mạo tổ chức hành nghề luật sư, Luật sư… để quảng cáo “dịch vụ thu hồi tiền treo” trên các app, các sàn giao dịch điện tử...

Thủ đoạn lấy ảnh của Luật sư, biển hiệu tổ chức hành nghề luật sư, logo tổ chức hành nghề luật sư… để sửa chữa, cắt ghép, gắn vào các tài khoản mạng xã hội nhằm lừa gạt người dân, khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin tiếp tục nghe theo lời dụ dỗ của các băng nhóm tội phạm này. Sau khi chiếm đoạt được tiền, tài sản từ thủ đoạn giả mạo Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thì các đối tượng cắt đứt liên lạc và người dân khi đó nghi ngờ mới tìm kiếm, tra cứu số điện thoại thật, địa chỉ thật, tên thật của Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để tư vấn cụ thể thì mới vỡ lẽ ra bản thân lâu nay bị băng nhóm tội phạm giả mạo Luật sư, giả mạo tổ chức hành nghề luật sư để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm lừa gạt những người dân thiếu hiểu biết, ít cập nhật thông tin báo chí, sợ người thân biết việc bị lừa, muốn thu hồi lại tiền bị lừa đảo nhanh chóng… Vì thế, rất nhiều người dân là nạn nhân bị sập bẫy hình thức này.

Giải pháp cho vấn đề tội phạm giả mạo Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản then chốt vẫn là khâu truyền thông, tuyên truyền sâu, rộng, thường xuyên tới người dân qua mọi kênh, như: Truyền hình, báo chí, lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền pháp luật, các chương trình tại cộng đồng để người dân nhận diện ra các thủ đoạn lừa đảo này để có cách thức phòng tránh.

Một hình thức giả mạo cũng tồn tại khá nhiều đó là các tổ chức, cá nhân tuy không phải Luật sư, không phải là tổ chức hành nghề luật sư nhưng quảng cáo, đưa thông tin không đúng sự thật gây nhầm lẫn khiến người dân đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý tin tưởng ký hợp đồng. Bởi, có nhiều người dân chia sẻ chi phí, thù lao họ bỏ ra để sử dụng dịch vụ pháp luật là nhằm thuê Luật sư, thuê tổ chức hành nghề luật sư chứ không phải thuê người nhận ủy quyền hoặc thuê cá nhân, tổ chức không phải Luật sư. Song, họ đã ký kết hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền, bỏ ra chi phí, thù lao trả cho các cá nhân, tổ chức đó rồi nên dẫn tới bị ràng buộc. Thực trạng này tồn tại đã lâu, tuy nhiên chưa có cơ quan chức năng vào cuộc rà soát, xử lý; dẫn tới người thiệt thòi nhất là người dân bỏ tiền ra sử dụng phải dịch vụ không đảm bảo, không chuyên nghiệp; pháp luật không cấm những cá nhân, tổ chức đó nhận ủy quyền tuy nhiên khi quảng cáo, đưa thông tin, khi giao kết hợp đồng với khách hàng không được đưa thông tin sai sự thật về địa vị pháp lý, về khả năng của bản thân khiến khách hàng bị nhầm lẫn với Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. Để xử lý triệt để vấn đề này cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng: Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp ở các tỉnh thành, Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh thành, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư trên cả nước… nhằm phối hợp xử lý, tạo môi trường cung cấp dịch vụ pháp lý lành mạnh, bảo vệ uy danh dự, uy tín  của Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.

Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỒNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Bảo vệ an toàn cho Luật sư và quyền hành nghề Luật sư trong bối cảnh mới

Nguyễn Hoàng Lâm