Ảnh minh họa.
Bất cập khó khăn trong tố tụng
Thứ nhất, ngoài những quy định pháp luật chưa rõ ràng thì công tác tố tụng cũng đang gặp nhiều khó khăn từ giai đoạn điều tra và xác minh hành vi nhận hối lộ và mức án phù hợp đối với từng đối tượng. Có thể thấy rằng có đưa hối lộ thì sẽ có nhận hối lộ, tuy nhiên trên thực tế đã xác minh được hành vi đưa hối lộ nhưng không thể đủ chứng cứ để xác minh rằng có hành vi nhận hối lộ cho nên đã có nhiều đối tượng thoát tội.
Thí dụ như vụ án nhận hối lộ ở tỉnh S.L. để chạy điểm thi Đại học có 04 bị cáo nhận tiền để nâng điểm cho các thí sinh. Theo lẽ thường có việc đưa thì ắt sẽ có việc nhận hối lộ, thế nhưng nhiều vụ rất lạ là các cơ quan tố tụng đã không tìm ra được người nhận hối lộ.
Cụ thể, các bị can đã nhận gần 3,3 tỉ đồng để “giúp” cho 12 thí sinh, khi vụ án bị phát hiện, ngoài việc trả lại cho gia đình các thí sinh, còn lại hơn 2,4 tỉ đồng các bị can đã nộp lại cho Cơ quan điều tra (không ai thừa nhận số tiền này). Cáo trạng của VKSND tỉnh này nhận định hành vi kể trên của các bị can có dấu hiệu của tội "Đưa, môi giới, nhận hối lộ" nhưng theo kết quả điều tra không ai thừa nhận việc đưa tiền.
Ngoài lời khai của các bị can, không có chứng cứ về việc thỏa thuận đưa nhận tiền, cũng không có chứng cứ nào khác để chứng minh nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can này về tội "Nhận hối lộ" và 8 cá nhân đã đưa tiền về các tội "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ". Câu hỏi đặt ra là số tiền hơn 2,4 tỉ đồng các bị can giao nộp không biết nó được coi là tiền gì và sẽ giải quyết thế nào. Tội "Nhận hối lộ", tội "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ" là những tội độc lập trong Bộ luật Hình sự mặc dù có mối quan hệ với nhau về các tình tiết của vụ án.
Do đó, về khoa học pháp lý không thể nói muốn chứng minh được tội này thì nhất thiết phải chứng minh được tội kia. Về lý thuyết, cũng có khả năng chứng minh được cả 03 tội trong cùng vụ án (đó là điều lý tưởng) nhưng cũng có thể không. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng sự đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn đánh giá chứng cứ trong tố tụng hình sự là vậy. Về chứng cứ có thể lấy được từ nguồn vật chất (ví dụ như vật chứng) hay từ nguồn phi vật chất (lời khai, lời nhận tội, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản). Nhưng nó chỉ có giá trị chứng minh khi nó tồn tại khách quan (không bịa đặt, thêm bớt, làm giả, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với chứng cứ khác) và được thu thập hợp pháp. Lời khai, lời nhận tội hay không nhận tội sẽ không có ý nghĩa nếu nó không có cơ sở và không phù hợp với chứng cứ khác, không logic với diễn biến vụ án. Ngay cả lời phủ nhận, bác bỏ việc buộc tội cũng phải có cơ sở và phù hợp với chứng cứ khác.
Thứ hai, ở khu vực ngoài Nhà nước, công tác điều tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện phòng chống tham nhũng đặc biệt là tội phạm nhận hối lộ rất khó khăn và không đủ nguồn nhân lực để thực hiện. Đã có Đại biểu Quốc hội phát biểu giữa hội nghị rằng việc phòng chống tham nhũng ở khu vực công đã là một thách thức lớn đối với chính quyền và cần lượng lớn cán bộ nhân viên ra sức đấu tranh bài trừ nó thì lấy đâu ra nguồn nhân lực để phát hiện và tố cáo, thực hiện công tác tố tụng để đưa việc phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước ra trước ánh sáng pháp luật. Và thực tế cũng đã chỉ ra rõ là rất ít vụ án tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước được đưa ra điều tra và xét xử. Chỉ có khi nào có ảnh hưởng tới lợi ích, ngân sách Nhà nước thì mới đưa ra điều tra và khởi tố, xét xử.
Thứ ba, ngoài những bất cập nêu trên, còn có vấn nạn tham nhũng vặt đặc biệt là nhận hối lộ, với những cơ quan thực hiện công việc hành chính bận rộn và phức tạp thì việc có một chút hội lộ nhẹ để cán bộ nhân viên thực hiện công việc nhanh hơn, thuận lợi. Nhận hối lộ trong các trường hợp này thường công khai và ít bị truy vết nhưng tiếng tăm để lại khá lâu dài và có ảnh hưởng xấu tới bộ mặt cơ quan đó.
Thí dụ như cá nhân nào đó thực hiện việc quay biển kiểm soát xe ô tô mới muốn có số đẹp theo ý muốn cần có chút quà cáp đối với người thực hiện giám sát tại đó vì họ có thể hiểu được quy trình làm việc và cơ hội bấm được biển đẹp là cao hơn với người khác. Hay ví dụ như khi nộp đơn vào Tòa án cần “bôi trơn” để đơn từ được xử lý nhanh gọn, hiệu quả tốt, thụ lý sớm. Không những thế mà còn hối lộ cho Thẩm phán hay người đứng đầu Tòa án để được giảm nhẹ hình phạt ví dụ như vụ án N.V.T. - Thẩm phán sơ cấp TAND TP. K.T. nhận hối lộ để giải quyết nhanh, đúng, theo nguyện vọng của bị đơn trong vụ án mà N.V.T. là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Mặc dù T. đã “nhắc khéo” bị đơn trong vụ án mà ông ta xét xử cần đưa khoảng 30 đến 40 triệu đồng và con số ít nhất là 20 triệu đồng. Nhận thấy sự nhũng nhiều, gây khó dễ ở đây nên đã có đơn tố cáo làm rõ sự việc, bản án dành cho hành vi vi phạm pháp luật này là 04 năm tù giam.
Có thể thấy được ngay người cầm cán cân công lý đã dùng chính nó để làm giàu cho bản thân, tư lợi cho chính mình thì niềm tin của nhân dân vào công lý có còn hay không. Do đó, với trường hợp như thế này cần có chế độ riêng biệt và thực hiện một cách nghiêm túc.
Ở nước ngoài, chế độ lương dành cho cán bộ, nhân viên ngành Tòa án đã cao hơn hẳn so với những ngành nghề khác mục đích là để họ có thể cảm thấy thoải mái với cuộc sống của bản thân, từ đó làm việc với mục đích chính đáng không còn tư lợi cho bản thân nữa. Vì vậy, ngoài những khía cạnh tiêu cực của những vụ án, cần phải xem xét tổng thể từ nguyên nhân, mục đích, động cơ cho đến hành vi, hành động của các đối tượng và hậu quả để lại là như thế nào thì mới có những bản án đúng người, đúng tội.
Thứ tư, nhận hối lộ nhằm mục đích “chạy chức, chạy quyền” có những sai phạm rõ ràng như thế nhưng khi xem lại hồ sơ và quy trình thì lại không phát hiện sai phạm. Thực tế xã hội hiện nay đã xuất hiện rất nhiều trường hợp như vậy, năng lực thì không có nhưng được sự giúp đỡ từ người này người nọ từ những thứ nhỏ nhặt nhất không thành thạo đến khi nhận nhiệm vụ không thể hoàn thành được.
Trong đời sống hiện nay việc “chạy chức, chạy quyền” có hành vi nhận hối lộ là không hiếm nhưng để điều tra chứng minh có hành vi nhận hối lộ ở đây là rất khó khăn. Có thể nhận ra có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ tuy nhiên khi thanh tra kiểm tra lại đúng quy trình tuyển dụng không nhận diện được sai sót chỉ khi cá nhân được tuyển dụng có thành tích kém và có vi phạm ngay khi nắm chức vụ được giao.
Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đã cụ thể phần nào quy định về chống chạy chức chạy quyền, tuy nhiên để thực hiện thì không đơn giản. Đây là lĩnh vực tham nhũng nhiều điều bất cập do quy định chưa thể tìm ra được giải pháp tốt nhất mà chỉ có biện pháp phòng chống, tuyên truyền để người có chức vụ quyền hạn trong công tác cán bộ thực thi đúng mục đích nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Một số biện pháp hoàn thiện cơ chế pháp luật
Giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự với tội "Nhận hối lộ" chính là giải pháp hoàn thiện pháp luật. Mặc dù BLHS năm 2015 mới đi vào thực tiễn được một thời gian ngắn, tuy nhiên, xét trên khía cạnh pháp lý, vẫn có thể đưa ra một số điểm cần hoàn thiện của BLHS năm 2015.
Thứ nhất, về tình tiết “đòi hối lộ, sách nhiễu...” được quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 354: "Đòi hối lộ” là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đưa ra yêu cầu về lợi ích vật chất đối với những người liên quan đến việc giải quyết thủ tục pháp lý. Trong trường hợp này, bên nhận hối lộ và bên đưa hối lộ có hình thành một thỏa thuận trái pháp luật. Nội dung thỏa thuận trái pháp luật này cũng tương tự nội dung của thỏa thuận tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, trong thỏa thuận này, người có chức vụ, quyền hạn là người chủ động đưa ra yêu cầu, thậm chí đưa ra giá trị cụ thể của lợi ích vật chất cũng như thời gian, phương thức đưa... Họ chính là người áp đặt ý chí của mình trong mối quan hệ thỏa thuận giữa các bên. Người đưa hối lộ là người thụ động, là người phải miễn cưỡng chấp nhận các yêu cầu, đòi hỏi của người đòi hối lộ vì lợi ích của mình hay lợi ích của những người có liên quan (ví dụ: cha, mẹ, vợ, chồng, con...)”.
“Sách nhiễu” được hiểu là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết các vấn đề về thủ tục pháp lý cố tình gây ra những khó khăn, phiền phức không đáng có cho các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật nhằm mục đích vụ lợi. Trong trường hợp này, những người có chức vụ, quyền hạn thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc tâm lý của các chủ thể để có ý tạo ra hàng loạt các khó khăn, phiền phức mà trên thực tế không có. Về bản chất, đây là trường hợp tương tự như “đòi hối lộ”, nhưng trong trường hợp sách nhiễu, người có chức vụ, quyền hạn có thể không trực tiếp đặt vấn đề đòi hối lộ mà chỉ thông qua việc gây khó khăn phiền phức để gợi ý. Trường hợp đòi hối lộ và sách nhiễu, người có chức vụ, quyền hạn có thể trực tiếp hoặc qua trung gian đưa ra đòi hỏi, tạo ra các khó khăn không đáng có để buộc người đưa hối lộ đưa của hối lộ.
Tình tiết “đòi hối lộ” được quy định là tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2, Điều 354, BLHS năm 2015, điều đó có nghĩa là hành vi nhận hối lộ muốn thỏa mãn trường hợp này trước hết phải thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản. Tức là, trước hết, chủ thể phải có hành vi “nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào...”. Sau đó cần chứng minh rằng, người này ngoài hành vi “nhận hoặc sẽ nhận” còn có hành vi “đòi hối lộ”.
Tùy theo nội dung thỏa thuận, người nhận hối lộ sẽ nhận lợi ích rồi mới làm hoặc không làm một việc hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hoặc, sẽ làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ trước rồi sau đó mới nhận lợi ích. Rõ ràng, hành vi đòi hối lộ đã bao hàm cả hai trường hợp “nhận hoặc sẽ nhận”. Hành vi “nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào...” thật ra chỉ là diễn biến tiếp theo của hành vi đòi hối lộ.
Như vậy, việc quy định tình tiết “đòi hối lộ” là tình tiết định khung tăng nặng sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong kết cấu và tạo ra quá trình ngược trong quá trình định tội danh. Điều đó chứng tỏ rằng các yếu tố được lựa chọn trong việc xây dựng cấu thành tội phạm cơ bản của điều luật chưa đáp ứng được các yêu cầu, mục đích và các tiêu chí xây dựng cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, tình tiết “đòi hối lộ, sách nhiễu” chỉ được quy định tại khoản 2, Điều 354, BLHS 2015. Nghĩa là những trường hợp phạm tội có dấu hiệu đòi hối lộ nhưng của hối lộ trên 500 triệu đồng sẽ không thể xử lý. Rõ ràng, cấu thành tội phạm tăng nặng tại khoản 3, khoản 4 với giá trị tài sản cao hơn nhưng không phản ánh được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của cả hai dấu hiệu “đòi hối lộ” và dấu hiệu “giá trị tài sản nhận hối lộ".
Do đó, tình tiết “đòi hối lộ” nên được lựa chọn là một trong các tình tiết của cấu thành tội phạm cơ bản bên cạnh các tình tiết “nhận hoặc sẽ nhận”. Cách xây dựng như vậy vừa tránh được bất cập kể trên, vừa đảm bảo tính logic trong nội dung cấu thành tội phạm cơ bản.” Hơn nữa, bổ sung tình tiết “đòi hối lộ” vào cấu thành tội phạm cơ bản cũng phù hợp với nội dung của pháp luật quốc tế đã tìm hiểu ở các nội dung trên.”
Bởi vậy, tác giả kiến nghị sửa đổi cấu thành tội phạm tội "Nhận hối lộ" thành: “Người...trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây....”.
Thứ hai, tình tiết “biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước” là tình tiết định khung tăng nặng đối với tội "Nhận hối lộ". Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có những quan điểm trái chiều. Có quan điểm cho rằng chỉ xác định là “tài sản của Nhà nước” khi tài sản đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng cũng cần xác định là “tài sản của Nhà nước” trong trường hợp Nhà nước là đồng sở hữu tài sản đó (sở hữu một phần đối với tài sản), vì khi tài sản đó bị xâm hại thì Nhà nước cũng bị thiệt hại. Vậy coi thế nào là tài sản của Nhà nước mà vẫn nhận hối lộ cần được hướng dẫn cụ thể để áp dụng được thống nhất và dễ dàng nhất.
Ngoài ra, tình tiết “biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước” hiện đang được quy định tại khoản 2, Điều 354, BLHS 2015. Điều đó có thể hiểu được rằng, với những trường hợp phạm tội "Nhận hối lộ" mà biết rõ là tài sản của Nhà nước nhưng giá trị tài sản trên 500 triệu đồng sẽ xử lý dựa trên tình tiết “biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước” hay dấu hiệu về giá trị tài sản là của hối lộ? Đây cũng là một trong những vướng mắc của tình tiết “biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước cần được nghiên cứu và khắc phục.
Thứ ba, tình tiết “gây thiệt hại về tài sản” là một trong các tình tiết định khung tăng nặng đối với tội "Nhận hối lộ". Tuy nhiên, cách quy định của điều luật hiện đang khá mơ hồ, chỉ quy định chung chung là “Gây thiệt hại về tài sản từ ... đến ...”. Không biết ngụ ý của các nhà làm luật là hành vi phạm tội gây thiệt hại về tài sản cho cá nhân hay cơ quan, tổ chức nào? Nếu việc gây thiệt hại về tài sản không phải hệ quả liên quan đến hành vi nhận hối lộ thì có xử lý không? Ví dụ như, người nhận hối lộ không hề biết rằng hành vi đưa của hối lộ đã gây ảnh hưởng đến tài sản và người lao động của doanh nghiệp của người đưa hối lộ, nhưng việc nhận hối lộ trên chính là nguyên nhân đẩy doanh nghiệp đến những thiệt hại lớn về tài sản. Để tránh những lúng túng khi áp dụng pháp luật, quy định này cần có những hướng dẫn để làm rõ tình tiết “gây thiệt hại về tài sản", đây cũng là tình tiết có nội hàm rất rộng, dễ trùng lặp và có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến khó vận dụng thống nhất và cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ tư, những dấu hiệu liên quan đến chủ thể của tội "Nhận hối lộ" hiện chưa được xác định cụ thể trong luật. BLHS hiện quy định dấu hiệu thủ đoạn “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để gián tiếp phản ánh dấu hiệu đặc biệt của chủ thể tội "Nhận hối lộ". Tuy nhiên, xét về mặt lý luận đây không phải là dấu hiệu phản ánh đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Bởi vậy, cấu thành tội phạm cần chỉ rõ chủ thể của tội "Nhận hối lộ" là “người có chức vụ, quyền hạn” để vừa phản ánh được dấu hiệu đặc biệt về chủ thể, vừa phù hợp với các quy định của các công ước quốc tế về chống hối lộ.
Bên cạnh đó, phạm vi khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” và đặc điểm của họ với tư cách là chủ thể của tội "Nhận hối lộ" cần được xác định rõ để nhận diện yếu tố này chính xác hơn, đồng thời để phân biệt tội "Nhận hối lộ" với các tội phạm khác có dấu hiệu cấu thành tương tự. Theo các Công ước quốc tế có liên quan cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia, phạm vi khái niệm này thường được quy định khá rộng và đặc điểm có vai trò quyết định của chủ thể này như “thực thi một chức năng hoặc nhiệm vụ công”.
Thiết nghĩ, khái niệm người có chức vụ, quyền hạn trong tội "Nhận hối lộ" cần được xác định dựa trên ba đặc điểm: (1) Được giao chức năng hoặc nhiệm vụ công do được bổ nhiệm, do được bầu cử, do được bầu, được ủy quyền hoặc thông qua hợp đồng; (2) Có quyền ra các quyết định hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc ra các quyết định do việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó; (3) Đang thực thi chức năng, nhiệm vụ đó. Bên cạnh đó, cần xác định mối quan hệ trực tiếp giữa chức năng, quyền hạn của chủ thể với việc mà người đưa hối lộ yêu cầu.
Tuy nhiên, thực tế, khái niệm người có chức vụ đã được quy định tại Điều 352 và việc thiết kế định nghĩa về một yếu tố của tội phạm trong quy phạm thuộc phần các tội phạm là điều còn khá xa lạ với kỹ thuật lập pháp hình sự của Việt Nam. Vì vậy, phạm vi khái niệm “người có chức vụ, quyền hạn” là chủ thể của tội "Nhận hối lộ" nên được giải thích bằng văn bản hướng dẫn áp dụng luật.”
Thứ năm, dấu hiệu “qua trung gian trong cấu thành tội phạm cơ bản cần được xem xét lại. Quy định này dẫn đến việc cần phải xác định người được xem là trung gian trong mối quan hệ hối lộ. Quy định như vậy vừa làm tăng thêm nghĩa vụ chứng minh tội phạm vừa giới hạn phạm vi áp dụng của điều luật. Một số văn bản pháp luật quốc tế hiện quy định hai dạng hành vi nhận hối lộ trong cấu thành tội phạm là “trực tiếp hoặc gián tiếp”. Tức là qua người trung gian hoặc bên thứ ba nào đó. Quy định dấu hiệu nhận hối lộ gián tiếp có hai ý nghĩa: không buộc phải chứng minh vai trò trung gian của người trực tiếp nhận hối lộ và bao quát được cả những trường hợp người trực tiếp nhận của hối lộ là một bên thứ ba, ví dụ người thân trong gia đình, người khác hoặc tổ chức nào đó... Với kinh nghiệm lập pháp quốc tế trên, BLHS Việt Nam cũng nên xem xét để giảm bớt áp lực chứng minh khi nhận diện và điều tra các trường hợp nhận hối lộ qua trung gian.
Thứ sáu, về các hình phạt đối với tội "Nhận hối lộ", hiện cả 04 khoản được quy định tại Điều 354 đều quy định một hình phạt chính duy nhất là phạt tù có thời hạn. Khoản 1, Điều 354 có quy định thêm một số hình phạt bổ sung, như: “Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Với quy định này, hình thức phạt tiền đang được các nhà làm luật xếp vào loại hình phạt bổ sung nhưng không bắt buộc áp dụng, mà chỉ là cân nhắc “có thể bị phạt tiền”. Thiết nghĩ, quy định này là chưa hợp lý, phạt tiền nên được quy định là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung bắt buộc áp dụng. Đây cũng là những khuyến nghị mà Công ước UNCAC dành cho các quốc gia thành viên với quy định phạt tiền.
Thứ bảy, quy định về nhận hối lộ trong khu vực tư hiện đang quy định tại khoản 6, Điều 354 với nội dung: “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này. Theo ý kiến tác giả, quy định như trên sẽ xảy ra những bất cập khi áp dụng trên thực tiễn. Quy định “Người... nhận hối lộ” về bản chất đã có sự vênh so với quy định tại khoản 1 “nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào”. Dĩ nhiên trên thực tế, việc người ở khu vực tư sẽ nhận một lợi ích bất kỳ để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là sự việc có khả năng xảy ra. Sự vênh so với khoản 1 còn thể hiện ở cách mô tả “lợi dụng chức vụ quyền hạn” (khoản 1) và “người có chức vụ, quyền hạn” (khoản 6); khi một bên là mô tả thủ đoạn phạm tội, một bên là đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Trong cùng một điều luật, cần đảm bảo sự thống nhất trong xây dựng các quy phạm.
Như vậy, đối với trường hợp nhận hối lộ trong khu vực từ, rất cần sự nghiên cứu, xem xét xây dựng lại, theo quan điểm tác giả có thể xây dựng theo hướng: “Người có chức vụ, quyền hạn làm việc hoặc nhân danh trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước đòi, nhận hoặc sẽ nhận trực tiếp hoặc gián tiếp bất kỳ lợi ích không chính đáng nào cho mình hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ...đến...”.
Cuối cùng, nếu lợi ích vật chất được hiểu là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác thì lợi ích phi vật chất theo quy định của luật hình sự sẽ nằm ngoài ba đối tượng trên. Tuy nhiên, như đã phân tích ở chương 1, “hối lộ” nếu hiểu theo nghĩa Hán Việt, “hối” là của cải, “lộ” cũng là của cải. Của cải có thể hiểu nôm na là tài sản - tức là nằm ngoài khái niệm phi vật chất, đồng nghĩa với việc tên tội danh “Nhận hối lộ” sẽ không thực sự phù hợp nếu xét dưới góc độ ngữ nghĩa.
Theo ý kiến cá nhân tác giả, thiết nghĩ nên đổi tên tội danh thành tội "Nhận lợi ích bất chính". Lợi ích bất chính là danh từ chung nhất để diễn đạt tất cả những lợi ích có được do việc vi phạm những chuẩn mực, nguyên tắc nhất định. Tất cả những lợi ích chung đó gồm cả những lợi ích vật chất và lợi ích phi vật chất. “Lợi ích bất chính” sẽ diễn tả rộng và sâu hơn “hối lộ”.
Đồng thời, “lợi ích bất chính” hay “lợi ích không chính đáng” cũng là thuật ngữ được dùng phổ biến trong các văn bản pháp luật quốc tế có liên quan. Điển hình như Công ước UNCAC đã sử dụng cụm từ “lợi ích không chính đáng” trong mô tả cấu thành tội phạm để nói chung về những lợi ích vật chất, phi vật chất của các hành vi phạm tội, ví dụ như: “... Hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, công chức bất kỳ một lợi ích không chính đáng cho chính bản thân công chức...” (Điều 15 - Hối lộ công chức quốc gia); “... Hành vi hứa hẹn, chào mời hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, công chức hoặc người khác một Với những điểm bất cấp đang tồn tại ở trên, tác giả kiến nghị cần xây dựng, hoàn thiện pháp luật với tội "Nhận hối lộ" theo hướng: “Người nào có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc gián tiếp đòi, hoặc nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích không chính đáng nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù từ... đến...”.
ĐẶNG ĐÌNH THÁI
Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 4
Xử lý tài sản liên quan tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự