Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, theo đại diện Cục Quản lý chất lượng, ngày 30/6 sẽ bắt đầu triển khai công tác chấm thi, đáp án chính thức của các môn thi sẽ được công bố trong 1- 2 ngày tới. Bộ GD&ĐT đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học.
Kỳ thi vừa qua, vẫn còn tình trạng thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, để lọt đề thi ra bên ngoài, có ý kiến cho rằng, nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tổ chức để việc tổ chức thi trở nên nhẹ nhàng hơn. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, chủ trương chung của Chính phủ, trong mọi vấn đề là luôn có sự phân cấp. Tuy nhiên, nội dung nào phân cấp được, nơi nào làm tốt thì sẽ giao nơi đó làm. Còn thời điểm để phân cấp về cho các tỉnh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đến nay chưa tính tới.
Hiện nay chúng ta vẫn đang tổ chức kỳ thi 3 chung: Chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, và sử dụng kết quả để xét tuyển đại học. Nếu mỗi tỉnh ra đề thì mức độ khó dễ khác nhau, liệu có đảm bảo sự công bằng? Hơn nữa, với nguồn lực, điều kiện tập trung của Bộ GD&ĐT ở cấp quốc gia tổ chức cũng sẽ tốt hơn. Dù vậy, công tác tổ chức vẫn đầy gian nan.
Ngoài ra, với một kỳ thi quy mô 15 môn thi, từ khâu ra đề thi, đến thực hiện các khâu, quy trình đều rất vất vả, phải huy động lực lượng vô cùng lớn, nếu giao mỗi tỉnh thành tổ chức thi thì chúng ta lại phải tiếp tục huy động một bộ máy như thế này cho 63 tỉnh thành. Như vậy, tính về hiệu quả kinh tế và tính công bằng, tính an toàn, chia sẻ đều khó đảm bảo.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã phân cấp nhiệm vụ cho địa phương 4 vấn đề cơ bản là: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, đánh giá xét công nhận tốt nghiệp. Còn việc ra đề thi là khâu khó nhất, cần có sự thống nhất chỉ đạo chung, để đảm bảo tính công bằng, tính đồng đều giữa các vùng miền.
PV