/ Góc nhìn
/ Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSND liệu có phù hợp?

Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSND liệu có phù hợp?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Trong hoạt động tố tụng luôn đòi hỏi sự độc lập, khách quan. Thiên chức của mỗi vị trí của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã được quy định đầy đủ, vai trò của Viện kiểm sát trong các vụ án hình sự là giữ quyền công tố “buộc tội” trên cơ sở kết luận điều tra được tiến hành thực hiện  một cách khách quan độc lập.

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định”.

Ảnh minh họa.

Chúng ta đều biết, trong hoạt động tố tụng luôn đòi hỏi sự độc lập, khách quan. Thiên chức của mỗi vị trí của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã được quy định đầy đủ, vai trò của Viện kiểm sát trong các vụ án hình sự là giữ quyền công tố “buộc tội” trên cơ sở kết luận điều tra được tiến hành thực hiện  một cách khách quan độc lập. Hay nói cách khác, điều tra viên chỉ có trách nhiệm lập hồ sơ, tài liệu, chứng cứ trên cơ sở những gì có thật đã diễn ra và phải bảo đảm quá trình đó được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Điều tra viên có quyền đề nghị trưng cầu giám định để xác minh sự thật, bản chất của sự việc mà không được quyền kết luận về các tài liệu được đề nghị trưng cầu giám định. Kết luận giám định lúc này có giá trị về mặt khoa học, chứng cứ pháp lý, làm cơ sở cho những nhận định của mình trong kết luận điều tra.

Hoạt động tố tụng hình sự theo cách hiểu thông thường được chia làm 3 giai đoạn, đó là: điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó, vai trò của điều tra viên chỉ có trách nhiệm báo cáo trung thực mọi thứ, bên giữ quyền công tố mới là bên phải chịu trách nhiệm không bỏ lọt tội phạm; còn xét xử của tòa án là việc phân định đúng sai giữa bên giữ quyền công tố và luật sư/bị cáo. Đây là thiên chức chính của từng cơ quan tiến hành tố tụng trong tiến trình tố tụng, là lý do để các cơ quan đó được sinh ra và tồn tại.

Trong dự thảo Luật Giám định tư pháp khi bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 12 đã có những mâu thuẫn về mặt chức năng khi Viện kiểm sát giữ quyền công tố đồng thời lại sử dụng kết luận giám định của cơ quan giám định trong cùng tổ chức sẽ dẫn đến khả năng triệt tiêu sự độc lập khách quan. Trong khi đó, yếu tố khách quan, độc lập đều là tính chất sống còn của 2 đơn vị này trong toàn bộ quá trình tố tụng khép kín của một vụ việc.

Việc có thêm một tổ chức giám định trực thuộc Viện KSND tối cao khác hoàn toàn với việc tồn tại của cơ quan giám định thuộc Bộ Công an. Như đã nói ở trên, cơ quan điều tra trong tố tụng chức năng nhiệm vụ chính là báo cáo trung thực mọi thứ với bên giữ quyền công tố nên lúc này cơ quan giám định tư pháp trực thuộc Bộ Công an có chức năng phối hợp, làm rõ bản chất sự kiện dựa trên  cơ sở khoa học, kỹ thuật; yêu cầu trưng cầu giám định tư pháp của cơ quan điều tra và các bên khác để từ đó cơ quan điều tra có trách nhiệm báo cáo đầy đủ trong hồ sơ vụ án cũng như làm cơ sở cho kết luận điều tra của mình với cơ quan công tố.

Với chức năng thực hiện quyền công tố của mình, kiểm sát viên đã, luôn và sẽ hành động trên cơ sở tư duy buộc tội, là người tiến hành tố tụng mà trách nhiệm chính là có hay không  hành vi phạm tội của bị can để từ đó ra cáo trạng buộc tội trên cơ sở bản kết luận điều tra, tài liệu chứng cứ; kết luận giám định đã được thu thập độc lập, khách quan bởi điều tra, luật sư, phiên dịch trong đó có sự hỗ trợ của giám định tư pháp độc lập.

Ngoài những cơ sở lý luận pháp lý nêu trên có lẽ trước khi bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện KSND tối cao cũng cần quan tâm đến một loạt các vấn đề khác như:

Thứ nhất, có hay không sự chồng chéo trong giám định tư pháp công lập khi thực tế đã có các cơ quan này ở Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, sẽ rất khó thực thi trên thực tế khi phải xác định giá trị và sử dụng kết luận giám định của từng cơ quan giám định tư pháp trong cùng một vụ án. Vì thực tế đã xảy ra kết luận giám định tư pháp của 2 cơ quan Công an và Quân đội cho kết quả khác nhau thì việc có một kết luận giám định tư pháp công lập thứ 3 thuộc quản lý của Viện kiểm sát đang giữ quyền công tố sẽ được xử lý như thế nào? Có hay không sự phân biệt giữa các cơ quan giám định tư pháp trong cùng một vụ án?.

Thứ hai, khi Viện kiểm sát được trao quyền thực hiện giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự thì quyền này sẽ được sử dụng như thế nào trong quá trình tố tụng? Nếu như sử dụng không phù hợp với thực tiễn sẽ dẫn tới hậu quả ra sao? Có hay không việc kéo dài thời gian tố tụng?.

Thứ ba, việc bổ sung phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao sẽ làm tăng chi phí chưa phù hợp với quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cuối cùng, việc giám định tư pháp âm thanh, ánh sáng là một lĩnh vực giám định hoàn toàn mới, đòi hỏi phải được trang bị những thiết bị công nghệ cao, đòi hỏi nhân sự về lĩnh vực này được đào tạo chuyên sâu, có bề dày kinh nghiệm không chỉ ở Việt Nam mà còn cần phải có kiến thức, kinh nghiệm ở các nước tiên tiến trong các tập đoàn, viện nghiên cứu lớn trên thế giới mới đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt của một tiến trình tố tụng, mới có thể là cơ sở để tòa án ra được một phán quyết phù hợp với bản chất và thực tế. Nên chăng, với những lĩnh vực này giao cho các đơn vị ngoài công lập chẳng hạn như các viện nghiên cứu, tập đoàn công nghệ đáp ứng đủ điều kiện tham gia xã hội hóa giám định tư pháp trên cơ sở hành lang pháp lý về Luật Giám định tư pháp đang sửa đổi, bổ sung lần này.

AN MY

/quyen-gap-lam-viec-cua-luat-su-voi-nguoi-bi-tam-giu-tam-giam-trong-giai-doan-dieu-tra-2.html
/giu-thang-bang-can-can-cong-ly.html