/ Pháp luật - Đời sống
/ Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Quản lý chặt chẽ hoạt động đấu thầu, tránh trục lợi, tham nhũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Quản lý chặt chẽ hoạt động đấu thầu, tránh trục lợi, tham nhũng

15/11/2022 07:28 |

(LSVN) - Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi năm 2013 đã tiệm cận đến những thông lệ tốt của quốc tế và được đánh giá cao. Trên thực tế đã triển khai thực hiện được rất nhiều kết quả tốt, nhưng cũng có những vướng mắc như nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ánh. Do đó, sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra mà vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực, tham nhũng. Phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Sáng 15/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, Luật Đấu thầu là một luật khó, phức tạp ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội. Trong quá trình soạn thảo có nhiều luống ý kiến đặt vấn đề nên quy định nới lỏng hay siết chặt để bảo đảm quản lý Nhà nước.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi năm 2013 đã tiệm cận đến những thông lệ tốt của quốc tế và được đánh giá cao. Trên thực tế đã triển khai thực hiện được rất nhiều kết quả tốt, nhưng cũng có những vướng mắc như nhiều đại biểu phản ánh.

Do đó, sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra mà vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực, tham nhũng. Chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện mua sắm các gói thầu.

Làm rõ quy định áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phân tích, nếu chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thì đối với những doanh nghiệp dưới 100%, cho đến 01% đến 99% lại không quản, lại buông hết thì không phù hợp.

Mặt khác, nếu quy định từ 65% trở lên thì không đúng với khái niệm của doanh nghiệp Nhà nước và tạo ra một khoảng trống pháp luật đối với những doanh nghiệp có từ 50% đến 65% vốn Nhà nước. Do đó, Bộ trưởng đề nghị được giữ như quy định là từ trên 50% vốn trở lên để kiểm soát. Còn dưới 50% thì thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng gian lận thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung, quy định rất nhiều các quy định để tránh hiện tượng này. Theo đó, đã bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm tiêu chí; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm thông tin về chất lượng hàng hóa và dịch vụ công được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu, để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của hàng hóa cung cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.

Về đơn giản hóa các thủ tục, cắt giảm thời gian chi phí trong đấu thầu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT làm rõ, dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; đồng thời loại bỏ các thủ tục ở cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số hoạt động để chuẩn bị đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ và tán thành với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cần có quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung này. Dự thảo Luật đã thiết kế chương có quy định về vấn đề này và có một số điều khoản ở các chương khác quy định những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, trước ý kiến đề xuất cần có chương riêng về đầu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, cần phải cân nhắc bởi nếu có chương riêng sẽ phá vỡ kết cấu chung của luật và hệ thống pháp luật.

“Không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt, mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt, kể cả trong giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh… Sẽ rà soát để bảo đảm bao quát đầy đủ tất cả các vấn đề vướng mắc trong ngành y tế, để tạo thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

NGUYỄN QUÝ

Công dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội

Lê Minh Hoàng