/ Pháp luật - Đời sống
/ Bộ TT&TT nêu các giải pháp xử lý tình trạng mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Bộ TT&TT nêu các giải pháp xử lý tình trạng mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

21/10/2024 16:03 |

(LSVN) - Bộ TT&TT cho biết, thời gian vừa qua, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân, Bộ cũng đã phối hợp với các cơ quan triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn sử dụng sim rác, sim không chính chủ, sử dụng số điện thoại ảo để thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Mới đây, cử tri nhiều tỉnh thành đã gửi kiến nghị đến Bộ TT&TT về việc cần có giải pháp xử lý tình trạng mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và quản lý thông tin trên mạng xã hội…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết, đối với tình trạng sử dụng SIM rác, SIM không chính chủ, sử dụng số điện thoại ảo để thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, trong văn bản trả lời các kiến nghị, Bộ TT&TT cho biết thời gian vừa qua, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân, Bộ cũng đã phối hợp với các cơ quan triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn sử dụng sim rác, sim không chính chủ, sử dụng số điện thoại ảo để thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao. Từ năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xác thực hơn 125 triệu thuê bao từ đó xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, từ ngày 15/4/2024, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định (được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu của cuộc gọi rác). Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao), đồng thời Bộ sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở Người đứng đầu các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ ngày 12/5/2024, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động, tới thời điểm hiện tại, đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng của 3 doanh nghiệp viễn thông di động: Vietnamobile, VNSKY; Mobicast. Theo Bộ TT&TT, đây là hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TT&TT trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM không chính chủ.

Để hạn chế các cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng, Bộ TT&TT đã triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan Nhà nước từ tháng 10/2023. Cụ thể, ngày 23/7/2024, Bộ đã có văn bản số 2970/BTTTT-CVT gửi 30 đơn vị là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị cung cấp thông tin số điện thoại. Từ đó, Bộ đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan Nhà nước.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân: không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, qua đường link trên email/SMS; không download, sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc có khả năng lấy cắp thông tin cá nhân.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện danh sách số điện thoại định danh của cơ quan Nhà nước, cung cấp danh sách cho các doanh nghiệp viễn thông di động để hoàn thiện và chính thức triển khai tính năng định danh cuộc gọi.

Xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM đồng thời phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định thông tin chính chủ.

Tình trạng các cuộc gọi mạo danh các cơ quan quản lý như cơ quan Công an, cơ quan thuế,... để dọa nạt hay yêu cầu cung cấp người dùng thông tin cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân đang không chỉ tăng lên về số lượng mà còn ngày càng tinh vi. Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần luôn nâng cao cảnh giác để bảo vệ chính mình khỏi các chiêu trò lừa đảo.

Bên cạnh vấn đề gọi điện mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo, cử tri cũng phản ánh tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đưa những thông tin xấu, độc, không chính xác… làm ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, lối sống, hành vi của một bộ phận người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.

Theo Bộ TT&TT, quản lý nội dung thông tin trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng số nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ chú trọng thực hiện hàng năm. Để kịp thời phát hiện những vụ việc đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật trên không gian mạng và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, Bộ đã triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát không gian mạng: Vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát không gian mạng; Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu lừa đảo, các thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng để chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn phù hợp, kịp thời; Hướng dẫn thành lập Trung tâm xử lý tin giả tại các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia.

Thứ hai, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, duy trì tổ chức các cuộc họp, đàm phán định kỳ, đột xuất với Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam hoặc cấp cao hơn của các nền tảng xuyên biên giới lớn để đôn đốc, yêu cầu các nền tảng này tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ ba, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam (mục tiêu ở mức từ 92%), số lượng nội dung chặn gỡ đều tăng, thời gian xử lý trong 24 giờ và cả 03 nền tảng này đều phải chấp nhận gỡ bỏ các tài khoản, trang, kênh, hội nhóm vi phạm. Các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Google đã phải áp dụng rà quét, chặn lọc tự động quảng cáo trực tuyến vi phạm trên các nền tảng do họ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thay vì gỡ thụ động như trước đây.

Theo đó, từ năm 2023, Google đã chủ động rà quét, phát hiện và gỡ các tài khoản quảng cáo vi phạm trên YouTube gấp gần 03 lần số lượng chặn gỡ của năm trước đó. Từ đầu năm 2023, bằng việc quyết liệt triển khai các giải pháp đấu tranh mới, Bộ đã thiết lập được quy trình xử lý đặc biệt khi có tình huống nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia với cả 03 nền tảng.

Thứ tư, thành lập Đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam vào tháng 5/2023 nhằm chấn chỉnh hoạt động của TikTok tại Việt Nam, cũng như để cảnh báo, răn đe các nền tảng xuyên biên giới khác.

Thứ năm, triển khai sáng kiến về "White List" nhằm điều chỉnh dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các nền tảng nội dung số trong nước với thông điệp được chuyển tải đến các đại lý quảng cáo và người làm nội dung: Chỉ làm nội dung sạch, thông tin có ích cho cộng đồng mới được nhận quảng cáo.

Trong thời gian tới, để kịp thời phát hiện việc đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, Bộ TT&TT sẽ triển khai các giải pháp.

Trước hết, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp đã và đang triển khai nêu trên, đồng thời có cải tiến để các biện pháp phát huy hiệu quả cao hơn, đạt mục tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý theo quy định của pháp luật.

HOÀNG NGUYÊN

Các tin khác