Ảnh minh họa.
Đình chỉ vụ án hình sự là một tình huống pháp lý có thể diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng hình sự, theo đó vụ án sẽ chấm dứt mà không được giải quyết nữa. Có nhiều căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án hình sự, trong đó có trường hợp bị can được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp sau: Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự sự (BLHS).
Cụ thể, có các trường hợp cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ vụ án hình sự như sau:
- Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo khoản 2 Điều 155 BLTTHS;
- Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo Điều 157 BLTTHS bao gồm: Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
- Tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
- Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 16 BLHS.
- Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS.
- Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Tuy nhiên, trường hợp cơ quan điều tra đình chỉ vụ án không có căn cứ thì quyết định đình chỉ này cũng có thể bị viện kiểm sát hủy bỏ hoặc bị thanh tra kiểm tra và cơ quan chức năng có thể hủy bỏ để yêu cầu tiếp tục điều tra hoặc ban hành quyết định khác phù hợp với quy định pháp luật hơn, đúng căn cứ hơn. Ngoài ra, bị can, bị cáo cũng có quyền khiếu nại đối với các quyết định hành vi tố tụng khi cho rằng quyết định hành vi đó không đúng pháp luật. Trường hợp bị can kêu oan, không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm thì trường hợp đình chỉ vụ án do chuyển biến tình hình hành vi không còn nguy hiểm, do được miễn trách nhiệm hình sự thì cũng có thể bị can bị cáo không chấp nhận căn cứ để đình chỉ vụ án như vậy và sẽ có khiếu nại.
Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ vụ án là vụ án chấm dứt. Nếu đình chỉ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm, không đủ căn cứ để khởi tố, có sai lầm trong việc nhận định đánh giá áp dụng pháp luật hoặc những nguyên nhân khác do có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng (oan sai) thì ngoài việc đình chỉ vụ án, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn để phục hồi các quyền cơ bản của bị can, bị cáo thì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Còn trường hợp đình chỉ vụ án thuộc trường hợp mà pháp luật quy định phải không có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì việc đình chỉ vụ án là căn cứ chấm dứt hoạt động tố tụng và trách nhiệm pháp lý sẽ không được đặt ra với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Việc đình chỉ vụ án hình sự phải rất thận trọng tránh oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm. Nếu việc đình chỉ vụ án hình sự là do luật định, do sự lựa chọn của các đương sự, các tình huống mà pháp luật có quy định không có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng thì vụ việc khép lại. Còn nếu vụ án bị đình chỉ do oan sai, do sai lầm trong việc áp dụng pháp luật có lỗi chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì phải xem xét trách nhiệm pháp lý và cần rút kinh nghiệm, có những giải pháp để không lặp lại những sự vụ như vậy.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội