Ảnh minh họa.
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự được quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV, Phần thứ năm của BLTTHS năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Tại các quy định này, vai trò của Luật sư trong giai đoạn thi hành án hình sự hầu như chưa được đề cập đến.
Sự tham gia của Luật sư vào giai đoạn thi hành án có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thi hành án để giúp người bị buộc tội chấp hành tốt bản án, thực hiện nội dung quyết định của bản án đã tuyên về trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự cũng như chứng minh các điều kiện để giảm án, đặc xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện theo Điều 66 BLTTHS 2015.
Trong giai đoạn này, bản chất không còn là 1 giai đoạn tố tụng, nó chuyển sang 1 giai đoạn theo quan hệ pháp luật hành chính tư pháp nên tư cách của luật sư tham gia tố tụng đã chấm dứt.
Tuy nhiên, nhu cầu trợ giúp pháp lý đối với các bị án liên quan yêu cầu xin giám đốc thẩm, tái thẩm, xin hoãn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xin ân giảm án tử hình… hiện nay rất lớn nhưng chưa có cơ chế để Luật sư tham gia hỗ trợ cho bị án, đương sự.
Chính vì vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị xây dựng các quy định kết nối các quy định của BLTTHS 2015 với Luật Thi hành án hình sự để làm rõ vai trò của Luật sư trong giai đoạn thi hành án hình sự, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định tư cách cho Luật sư tiếp tục tham gia với tư cách là người bảo vệ và tư vấn pháp luật cho người bị buộc tội ở giai đoạn này.
HỒNG HẠNH
Kiến nghị thu hẹp diện chủ thể người bào chữa theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp