/ Tích hợp văn bản mới
/ Các chính sách mới về cán bộ, công chức, người lao động có hiệu lực từ tháng 5

Các chính sách mới về cán bộ, công chức, người lao động có hiệu lực từ tháng 5

01/05/2025 08:07 |16 ngày trước

(LSVN) - Từ tháng 5/2025, hàng loạt các chính sách mới về công chức, viên chức, người lao động sẽ chính thức có hiệu lực như: Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức; chính thức sửa đổi mức phụ cấp lưu trú với cán bộ, công chức, viên chức;...

Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức

Từ ngày 01/5/2025, Thông tư 001/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ về nội quy và quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức chính thức có hiệu lực thi hành.

Thông tư 001/2025/TT-BNV nêu rõ quy định về nội quy tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức; quy chế tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Trong đó, Hội đồng tuyển dụng công chức, viên chức (thi tuyển, xét tuyển); Hội đồng thi nâng ngạch công chức; Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (Hội đồng) có trách nhiệm thông báo danh sách và triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi và thông tin liên quan đến việc tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức, viên chức.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước ngày khai mạc ít nhất 1 ngày làm việc, Hội đồng có trách nhiệm hoàn thành các công việc sau: Niêm yết danh sách thí sinh theo số báo danh, phòng thi, sơ đồ vị trí các phòng thi, nội quy, hình thức, thời gian thi đối với từng bài thi tại địa điểm thi. Danh sách gọi vào phòng thi gồm tối thiểu các thông tin như sau: họ và tên, ngày sinh, mã định danh cá nhân, cơ quan, đơn vị công tác (đối với thi nâng ngạch công chức) và số báo danh. Mỗi thí sinh có một số báo danh duy nhất. Số báo danh của thí sinh gồm các chữ số, chữ cái (nếu có) được sắp xếp theo thứ tự tăng dần, liên tục; bảo đảm không có thí sinh trùng số báo danh.

Đề thi, dữ liệu câu hỏi và đáp án, hướng dẫn chấm điểm, phiếu chấm điểm, các biểu mẫu biên bản, danh sách, tài liệu phục vụ cho kỳ thi. Thẻ của thành viên Hội đồng, Ban giám sát, các bộ phận giúp việc của Hội đồng, bộ phận phục vụ kỳ thi. Cơ sở vật chất để tổ chức thi trên máy vi tính, phỏng vấn, vấn đáp, thực hành và văn phòng phẩm phục vụ kỳ thi.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Theo đó, căn cứ quy định hiện hành về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, Chủ tịch Hội đồng quyết định cụ thể cách thức tổ chức thẩm định hồ sơ, Phiếu thẩm định hồ sơ và các biểu mẫu phục vụ việc thẩm định hồ sơ; phải bảo đảm tính chính xác, công bằng, khách quan, khoa học và đúng quy định của pháp luật.

Các thành viên thẩm định hồ sơ được phân công thẩm định cùng 1 hồ sơ dự xét thì cùng tiến hành thẩm định chung đối với hồ sơ đó. Căn cứ thành phần hồ sơ dự xét và tiêu chí thẩm định hồ sơ, thành viên thẩm định hồ sơ đánh giá việc hồ sơ dự xét có đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và ghi kết quả đánh giá, thông tin liên quan (nếu có) vào Phiếu thẩm định hồ sơ.

Khi thẩm định hồ sơ, nếu các thành viên thẩm định hồ sơ không thống nhất kết quả thẩm định thì chuyển hồ sơ dự xét và kết quả thẩm định của các thành viên lên Trưởng ban thẩm định để xem xét, quyết định hoặc báo cáo Trưởng ban thẩm định tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định. Kết quả thẩm định của từng hồ sơ dự xét được tổng hợp vào bảng tổng hợp chung kết quả thẩm định có chữ ký của các thành viên tham gia thẩm định hồ sơ và Trưởng ban thẩm định hồ sơ.

Trưởng ban thẩm định bàn giao kết quả thẩm định của từng hồ sơ dự xét, bảng tổng hợp chung kết quả thẩm định được đóng trong túi còn nguyên niêm phong cho Hội đồng. Khi giao, nhận phải lập biên bản bàn giao, có chữ ký xác nhận của bên giao, bên nhận, đại diện Hội đồng, đại diện Ban giám sát. Căn cứ số lượng hồ sơ dự xét, tính chất hoạt động nghề nghiệp, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, Hội đồng có thể trực tiếp thẩm định hồ sơ theo quy định tại Điều này mà không phải thành lập Ban thẩm định hồ sơ.

Chủ tịch Hội đồng tổ chức họp Hội đồng để xem xét kết quả xét thăng hạng; các thành viên của Hội đồng trao đổi, thảo luận công khai, dân chủ về kết quả xét thăng hạng; thống nhất kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển. Chủ tịch Hội đồng báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xem xét, quyết định phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển theo quy định.

Việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP và quy định của Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Chức danh nghề nghiệp viên chức nghiệp vụ chuyên ngành lĩnh vực việc làm

Thông tư 04/2025/TT-BLĐTBXH quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức nghiệp vụ chuyên ngành lĩnh vực việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/5/2025.

Trong đó, Thông tư này quy định mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức nghiệp vụ chuyên ngành lĩnh vực việc làm. Cụ thể, chức danh nghề nghiệp viên chức nghiệp vụ chuyên ngành lĩnh vực việc làm bao gồm:

(1) Tư vấn viên dịch vụ việc làm hạng II. Mã số: V.09.06.01.

(2) Tư vấn viên dịch vụ việc làm hạng III. Mã số: V.09.06.02.

(3) Nhân viên tư vấn dịch vụ việc làm hạng IV. Mã số: V.09.06.03.

Thông tư nêu rõ, các tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức nghiệp vụ chuyên ngành lĩnh vực việc làm gồm:

- Trung thực, khách quan, tận tụy, trách nhiệm với công việc được giao, tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.

- Thông tin chính xác, đầy đủ và tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục trong thực hiện cung ứng các dịch vụ công về việc làm; có thái độ khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với các tổ chức và cá nhân.

- Tôn trọng quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; quyền được đảm bảo an sinh xã hội của mọi công dân; có ý thức cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ về việc làm.

- Có tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Giữ bí mật thông tin, tài liệu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Chính thức sửa đổi mức phụ cấp lưu trú với cán bộ, công chức, viên chức

Thông tư 12/2025/TT-BTC ngày 19/3/2025 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực thi hành từ ngày 04/5/2025.

Trong đó đáng chú ý, khoản 3 Điều 1 Thông tư 12/2025/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định về phụ cấp lưu trú với cán bộ, công chức, viên chức nêu rõ, phụ cấp lưu trú là khoản tiền hỗ trợ thêm cho người đi công tác ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chỉ trả, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác). Mức phụ cấp lưu trú để chỉ trả cho người đi công tác 300.000 đồng/ngày.

Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày), thủ trưởng cơ quan, đơn vị, quyết định mức phụ cấp lưu trú theo các tiêu chí: Số giờ thực tế đi công tác trong ngày (bao gồm cả thời gian đi trên đường), quãng đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 400.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo).

Trường hợp một số ngành đặc thù đã được cấp có thẩm quyền quy định về chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thi được chọn chế độ quy định cao nhất (phụ cấp lưu trú hoặc chỉ bồi dưỡng) để chỉ trả cho người đi công tác.

Hướng dẫn vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập

Thông tư 02/2025/TT-BTP của Bộ Tư pháp về hướng dẫn vị trí việc làm công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập chính thức có hiệu lực từ ngày 15/5/2025.

Thông tư này hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm, bán mô tả công việc và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. 

Thông tư này áp dụng đối với:

- Pháp chế viên cao cấp, pháp chế viên chính, pháp chế viên và chuyên viên về pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); chuyên viên chính về pháp chế, chuyên viên về pháp chế tại đơn vị sự nghiệp công lập;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả và khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm về công tác pháp chế trong quân đội nhân dân, công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và pháp luật có liên quan.

Thông tư quy định rõ, nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm về công tác pháp chế gồm:

- Nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm về công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. 

- Nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm về công tác pháp chế trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

THU HƯƠNG

Các tin khác