/ Pháp luật - Đời sống
/ Các định hướng lớn tại dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

Các định hướng lớn tại dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

30/04/2025 11:58 |18 ngày trước

(LSVN) - Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Huy Tiến cho biết, mục đích ban hành Luật là hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm phù hợp với tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn phát sinh liên quan đến thi hành án tử hình, thủ tục điều tra, truy tố vắng mặt.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, việc xây dựng dự án Luật lần này xác định là sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS về tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; thể chế hóa kịp thời kết luận của Bộ Chính trị, yêu cầu của cấp có thẩm quyền để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án tử hình, thủ tục điều tra, truy tố vắng mặt; không mở rộng đến các nội dung khác không liên quan đến mục đích, yêu cầu trên.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS được xác định các định hướng lớn sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS về tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự để thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị quyết số 18-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; có rà soát, đối chiếu các nội dung về tổ chức bộ máy và thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan khác trong các luật dự kiến được ban hành cùng thời điểm (Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự…) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Thứ hai, bổ sung quy định liên quan đến điều tra, truy tố vắng mặt để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thi hành án tử hình theo kết luận của Bộ Chính trị, giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn thi hành hình phạt này.

Theo đó, dự thảo Luật gồm 03 điều:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 2. Hiệu lực thi hành.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp.

Nêu quan điểm thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật; cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi được xác định tại Tờ trình và dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, đề nghị VKSNDTC Báo cáo việc thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền về việc trong năm 2025 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập, vướng mắc trong các quy định về giám định, định giá liên quan đến BLTTHS. Đồng thời, nghiên cứu, mở rộng phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật đối với các quy định liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm nhằm tránh việc dồn án lên cấp trung ương. Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến BLTTHS, tuy nhiên, dự thảo Luật chưa cập nhật các nội dung sửa đổi của Bộ luật Hình sự.

Về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy Cơ quan điều tra; các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; VKSND; TAND, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp  tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật và nhận thấy dự thảo Luật đã cơ bản bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng. Bên cạnh đó, đề nghị VKSNDTC tiếp tục rà soát, cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung trong các dự án Luật liên quan (các luật tổ chức và các luật tố tụng) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Liên quan đến thẩm quyền xét xử của TAND khu vực và Tòa án quân sự khu vực, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị VKSNDTC phối hợp với TANDTC để tiếp tục hoàn thiện quy định về thẩm quyền xét xử của TAND khu vực và Tòa án quân sự khu vực.

Về thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp  nhận thấy, dự thảo Luật bổ sung quy định Cơ quan điều tra kết luận điều tra đề nghị truy tố/ Viện kiểm sát quyết định việc truy tố bị can trong 02 trường hợp (bị can bỏ trốn mà việc truy nã không có kết quả hoặc bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập về nước để phục vụ hoạt tố tụng) là phù hợp.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cũng nêu ý kiến thẩm tra về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành; về điều khoản chuyển tiếp,…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao VKSNDTC, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã khẩn trương chuẩn bị Hồ sơ, tài liệu dự án Luật rất kỹ lưỡng, trách nhiệm; nội dung cơ bản rõ ràng, đảm bảo sự đồng thuận đối với những nội dung lớn.

UBTVQH cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật, tập trung vào các vấn đề thực sự cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay và tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện vào thời điểm phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị VKSNDTC tiếp tục nghiên cứu đề nghị của Ủy ban Pháp luật nêu trong Báo cáo thẩm tra là “nội dung nào sửa được thì sửa luôn, nội dung nào chưa sửa được thì báo cáo Quốc hội tiếp tục nghiên cứu để sửa sau”.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp tục rà soát để bám sát việc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhất là các luật về lĩnh vực tư pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đề án của Tòa án nhân dân tối cao…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Cơ quan điều tra, UBTVQH cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật; tuy nhiên đề nghị nghiên cứu bổ sung tại Điều 37 về thẩm quyền của một số điều tra viên; quy định sao cho đảm bảo giải quyết các công việc vừa tôn trọng quyền con người, quyền công dân, vừa đảm bảo không quá tải cho Cơ quan điều tra cấp trên, đồng thời khẩn trương xử lý những vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở.

Về thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt, UBTVQH cơ bản tán thành quy định như dự thảo Luật; tuy nhiên đề nghị VKSNDTC phối hợp với các cơ quan quy định sao cho từ ngữ giản dị, đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc.

Về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, UBTVQH cơ bản tán thành với dự thảo Luật và đề nghị VKSNDTC tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ. Ngoài ra, UBTVQH đề nghị việc xây dựng dự án Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

PV (t/h)

Các tin khác